Truyền thống, hiểu một cách ngắn gọn là những giá trị đặc sắc, nổi bật của một cộng đồng đã được truyền từ những thế hệ đi trước sang các thế hệ hiện tại và tương lai. Với ý nghĩa như vậy, truyền thống rất có giá trị trong việc giáo dục thế hệ trẻ trong các cộng đồng đó. Và cũng vì vậy, tất cả các cộng đồng đều rất chú ý đến việc tạo lập và truyền bá truyền thống của cộng đồng mình.
Tuy nhiên, như tấm huy chương nào cũng có hai mặt, các giá trị đặc sắc, nổi bật của một cộng đồng nào đó cũng có thể có cả mặt tốt và mặt xấu. Nhưng dù tốt hay xấu nó đều có tác dụng giáo dục: biết xấu hổ vì cái xấu để tránh xa cái xấu và ngược lại biết trân trọng, tự hào những cái tốt đẹp để vươn tới cái tốt đẹp đó.
Thông thường, truyền thống của mỗi cộng đồng thường được tổng kết một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất các giá trị đặc sắc, nổi bật, riêng có của cộng đồng đó. Có trường hợp do bản thân cộng đồng đó đúc kết lên. Có trường hợp do dân gian tổng kết và lưu truyền. Cũng có những trường hợp do cấp trên, người nổi tiếng khen tặng...
Chẳng hạn, đối với phụ nữ Việt Nam có truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng. Còn vùng quê Văn Lang, Hạ Hòa, Phú Thọ lại có truyền thống được lưu truyền trong dân gian: "Văn Lang cả làng nói khoác"...
Phương tiện kỹ thuật và vũ khí của Binh chủng Tăng - thiết giáp.
Truyền thống các binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đối với các đơn vị quân đội, do đặc điểm nhiệm vụ là loại lao động đặc biệt, đòi hỏi quân nhân sẵn sàng hy sinh tất cả những thứ cao quý nhất cuộc đời mình để hoàn thành nhiệm vụ, là loại lao động đặc thù hết sức gian khổ, khó khăn, ác liệt... thì việc giáo dục tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào của một quân nhân, sẵn sàng xả thân vì đất nước... là hết sức cần thiết.
Để làm được điều đó thì xây dựng truyền thống và giáo dục truyền thống là một giải pháp hết sức hiệu quả.
Đặc biệt, các binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam có những nét đặc thù rất khác nhau: trang bị vũ khí khác nhau, nhiệm vụ khác nhau, cách đánh khác nhau... nên cũng có truyền thống rất khác nhau. Đó thường là những nét truyền thống được đúc kết từ lịch sử xây dựng và chiến đấu lâu dài của binh chủng đó.
Chỉ là những tổng kết rất ngắn gọn, dễ nhớ song đã đặc tả được đặc điểm và những những truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ của binh chủng đó đã dựng xây nên bằng mồ hôi, xương máu và trí tuệ của mình.
Lần giở các trang lịch sử của từng binh chủng, chúng ta có thể thấy rất rõ điều đó.
Đối với binh chủng Pháo Binh, trải qua mấy chục năm xây dựng, trưởng thành và chiến đấu, từ khởi đầu là các loại pháo cối mang vác cho đến những trang bị hiện nay đã xây dựng lên truyền thống: "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng".
Binh chủng Tăng thiết giáp ngày càng lớn mạnh.
Với nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho quân đội, các thế hệ cán bộ chiến sĩ binh chủng Thông Tin liên lạc đã xây dựng lên truyền thống: "Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn".
Là binh chủng có nhiệm vụ bảo đảm công binh, công trình phục vụ chiến đấu, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là bảo đảm cơ động, binh chủng Công Binh có truyền thống: "Mở đường thắng lợi".
Với binh chủng Đặc Công- một binh chủng khá non trẻ nhưng có lối đánh hiểm hóc, tinh nhuệ, dùng ít đánh nhiều... đã xây dựng lên truyền thống: "Đặc biệt tinh nhuệ; Anh dũng tuyệt vời; Mưu trí, táo bạo; Đánh hiểm thắng lớn".
