"Đại bàng" Mỹ đầu tư 7 tỷ đô, láng giềng Việt Nam bất ngờ thành người thắng trong cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung

Minh Khôi |

Việc Mỹ mở rộng hạn chế đối với công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất chip, là lý do chính tạo nên sự hấp dẫn của Malaysia.

Bùng nổ đầu tư vào Malaysia

Ngay sau khi một công ty Trung Quốc mở cửa, các nhân viên Kemikon của Malaysia bước ra ngoài nhà máy và phát hiện những tờ rơi đến từ Fengshi Metal Technology, một đối thủ có trụ sở tại Tô Châu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bán dẫn tương tự.

Công ty này hứa hẹn mức lương cao hơn 30% so với giá thị trường và những "cơ hội độc nhất" khác bao gồm du lịch nước ngoài và các bữa ăn miễn phí.

Fengshi là một trong hàng chục công ty được thành lập hoặc mở rộng ở Penang, Malaysia trong 18 tháng qua. Bên cạnh đó còn có những người "khổng lồ" chip khác như Micron và Intel của Mỹ và các công ty bán dẫn châu Âu AMS Osram và Infineon.

Malaysia có lịch sử 50 năm trong lĩnh vực đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip. Quốc gia này đang có tham vọng tiến lên vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 520 tỷ USD, tham gia vào các hoạt động có giá trị cao hơn như chế tạo tấm bán dẫn và thiết kế mạch tích hợp.

Việc Mỹ mở rộng hạn chế đối với công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất chip, là lý do chính tạo nên sự hấp dẫn của Malaysia.

"Không chỉ có các công ty Trung Quốc [thành lập ở Penang]. Đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và phương Tây", Marcel Wismer, giám đốc điều hành của Kemikon cho biết.

"Và tất cả những điều này đều liên quan đến cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc", Wismer nói thêm.

Đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Malaysia đang bùng nổ. Penang đã thu hút 12,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023, nhiều hơn tổng số tiền mà bang nhận được từ năm 2013 đến năm 2020 cộng lại.

"Người chiến thắng" bất ngờ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

Malaysia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lắp ráp đóng gói và thử nghiệm chip, cho đến gần đây vẫn được coi là một phần khá cấp thấp, sử dụng nhiều lao động nhưng cần thiết trong chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn.

Nước này là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới và nắm giữ 13% thị trường đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn toàn cầu. Đây là nguồn gốc của 20% lượng chất bán dẫn nhập khẩu hàng năm của Mỹ, nhiều hơn cả kim ngạch nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Người chiến thắng trong

Malaysia dẫn đầu về quy mô xuất khẩu chip cho Mỹ năm ngoái.

Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, đang chi 7 tỷ USD vào các cơ sở mới ở Malaysia, bao gồm cả cơ sở đóng gói tiên tiến "3D" sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Họ cũng đang xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip khác ở Kulim, giáp Penang.

Eric Chan, phó chủ tịch Intel có trụ sở tại Penang, cho biết: "Chúng tôi đã phát triển từ 100 người ở khâu lắp ráp, thử nghiệm, thiết kế [và bây giờ] lên đóng gói tiên tiến và lên 15.000 người". Ông nói, hệ sinh thái, khả năng kết nối và cơ sở hạ tầng dành cho chip hiện có của Malaysia là một phần tạo nên sự hấp dẫn.

Micron và Infineon của Đức cũng đang có kế hoạch mở rộng. Micron có trụ sở tại Mỹ vào năm ngoái đã khai trương cơ sở lắp ráp và thử nghiệm thứ 2 tại Penang, trong khi Infineon, cựu công ty con của tập đoàn kỹ thuật Siemens của Đức, cho biết họ sẽ chi tới 5,4 tỷ USD để mở rộng trong 5 năm tới. Họ đang xây dựng cơ sở sản xuất chip cacbua silic lớn nhất thế giới được các nhà sản xuất xe điện sử dụng rộng rãi.

Phần lớn sự thu hút này là nhờ sự nổi lên của những "người chơi" mới ở Penang: các công ty Trung Quốc.

Theo bà Loo Lee Lian, Giám đốc điều hành của InvestPenang, kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt các hạn chế thương mại đối với công nghệ Trung Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump, và đặc biệt là kể từ khi được thắt chặt bởi Tổng thống Joe Biden, Penang bắt đầu nhận thấy làn sóng quan tâm từ các tập đoàn đến từ Trung Quốc Đại lục như Fengshi.

InvestPenang ước tính hiện có 55 công ty Đại lục ở Penang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là chất bán dẫn. Sau đó cuộc "đổ bộ" của Mỹ cũng bắt đầu với 16 công ty.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại