Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Vào một buổi chiều đầy nắng ở California vào cuối tháng 9 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến tham quan Thung lũng Silicon, làm việc với các quan chức tại các công ty bán dẫn Synopsys và Nvidia.
Hơn một tháng trước đó tại Hà Nội, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho 4 bộ của Chính phủ tăng số lượng kỹ sư Việt Nam có khả năng làm việc trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Những nỗ lực của Chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn để đầu tư vào chip vẫn tiếp tục trong năm nay.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn, mặt hàng cần thiết cho công nghệ hiện đại. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết cả nước mong muốn đón một "làn sóng" đầu tư bằng cách hợp tác với các bộ và tập đoàn công nghệ khác để tăng cường nghiên cứu và thu hút nhân tài cho lĩnh vực bán dẫn.
Tham vọng của Việt Nam dường như rất hứa hẹn trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài cũng đang đổ vào lĩnh vực chất bán dẫn.
Trong chuyến thăm Hà Nội vào đầu tháng 12/2023, Jensen Huang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia, đã gọi Việt Nam là "ngôi nhà thứ hai" của gã khổng lồ chip, cam kết mở rộng quan hệ đối tác với các công ty địa phương và thành lập cơ sở tại Việt Nam.
Lĩnh vực bán dẫn là trọng tâm của bước nâng cấp mang tính lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ được công bố vào tháng 9/2023, khi hai nước đồng ý thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trong cuộc họp báo chung ngày 9/9/2023 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định hai nước đang tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi, đặc biệt là xung quanh việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Các công ty sản xuất chip của Mỹ dường như đang đi theo chương trình nghị sự của Washington.
Amkor có trụ sở tại Arizona đã bắt đầu vận hành tại một nhà máy sản xuất chip trị giá 1,6 tỷ USD ở miền bắc Việt Nam từ tháng 10/2023, trong khi Marvell có trụ sở tại Delaware công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn ở Việt Nam.
Các công ty Hàn Quốc cũng đang tham gia cuộc đua. Samsung, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, công bố vào tháng 8/2022 rằng họ sẽ đầu tư 3,3 tỷ USD để sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước.
Hana Micron Vina, chuyên đóng gói chip và bộ nhớ, đang xây dựng nhà máy thứ hai tại Việt Nam và có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào đất nước Đông Nam Á vào năm 2025, theo Nikkei Asia.
Nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những trở ngại, bao gồm nguồn lao động có tay nghề cao.
Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư được đào tạo về chất bán dẫn nhưng sẽ cần tới 20.000 kỹ sư trong 5 năm tới.
Việt Nam sẽ phải tăng tỷ lệ kỹ sư lên khoảng 5 lần mỗi năm, Zachary Abuza, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh quốc gia (National War) chuyên nghiên cứu Đông Nam Á trả lời Al Jazeera.
Nguyen Thanh Yen, kỹ sư chính tại chi nhánh Hà Nội của công ty thiết kế chip Hàn Quốc CoAsia SEMI cho biết, Chính phủ Việt Nam nhận thức được những thiếu sót của lực lượng lao động và đang nỗ lực đào tạo thêm kỹ sư.
Yen nói với Al Jazeera: "Chính phủ hiện đang tích cực lên kế hoạch cho các chương trình dành riêng để tăng số lượng kỹ sư bán dẫn".
Những người khác như Yen rất lạc quan về khả năng vượt qua thách thức của Việt Nam.
Anh cho biết đất nước này vượt trội về toán và khoa học và 20 trường đại học kỹ thuật đang bắt đầu các chương trình đào tạo chất bán dẫn với mục tiêu có thêm 50.000 kỹ sư vào lực lượng lao động vào năm 2030.
"Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ", Yen nói. "Lĩnh vực giúp họ kiếm tiền dễ dàng nhất thường là lĩnh vực kỹ thuật. Chất bán dẫn hiện đang rất nóng".
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết kế hoạch quốc gia về chip của Việt Nam sẽ bao gồm các khoản tài trợ cho ngành thông qua quỹ khoa học và hoạt động nghiên cứu chung của nhà nước với các công ty tư nhân như FPT.
Các trường cao đẳng cũng đang triển khai các khóa học bán dẫn với sự hợp tác của các nhà tuyển dụng như Samsung.
Các đối tác của Việt Nam cũng tham gia tích cực vào nỗ lực này.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Biden đã công bố tài trợ ban đầu 2 triệu USD cho việc đào tạo ngành bán dẫn của Việt Nam.
Bruno Sivanandan, đồng chủ tịch Ủy ban lĩnh vực kỹ thuật số tại Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, cho biết châu Âu có thể là đối tượng tiếp theo tham gia.
Ông Sivanandan cho biết có thể sẽ có quan hệ đối tác với các học viện ở châu Âu để hỗ trợ việc giáo dục cho người lao động Việt Nam.
"Việt Nam có tiềm năng to lớn nhưng vẫn chưa được khai thác nên các ông lớn đang tìm đến Việt Nam", Bruno Sivananda nói thêm.