Còn binh chủng Hóa học với nhiệm vụ phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các lực lượng khác trước các loại vũ khí hủy diệt lớn thì có truyền thống là: "Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi".v.v...
Xe tăng PT-76 số hiệu 268 tại Đài tưởng niệm Chiến thắng Làng Vây.
"Đã ra quân là chiến thắng"- Truyền thống của binh chủng Tăng Thiết Giáp
Thành lập ngày 5.10.1959 nhưng phải đến gần 10 năm sau bộ đội Tăng Thiết Giáp mới chính thức tham chiến tại chiến trường miền Nam trong trận đánh cứ điểm Làng Vây đêm 06 rạng ngày 07.02.1968.
Trận đánh đã giành thắng lợi với hiệu suất rất cao, chứng tỏ chúng ta hoàn toàn có khả năng sử dụng một cách hiệu quả tăng thiết giáp ở chiến trường miền Nam và được Bộ Thống soái tối cao rất chú ý.
Chính vì vậy, ngay buổi trưa ngày 07.02.1968, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận tin chiến thắng, Bộ Tổng Tư lệnh đã có điện khen ngợi gửi Bộ Tư lệnh Thiết giáp. Nguyên văn bức điện như sau:
"Bộ Tổng tư lệnh gửi Bộ Tư lệnh Thiết giáp!
Các đồng chí thân mến!
Trong trận tiến công Làng Vây các đồng chí đã nêu cao tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo, vượt mọi khó khăn gian khổ, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn xung phong thọc sâu chia cắt địch, tiêu diệt hoàn toàn vị trí then chốt của giặc Mỹ và tay sai trên tuyến phòng ngự đường số Chín, bắt tù binh, thu vũ khí, làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Với chiến công vang dội đó các đồng chí đã góp phần xứng đáng cùng quân và dân miền Nam anh hùng, liên tục tiến công và đồng loạt nổi dậy trong cao trào cách mạng mới, giành thắng lợi to lớn và toàn diện trên khắp các chiến trường.
Bộ Tổng tư lệnh nhiệt liệt biểu dương các đồng chí đã đánh thắng trận đầu oanh liệt, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của bộ đội thiết giáp nhân dân Việt Nam nói riêng và các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung.
"Hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã"
Các đồng chí hãy phát huy khí thế chiến thắng, kịp thời rút kinh nghiệm trận chiến đấu vừa qua, ra sức giữ gìn tốt vũ khí, khí tài, không ngừng nâng cao sức mạnh hơn nữa, quyết cùng toàn dân thừa thắng xông lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược".
Ngay sau đó, bức điện đã được phổ biến rộng rãi tới cán bộ, chiến sĩ trong binh chủng và câu "Hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã" trong bức điện được mặc nhiên xem là truyền thống của bộ đội Tăng Thiết giáp.
Mặc dù có hơi dài và về câu chữ có phần nào đó chưa được thật hoàn mỹ song truyền thống đó đã là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ lớn lao khích lệ lớp lớp cán bộ, chiến sĩ xe tăng vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong những năm tiếp theo mà đỉnh điểm là những chiến công vang dội trong cuộc Tổng Tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.
Với những thành tích nổi bật đó, ngày 20.10.1976, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết số 22/QĐ/QH/K6 và Chủ tịch nước ký lệnh tuyên dương Anh hùng LLVTND cho binh chủng Tăng Thiết giáp. Trong quyết định có đoạn viết:
"... Phát huy truyền thống anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội thiết giáp đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, chiến đấu anh dũng, mưu trí, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, phát huy mạnh mẽ sức đột kích của mình, ngay từ trận đầu đã đánh thắng giòn giã, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của binh chủng: "Đã ra quân là đánh thắng"..."
Từ thời điểm đó, "Đã ra quân là đánh thắng" chính thức trở thành truyền thống của Bộ đội Tăng Thiết giáp Việt Nam!