Đại dương 'biến dạng' vì nóng lên toàn cầu: Con người đang lĩnh hậu quả ngay trước mắt

Nguyễn Hảo |

Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, nóng lên toàn cầu đã làm tăng nhiệt độ đại dương. Hệ quả là các cơn bão sẽ nhiều và dữ dội hơn bao giờ hết.

Mực nước biển có thể tăng thêm một mét và buộc hàng triệu người phải di cư vào năm 2100 nếu vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu không suy giảm, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc hôm 25/9.

Các kết luận rõ ràng từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc (IPCC) cho biết mực nước biển tăng từ 30 đến 60 cm sẽ xảy ra cho dù mức độ biến đổi khí hậu có được kiềm chế hay không.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không giải quyết được nhiệt độ toàn cầu đang tăng, mực nước biển có thể tăng tới 110 cm.

Đại dương 'biến dạng' vì nóng lên toàn cầu

Phân tích do hội đồng ủng hộ Liên Hợp Quốc được trình bày tại Monaco cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng nhiệt độ đại dương, khiến chúng bị 'biến dạng' không còn như trước. Cụ thể, chúng bị axit hóa hơn, nóng hơn, mực nước biển tăng cao hơn. Điều này có nghĩa là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, siêu bão và El Nino chắc chắn sẽ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn.

Báo cáo được nghiên cứu bởi hơn 100 tác giả từ 36 quốc gia và trên 7.000 ấn phẩm khoa học tham khảo là toàn diện nhất về những thay đổi trong đại dương và tầng băng của Trái đất cho đến nay.

Ko Barrett, phó chủ tịch của IPCC cho biết: "Đại dương và tầng băng của thế giới đã chịu đựng sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ dẫn đến hậu quả đối với tự nhiên cùng nhân loại đang lan rộng và nghiêm trọng hơn (lũ lụt ven biển, bão, siêu bão...)

Đại dương biến dạng vì nóng lên toàn cầu: Con người đang lĩnh hậu quả ngay trước mắt - Ảnh 1.

Băng tan khiến cho Trái Đất lại thêm nóng hơn. Ảnh minh họa

Những thay đổi nhanh chóng đối với đại dương và các khu vực đóng băng trên hành tinh của chúng ta đang buộc người dân từ các thành phố ven biển đến Bắc Cực xa xôi phải thay đổi căn bản cách sống của họ."

Báo cáo này cũng chỉ rõ các sông băng ở châu Âu, Đông Phi, vùng nhiệt đới của dãy Andes và Indonesia có thể mất 80% khối lượng vào cuối thế kỷ này nếu biến đổi khí hậu tiến triển theo tốc độ hiện tại.

Những thay đổi như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước, hậu quả sẽ đánh vào nông nghiệp, du lịch và công nghiệp năng lượng.

IPCC kết luận rằng các đại dương đã hấp thụ một phần tư lượng khí thải toàn cầu kể từ những năm 1980, khiến chúng có tính axit cao hơn. Hội đồng các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng thềm băng Bắc Cực đang giảm diện tích và khối lượng.

Ngay cả khi cộng đồng quốc tế quản lý để giữ nhiệt độ tăng dưới mức mục tiêu 2 độ C được quy định trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thì băng vĩnh cửu vẫn sẽ mất 25% bề mặt ngoài cùng của nó.

Tuy nhiên, nếu khí nhà kính tiếp tục duy trì như hiện tại thì con số đó có thể lên tới 70% vào năm 2100.

Mực nước biển dâng và băng tan sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc sống của 670 triệu người sống ở vùng núi, 680 triệu người sống ở vùng ven biển thấp, 4 triệu người sống ở khu vực Bắc Cực và 65 triệu người sống trên các hòn đảo nhỏ.

Một loạt các loài động vật cũng sẽ đối mặt với sự tuyệt chủng khi khí hậu Trái đất thay đổi.

Khoảng 50% các vùng đất ngập nước, nơi thảm thực vật bảo vệ bờ biển chống xói mòn đã biến mất trong 100 năm qua do sự phát triển của con người, thời tiết khắc nghiệt hoặc mực nước biển dâng cao.

"Từ khóa bây giờ là thích ứng. Điều này cho phép chúng ta giải quyết nhiều rủi ro gặp phải và giúp chúng ta giảm tác động của những rủi ro đó. Đó là lý do tại sao cần phải hành động sớm", Carolina Adler, nhà khoa học người Chile và một trong số các tác giả của báo cáo phát biểu.

Điều này đòi hỏi các quốc gia phải tuân theo Thỏa thuận Paris, phải giới hạn nhiệt độ dưới 2 độ C cũng như đảm bảo sự phối hợp thực sự giữa các chính phủ và các tổ chức quốc tế.

IPPC tin rằng việc hạn chế xây dựng đô thị ở các khu vực ven biển có thể mang lại hiệu quả đối với các rủi ro trong tương lai. Các biện pháp khác như xây dựng các cơ cấu phòng chống lũ lụt chỉ đóng vai trò là biện pháp tạm thời và sẽ không thể ứng phó được mực nước biển dâng trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại