Đặc nhiệm Anh đang “nhòm ngó” biên giới Nga để “giám sát kẻ địch tiềm tàng”?

Anh Tuấn |

Anh và các nước NATO đã bắt đầu triển khai hàng ngàn binh lính tới các nước Estonia, Latvia và Litva một cách luân phiên từ năm 2017 tới nay với lý do rằng họ lo sợ sự hiện diện của Nga có thể ảnh hưởng đến những quốc gia này.

Theo một số nguồn tin quân đội Anh, các binh lính thuộc tiểu đoàn số 21 và 23 của lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh đã thực hiện các hoạt động do thám để theo dõi hoạt động của “kẻ địch tiềm tàng” ở khu vực biên giới nước Nga.

Được biết, hai tiểu đoàn này đã được triển khai đến Estonia để huấn luyện trong vòng 6 tháng qua. Các bài tập mà họ đã thực hiện bao gồm sử dụng máy bay do thám điều khiển từ xa có khả năng phát hiện bất kỳ ý định vượt biên giới để tấn công nào của Nga.

Ngoài ra, các binh sĩ này cũng được huấn luyện để hoạt động “trong lòng địch” trong trường hợp chiến tranh xảy ra để cung cấp cho NATO các thông tin tình báo về hoạt động của đối phương.

Một nguồn tin nói rằng các binh lính đặc nhiệm này “có thể coi là những con người giỏi nhất trong quân đội Anh hiện nay” và họ “được đặc biệt huấn luyện để thực hiện các hoạt động theo dõi từ xa và do thám”. Người này cho biết, đây là những binh lính dự bị do các binh lính SAS chính quy hiện đang “rất bận ở Iraq và Afghanistan”.

Vào tháng tới, Anh sẽ tham gia vào cuộc diễn tập trên biển mang tên “Baltic Protector”, một hoạt động có sự tham gia của khoảng 3.000 quân nhân đến từ nhiều nước NATO khác nhau.

Cuộc tập trận này sẽ bao gồm những bài tập về bí mật tập kích từ biển, đổ bộ và các hoạt động giao chiến trên biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, vai trò của Anh trong cuộc tập trận này sẽ khẳng định “vị thế dẫn đầu của Anh ở Châu Âu”.

NATO đã nhất trí triển khai binh lính tới các nước Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan trong hội nghị thượng đĩnh các nước NATO diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) vào năm 2016. Một đơn vị binh lính người Anh đã đóng quân tại Tapa, Estonia, cách biên giới Nga khoảng 100 km, từ tháng 4/2017 tới nay.

Kể từ sau khủng hoảng chính trị năm 2014 ở Ukraine, phương Tây đã mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Âu, dọc khu vực biên giới với Nga.

Moscow đã cảnh báo rằng những hành vi này sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng, đồng thời cáo buộc liên minh này đưa ra những tuyên bố giả tạo về “hiểm họa từ Nga” đối với các nước vùng Baltic để gây sức ép đối với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại