Hành trình tìm địa điểm ở 30 nước của "đại bàng" Áo
Cần cẩu xây dựng vẫn vây quanh nhà máy mới tại khu công nghiệp Kulim ở Malaysia. Bên trong, đội ngũ công nhân được gã khổng lồ công nghệ Áo AT&S thuê đang chuẩn bị sản xuất hết công suất vào cuối năm nay.
AT&S chỉ là một trong số các công ty châu Âu và Mỹ gần đây quyết định chuyển đến hoặc mở rộng hoạt động tại Malaysia.
Gã khổng lồ chip Mỹ Intel và tập đoàn Infineon của Đức mỗi bên đang đầu tư 7 tỷ USD. Nvidia, nhà sản xuất chip cho trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, đang hợp tác với Malaysia để phát triển trung tâm siêu máy tính và đám mây trí tuệ nhân tạo trị giá 4,3 tỷ USD. Texas Instruments, Ericsson, Bosch và Lam Research đều đang mở rộng ở Malaysia.
Khi bắt đầu tìm kiếm địa điểm mới, AT&S đã có nhà máy ở địa điểm sản xuất ở Áo, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, nhà máy tại Trung Quốc là nhà máy lớn nhất.
Andreas Gerstenmayer, giám đốc điều hành của AT&S cho biết sau 20 năm đầu tư vào Trung Quốc, công ty cần phải đa dạng hóa.
Việc tìm kiếm địa điểm của công ty bắt đầu vào đầu năm 2020, ngay khi các cảnh báo về virus Corona nguy hiểm bắt đầu lan truyền. AT&S đã tìm kiếm 30 quốc gia khác nhau trên 3 lục địa trước khi đặt chân đến Malaysia.
Lợi thế của Malaysia so với Việt Nam
Vị trí chiến lược của Đông Nam Á và mối quan hệ kinh tế lâu dài với Trung Quốc và Mỹ khiến khu vực này trở thành một địa điểm hấp dẫn để mở cửa kinh doanh. Các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam, lựa chọn thứ hai của AT&S, cũng đang ráo riết kêu gọi các công ty bán dẫn mở rộng, đưa ra các ưu đãi về thuế.
Nhưng Malaysia có lợi thế dẫn trước, tờ New York Times viết.
Đất nước này đã thúc đẩy làn sóng công nghệ từ những năm 1970 khi thu hút được các ông lớn như Intel và Litronix (nay là Osram). Malaysia cũng tạo ra một khu vực thương mại tự do trên đảo Penang, đưa ra các chính sách miễn thuế và xây dựng các khu công nghiệp, nhà kho và đường sá. Lao động giá rẻ là một điểm thu hút nữa, cũng như dân số nói tiếng Anh đông đảo và chính phủ ủng hộ đầu tư nước ngoài.
Ông Gerstenmayer cho biết, lịch sử sản xuất chất bán dẫn của Malaysia là một trong những điểm thu hút chính.
Theo giám đốc điều hành của Intel, Malaysia có một hệ sinh thái phát triển tốt trong các trường đại học, về giáo dục, lực lượng lao động, chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ chính phủ là một điểm thu hút khác.
Tengku Zafrul Aziz, Bộ trưởng đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia, cho biết đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng vào năm 2019, được thúc đẩy bởi việc chất bán dẫn được sử dụng rộng rãi từ ô tô đến thiết bị y tế.
Sau khi đại dịch Covid-19 bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự quan tâm đến Malaysia như một địa điểm để đa dạng hóa sản xuất đã tăng vọt.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều chuyển sang xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn đáng tin cậy của riêng mình, bên cạnh việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng tái tạo và xe điện.
Ngoài ra, sự kết nối của các công ty công nghệ cũng tạo ra lực hấp dẫn. Ở Penang và Kulim, được nối với nhau bởi 2 cây cầu, có hơn 300 công ty.
Eric Chan, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Intel ở Malaysia cho biết: "Mọi thứ đều ở đây". Sau nửa thế kỷ, mạng lưới và cơ sở hạ tầng này là điều các quốc gia không dễ lặp lại.
Intel đang xây dựng cơ sở đầu tiên ở nước ngoài để đóng gói chip 3-D tiên tiến tại Malaysia.
AK Chong, Phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm Giám đốc điều hành của Intel tại Malaysia, nói rằng khi bạn sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, sẽ có "hiệu ứng gợn sóng". Sự phát triển đó sẽ thu hút hàng chục doanh nghiệp mới và giúp nâng cao toàn bộ kỹ năng của lực lượng lao động.