Đến hẹn lại lên, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, các mặt hàng đặc sản vùng miền lại "phủ" khắp Thủ đô từ chợ truyền thống đến "chợ mạng".
Để đáp ứng các đơn hàng đặt sẵn trước đó, những ngày này, chị Nguyễn Thị Hường (33 tuổi, ở Thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã tăng cường thời gian để cho ra lò các mẻ hàng, gửi từng khách.
Chị Hường cho biết: "Giá sản phẩm năm nay không có sự chênh lệch so với những năm trước đó. Bởi giá thịt lợn đang ở mức chấp nhận được, hơn nữa, vì ít nhiều người dân có thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tôi không tăng giá sản phẩm.
Cũng vì dịch COVID-19 nên sức mua tại Lai Châu không nhiều, mà chỉ có đơn hàng gửi cho một số mối khách quen ở Hà Nội".
Theo đó, giá sản phẩm đối với thịt ba chỉ xông khói và lạp xưởng xông khói của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hường có giá là 360.000 đồng/kg. Riêng thịt trâu là 850.000 đồng/kg và thịt nai, ngựa gác bếp có giá từ 900.000 – hơn 1 triệu đồng/kg.
Để đa dạng hóa các mặt hàng hun khói, trên kệ bếp của chị Hường không chỉ có thịt trâu hun khói, thịt lợn ba chỉ hun khói hay lạp xưởng hun khói, mà còn có thêm thịt nai, ngựa hun khói.
Năm nay, chị Hường cũng tăng cường thêm các danh mục đặc sản vùng Tây Bắc khác để phục vụ nhu cầu người dân, như măng rừng khô, khẩu chí khọp, hạt dổi, mắc khén… và một số sản phẩm dược liệu khác.
Là đầu mối cung cấp các sản phẩm đặc sản vùng miền tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Ánh (42 tuổi, ở Hà Đông) cho biết, các sản phẩm hun khói không chỉ có xuất xứ từ khu vực Tây Bắc, mà có mặt ở cả một số tình khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên… với hương vị rất riêng theo từng địa phương.
Theo chị Ánh, riêng mặt hàng măng khô, nấm hương rừng tại Hà Nội chủ yếu được nhập từ Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai. Hiện măng khô có giá bán tại Hà Nội từ 180.000 – 210.000 đồng/kg, măng khô rối có giá từ 130.000 – 150.000 đồng/kg. Nấm hương rừng có giá từ 380.000 – 410.000 đồng/kg.
Chị Ánh cho biết, năm nay, các mặt hàng đặc sản vùng miền rất hút khách. Do đó, các mặt hàng đặc sản vùng miền không chỉ "phủ" khắp "chợ mạng", mà còn có mặt ở các cửa hàng kinh doanh, chợ truyền thống, siêu thị…
Mặc dù thời điểm chạm Tết Nguyên đán còn gần 20 ngày nữa nhưng anh Lê Trung Nguyên (37 tuổi, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) đã đặt 5kg lạp xưởng để sử dụng trong ngày Tết.
Anh Nguyên cho biết, lạp xưởng có hương vị rất riêng của gia vị vùng Tây Bắc nên món ăn này không thể thiếu trong mâm cơm gia đình anh. Đặc biệt là những ngày Tết.
"Lạp xưởng tôi mua có giá 400.000 đồng/kg, giá có thể hơi cao hơn so với thị trường nhưng vì chất lượng sản phẩm và hương vị rất riêng nên tôi chấp nhận giá cao, đặt thêm 5kg để sẵn trong tủ lạnh để dùng ngày Tết", anh Nguyên cho hay.
Mặc dù đặc sản vùng miền được người dân Thủ đô đón nhận nhưng hiện nay, bên cạnh các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng thì với những sản phẩm ăn liền được bán trên mạng cũng dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.
Về vấn đề này, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp tết…
Đồng thời lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến.