Đã hết thời các nước phương Tây độc quyền thị trường vũ khí quốc tế

Trịnh Ngọc Tiến/ Trường Đại học Chính trị/ Bộ Quốc phòng |

Máy bay chiến đấu F-16 một thời được coi là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ, đồng thời biểu hiện cho sự độc quyền của các công ty vũ khí phương Tây trên thị trường toàn cầu.

Tượng đài của một thời "oanh liệt"

Trong số máy bay chiến đấu trên thị trường vũ khí toàn cầu, khó có máy bay nào sánh được với máy bay F-16.

Khoảng 40 năm sau chuyến bay thử đầu tiên; F-16 vẫn là một trong những chiếc máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên thế giới với hơn 2.500 chiếc đã được sản xuất, phục vụ trong quân đội Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Nó có thể được coi là một "tượng đài" của nền công nghiệp quốc phòng nước Mỹ.

Trong khoảng thời gian đó, các nhà cung cấp phương Tây đã chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường vũ khí quốc tế. Vào năm 2015, họ chiếm 59% tổng doanh số bán hàng trên thị trường toàn cầu; trong đó các doanh nghiệp Mỹ chiếm 45% và châu Âu là 14%.

Tuy nhiên, vị trí đó đang bị đe dọa; kể từ năm 2010, nguồn cung vũ khí từ các nước phương Tây đã thực sự bị suy giảm (năm 2005 là 62%, theo số liệu từ Avascent Analytics). Với xu hướng hiện tại, máy bay phổ biến nhất thế giới trong 4 thập kỷ tới; hoặc thậm chí sớm hơn - có thể không phải là máy bay của Mỹ hoặc châu Âu mà là của Trung Quốc hoặc Nga.

Đã hết thời các nước phương Tây độc quyền thị trường vũ khí quốc tế - Ảnh 1.

Máy bay F-16 - biểu tượng sức mạnh quân sự một thời của của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ. Ảnh: Wiki

Hết thời trên bảo, dưới phải nghe

Từ nay đến giữa năm 2020, các nhà cung cấp vũ khí phương Tây phải đối mặt với sự cạnh tranh chưa từng thấy trên thị trường quốc tế, nơi mà họ từng coi là khu vực sân nhà của mình. Một trong yếu tố đó là năng lực công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc và sự can thiệp của các chính trị gia vào các thương vụ mua bán vũ khí.

Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên chủ chốt của khối NATO đã yêu cầu các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc cung cấp hệ thống phòng không HQ-9 cho chương trình T-LORAMIDS; Ankara cũng đã mua các máy bay không người lái của các công ty Trung Quốc.

Saudi Arabia, một trong những khách hàng lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông về các loại vũ khí truyền thống, cũng đã mua các máy bay không người lái CH-4 của Trung Quốc, bao gồm cả một phiên bản vũ có trang.

Đã hết thời các nước phương Tây độc quyền thị trường vũ khí quốc tế - Ảnh 2.

Máy bay không người lái Wing Loong (Dực Long) của Trung Quốc. (Ảnh: Sina)

Những khách hàng mua vũ khí Trung Quốc khác bao gồm Iraq, UAE và Ai Cập và nhiều nước trước đây từng là khách hàng quen của các nhà sản xuất vũ khí phương Tây, vì Trung Quốc bán hàng ít khi kèm theo điều kiện chính trị.

Việc mua được vũ khí phương Tây luôn đi kèm với điều kiện chính trị khắt khe như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... Chính điều kiện chính trị này đã dẫn đến giảm thị phần của các nhà cung cấp quốc phòng phương Tây.

Ví dụ, giới chức Mỹ từ chối cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ như máy bay F-35 cho bất kỳ đồng minh vùng Vịnh nào - một chính sách nhằm bảo vệ ưu thế quân sự của Israel.

Tương lai thuộc về ai?

Hiện nay, thị trường vũ khí toàn cầu đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào, kể cả đó là nước Mỹ.

Ngày càng có nhiều quốc gia đã tự đáp ứng được phần lớn nhu cầu vũ khí của mình bằng chính ngành công nghiệp quốc phòng trong nước; điều này càng khả quan hơn nhờ chính sách chuyển giao công nghệ từ các nước khác. Đây là vấn đề làm cho các công ty quốc phòng phương Tây gặp khó khăn ngay trong việc giữ mối quan hệ với những khách hàng cốt lõi.

Thị trường quốc phòng phát triển như thế nào sẽ phụ thuộc vào vô số các yếu tố, nhưng 2 yếu tố quan trọng nhất đó là yếu tố chính trị và kinh tế.

Sự thay đổi cạnh tranh trên thị trường vũ khí quốc tế có thể được bắt nguồn từ khả năng cung cấp vũ khí giá rẻ của các nước như Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Nền công nghiệp quốc phòng của họ là sự kết hợp giữa mua bản quyền hay sao chép bất hợp pháp, đánh cắp bí quyết công nghệ từ nước khác...nên sản phẩm có ưu thế giá rẻ, phù hợp với khả năng của những nước có ngân sách quốc phòng hạn hẹp.

Đối với Israel và Đài Loan, những quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải đối mặt với những mối đe dọa thường xuyên, nếu tình huống xung đột quân sự xảy ra, khả năng họ được cung cấp vũ khí từ những nước khác là rất khó khăn. Vì vậy, việc tự cung, tự cấp không những là vấn đề kinh tế mà còn là sự tồn tại của chế độ.

Từ vấn đề trên đã thúc đẩy các quốc gia này hướng tới một ngành công nghệ quốc phòng và công nghệ cao theo hướng xuất khẩu trong suốt thời bình. Ví dụ, Hàn Quốc có thể được tính là cường quốc xuất khẩu tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu trong những năm tới.

Ngành kinh tế quốc phòng là ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia. Brazil là nước tích cực phát triển nền công nghiệp quốc phòng của mình khi họ thành lập liên doanh giữa Gripen và Saab trong sản xuất máy bay quân sự và dân sự, điều này đã đem lại cho họ nhiều lợi ích kinh tế.

Ở Trung Đông, Saudi Arabia cũng đang nỗ lực xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của riêng mình, tránh quá phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.

Vào tháng 4/2016, các quan chức Arab Saudi cho biết họ đã tự trang bị được số vũ khí có giá trị bằng một nửa số kinh phí mua sắm vũ khí của Vương quốc Anh. Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình đến năm 2030 (Vision 2030), Saudi Arabia tuyên bố sẽ tự sản xuất các loại phụ tùng vũ khí, xe bọc thép và những loại đạn dược cơ bản.

Chính sách mới này sẽ giúp Riyadh tận dụng các khoản chi tiêu công lớn cho quốc phòng như là một biện pháp để phát triển kinh tế và phát triển các ngành công nghiệp khác, sau ngành khai thác và chế biến dầu mỏ.

Rõ ràng, mong muốn phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước này không chỉ giới hạn ở các quốc gia Trung Đông hay Thái Bình Dương. Ngay tại Canada, chương trình mua sắm vũ khí không còn chịu sức ép chính trị mà chính là các "giá trị" về kinh tế đang được đưa ra theo đề xuất của họ.

Xu hướng "toàn cầu hóa" trong ngành công nghiệp quốc phòng

Rõ ràng những tư duy "độc quyền" trong quá khứ của ngành xuất khẩu vũ khí để áp dụng vào tương lai thị trường quốc phòng là không phù hợp.

Tương lai của thị trường quốc phòng toàn cầu là xu hướng không được chính trị hóa các thỏa thuận về chuyển giao công nghệ cho các đối tác nước ngoài; trừ các lĩnh vực sản xuất nền tảng như công nghệ nguồn hoặc các hệ thống điện tử tiên tiến.

Không chỉ các nhà cung cấp phương Tây phải đối mặt với sự sụt giảm về thị phần và phải chia sẻ một phần công nghệ trong lĩnh vực cung cấp quốc phòng. Chia sẻ công nghệ cũng là giá của việc kinh doanh vũ khí cho các nhà cung cấp Nga và Trung Quốc.

Hindustan Aeronautics Ltd, một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ, đang thực hiện một loạt chuyển giao quan trọng trong hoạt động sản xuất quốc phòng với những công ty của Nga.

Tương tự, mối quan hệ giữa Pakistan Aeronautical Complex và các tổ chức hàng không của Trung Quốc, bao gồm cả Tập đoàn Hàng không Thành Đô hiện đang phát triển máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ năm của Trung Quốc J-20.

Như vậy, các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương và các thỏa thuận chuyển giao công nghệ sẽ trở nên phổ biến hơn trong những năm tới và có thể trở thành những tiêu chí bắt buộc.

Nền công nghiệp quốc phòng của các nước đang phát triển, ngoài tự đảm bảo cho chính mình còn có lượng dư thừa để xuất khẩu ra thị trường bên ngoài. Điều này cũng làm phá vỡ thế độc quyền của các nhà cung cấp quốc phòng phương Tây.

Ví dụ rõ nhất về sự phát triển này đó là ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ. Từ năm 2010 đến năm 2015 đã tăng trưởng 9% mỗi năm nhờ chi tiêu về quốc phòng của nước này tăng gấp đôi và các chính sách như "Sản xuất ở Ấn Độ".

Kết quả là các nguồn cung trong nước đã chiếm hơn một nửa chi tiêu quốc phòng hàng năm của Ấn Độ trong năm năm qua.

Hàn Quốc là một ví dụ điển hình khác; vào năm 2015, các nguồn cung trong nước chiếm hơn một nửa ngân sách quốc phòng của nước này (năm 2010 là dưới 40%). Nhật Bản cũng như vậy, năm 2015 đã dành 70% ngân sách mua vũ khí cho các nhà sản xuất trong nước.

Tương lai sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại quốc phòng toàn cầu. Việc Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội cho thấy họ đã tích cực đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí mới.

Điều này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc không chỉ là công xưởng về sản xuất hàng gia dụng của thế giới mà còn là công xưởng sản xuất vũ khí toàn cầu. Vấn đề này là nguy cơ lớn với thị trường quốc phòng của các nước phương Tây khi vũ khí giá rẻ của Trung Quốc chiếm ưu thế.

Đã hết thời các nước phương Tây độc quyền thị trường vũ khí quốc tế - Ảnh 3.

Triển lãm Hàng không Chu Hải là dịp Trung Quốc "khoe" các loại vũ khí của mình. Trong ảnh là mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4+ J-10B. (Nguồn: military.china.com)

Trong việc bán hàng, Trung Quốc ít kèm điều kiện chính trị và có trường hợp lại được hậu thuẫn của Chính phủ (như cho vay tiền để mua vũ khí hoặc đổi vũ khí lấy nguyên liệu, khoáng sản).

Toàn cầu hóa đã định hình lại các ngành như sản xuất ô tô và công nghiệp hàng tiêu dùng, và hiện nay đã bắt kịp ngành công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, các công ty quốc phòng phương Tây tin rằng bằng ưu thế và kinh nghiệm của mình, họ vẫn có vai trò quan trọng trong thị trường quốc phòng tương lai.

Thế giới đang thay đổi, nhưng để lặp lại mô hình trong gần nửa thế kỷ qua trong thị trường vũ khí toàn cầu là một điều phi thực tế.

Một cách tiếp cận hợp lý là xem xét lại những nhu cầu quốc phòng toàn cầu để đề ra chiến lược lãnh đạo trong thế kỷ 21. Trong đó phương Tây phải thiết lập các mối quan hệ quân sự-chính trị mới, tăng cường cạnh tranh và có chiến thuật thương mại mới.

Cách tiếp cận mới này là một trong những giải pháp tốt nhất cho các công ty quốc phòng phương Tây. Các nhà lãnh đạo thị trường mới hiểu rằng họ không còn có thể tiếp tục lũng đoạn, độc quyền thị trường quốc phòng toàn cầu nữa vì xuất hiện quá nhiều đối thủ cạnh tranh.

Máy bay chiến đấu F-16 một thời được coi là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ, đồng thời cũng là "tượng đài" biểu hiện sự độc quyền của các công ty sản xuất vũ khí phương Tây trên thị trường quốc phòng toàn cầu. Nhưng điều này sẽ không còn đúng nữa, và điều không mong muốn này có thể là di sản cuối cùng trong lịch sử 40 năm của máy bay F-16.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại