Năm 2021 tiếp tục là năm mà vai trò của châu Âu bị các thực tế địa chính trị khu vực và thế giới thử thách ghê gớm, nhưng cũng đồng thời là năm mà tham vọng về một châu Âu có quân đội riêng, có sự tự chủ chiến lược về an ninh - quốc phòng lại có vẻ tiến gần hơn đến hiện thực hơn bao giờ hết.
Châu Âu tiến gần hơn đến tham vọng thành lập một quân đội chung.
"Giấc mơ" Mỹ
Tháng 06/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến châu Âu sau hơn nửa năm nhậm chức. Đón chờ người đứng đầu nước Mỹ là những Hội nghị Thượng đỉnh lớn nhất: Thượng đỉnh G7 tại Anh, Thượng đỉnh NATO và Thượng đỉnh Mỹ - EU tại Brussels. Đó là một chuyến đi thành công lớn về hình ảnh.
Trên bãi biển ở Cornwall (Anh), Thủ tướng Đức khi đó, bà Angela Merkel thừa nhận "có một sự thở phào nhẹ nhõm" trong quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống xuyên Đại Tây Dương. Thủ tướng Anh chủ nhà, ông Boris Johnson thậm chí còn cao hứng hơn khi so sánh ông Joe Biden như một "luồng không khí mát lành", sau những phát biểu tràn ngập những lời ngợi ca.
Cụm từ "Nước Mỹ trở lại" ngập tràn mặt báo, đi kèm với các ca tụng từ phía ông Joe Biden về quan hệ tốt đẹp và vai trò to lớn của châu Âu, cũng như các hứa hẹn và cam kết đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt thế giới tự do phương Tây.
Nhưng, thực tế bao giờ cũng rất phũ phàng.
Hơn 2 tháng sau các cuộc gặp mặt tưng bừng tại Cornwall và Brussels, cuộc khủng hoảng Afghanistan nổ ra, chính quyền do Mỹ và phương Tây dựng lên tại Afghanistan sụp đổ nhanh ngoài sức tưởng tượng.
Trong chưa đầy 2 tuần, toàn bộ các nguồn lực khổng lồ về tài chính và con người mà phương Tây đổ vào Afghanistan trong vòng 20 năm tan biến. Phương Tây đối diện với một thực tế rất khó chấp nhận: sau 2 thập kỷ, lực lượng Taliban lại quay trở lại và lựa chọn duy nhất của phương Tây là rút lui trong hỗn loạn.
Cảnh tượng "như ngày tận thế" ở sân bay Kabul khiến ngay cả những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại châu Âu cũng phải lên tiếng chỉ trích trong cay đắng việc Mỹ đơn phương quyết định rút quân, đơn phương hành động mà không có bất kỳ tham khảo hay lắng nghe nào trước quan ngại của các đồng minh châu Âu.
Ngay cả việc thực hiện chiến dịch di tản đường không trong bao lâu, châu Âu cũng không có tiếng nói.
Tại Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, các nghị sĩ Anh lần đầu tiên lên tiếng nghi ngờ "quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh", đồng thời đánh giá Afghanistan là "thất bại chính sách nghiêm trọng nhất từ sau sự kiện kênh đào Suez" (1956).
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người đã đưa nước Anh tham chiến cùng Mỹ tại Afghanistan và Iraq, cũng phải lên tiếng rằng sự rút lui khỏi Afghanistan không chỉ là một thất bại chiến lược của phương Tây mà có thể sẽ là một sự kiện thay đổi thời cuộc.
Lời hứa của ông Joe Biden về một nước Mỹ quay lại bị đả phá một cách nghiêm trọng. Và nhanh hơn dự kiến.
Giữa tháng 09/2021, châu Âu hứng chịu cú sốc thứ hai: sự ra đời bất ngờ của liên minh an ninh Aukus giữa Mỹ, Anh và Australia. Lần này, nạn nhân lớn nhất là Pháp, với việc bị hủy bỏ phũ phàng hợp đồng thế kỷ đóng 12 tàu ngầm cho Australia trị giá đến 56 tỷ euro.
Điều cay đắng hơn cho Pháp, mà báo chí sau này phát hiện ra, đó là những thảo luận về Aukus được các ông Joe Biden, Boris Johnson và Scott Morrison (Thủ tướng Australia) thực hiện bí mật ngay tại Thượng đỉnh G7 ở Cornwall vào tháng 06/2021, giữa khung cảnh hồ hởi về một sự trở lại của Mỹ, xen kẽ là các phiên gặp gỡ và chụp ảnh "gia đình" với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Các quan chức Pháp gọi đó là hành động "đâm sau lưng đồng minh" còn Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Pháp – IFRI, nơi được xếp là think-tank số 1 của châu Âu, ông Thierry de Montbrial thì nhận định "Nhà Trắng đã lịch sử hơn nhưng vẫn tàn bạo như cũ".
Chỉ 3 tháng sau ngày nước Mỹ tuyên bố quay lại, châu Âu đã nhận hai bài học để đời.
Nhưng, vấn đề chính không nằm ở cách chính quyền ông Joe Biden đã hành xử ra sao, vì đó là một lựa chọn dựa trên lợi ích chính của nước Mỹ, mà là việc các sự kiện Afghanistan và Aukus đã thêm một lần nữa phơi bày sự thiếu năng lực hành động một cách đáng báo động của châu Âu trong việc tự bảo vệ các lợi ích quan trọng nhất của chính mình.
Nếu các lệnh trừng phạt "ăn miếng-trả miếng" với Trung Quốc hồi tháng 03/2021 cho châu Âu ý thức được sự quay trở lại của ngoại giao sức mạnh trong nền chính trị thế giới thì các sự kiện Afghanistan và AUKUS khiến châu Âu phải vứt bỏ mọi ảo tưởng cuối cùng rằng có thể dựa duy nhất vào nước Mỹ để bảo vệ lợi ích của chính châu Âu. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell thừa nhận "châu Âu phải học cách tự sống sót".
Cuối năm 2021, khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan – Belarus và căng thẳng leo thang với Nga kéo đến như là các tiếng chuông báo động tiếp theo.
Và cái mà châu Âu cần bây giờ, như Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen tuyên bố, là một liên minh quốc phòng.
Các binh sĩ NATO trong cuộc tập trận Trident Juncture 2015. Ảnh: AFP.
Thời cơ chín muồi, nhưng…
Giữa tháng 11/2021, châu Âu công bố bản chiến lược dày 28 trang mang tên "Strategic Compass", tuyên bố thành lập lực lượng phản ứng nhanh 5.000 quân, đủ năng lực hành động vào năm 2025. Quan trọng nhất, lực lượng này tác chiến độc lập, không phụ thuộc Mỹ hay NATO.
Sau gần 3 thập kỷ thảo luận về một quân đội chung châu Âu, đây có lẽ là các bước đi cụ thể nhất mà châu Âu tiến hành để hiện thực hóa tham vọng. Khác với các kế hoạch trước đây, như ý định thành lập lực lượng 50.000 đến 60.000 quân năm 2007, hay sự tồn tại của một đội quân 1.500 người trên lý thuyết, bước đi lần này được chống lưng bởi các tham vọng chính trị mạnh mẽ và sự thúc bách khẩn cấp của tình hình.
Điều quan trọng nhất, là Mỹ cũng không còn phản đối châu Âu tự chủ. Thậm chí, chính quyền Mỹ còn khuyến khích châu Âu lập ra một lực lượng quân đội riêng thực sự. Đó, một phần là để bù đắp cho Pháp, quốc gia thúc đẩy ý tưởng này mạnh mẽ nhất, sau sự kiện Aukus, một phần khác là giới chiến lược Mỹ cũng nhận định rằng, đã đến lúc châu Âu chia sẻ trách nhiệm, tự gánh vác trọng trách an ninh của châu Âu, giảm bớt gánh nặng để Mỹ có thể tập trung toàn lực cho cuộc đối đầu địa chính trị lâu dài với Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Thời cơ đã chín muồi. Thời điểm cũng không thể tốt hơn, khi Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng đầu năm 2022. Một Thượng đỉnh Quốc phòng châu Âu chắc chắn sẽ diễn ra đầu năm 2022 tại Paris.
Vấn đề là châu Âu có đủ năng lực hiện thực hóa tham vọng hay không?
Đầu tiên, châu Âu phải vượt qua những rào cản lớn trong chính nội bộ. Dù đa số các nước EU đều chia sẻ nhận thức chung rằng đã đến lúc châu Âu nâng cao năng lực quốc phòng, xây dựng một sự tự chủ nhất định nhưng không phải nước nào cũng muốn đẩy dự án này đi quá xa.
Các nước Đông Âu như Ba Lan, Romania hay các quốc gia Baltic hoàn toàn không muốn một "quân đội châu Âu" nào đó lấn át vai trò của NATO vì lo ngại rằng điều đó sẽ càng khiến Mỹ giảm bớt cam kết với châu Âu, đồng nghĩa rằng áp lực an ninh từ Nga sẽ lại gia tăng. Điều này khác hẳn với các tính toán từ Pháp, Italy hay Tây Ban Nha, những nước mà áp lực từ Nga không phải là mối lo chính.
Ngay cả Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, cũng không dễ dàng và thoải mái gì khi ủng hộ một dự án có thể làm giảm vai trò của NATO khi đa số giới tinh hoa chính trị Đức hiện vẫn là những người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương, coi quan hệ với Mỹ là nền tảng trụ cột về an ninh.
Do đó, khi không có sự đồng thuận và quyết tâm đủ lớn của cả 27 quốc gia thành viên EU, Liên minh Quốc phòng hay quân đội chung vẫn là một điều gì đó mơ hồ.
Câu hỏi lớn thứ hai, đó là châu Âu có thể tự chủ chiến lược thực sự hay không?
Trong chuyến thăm châu Âu cuối tháng 11/2021, Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet đã đặt thẳng câu hỏi này với các quan chức ở Brussels, và nói rằng Mỹ ủng hộ hoàn toàn châu Âu tự chủ chiến lược, thậm chí sẵn sàng chia sẻ năng lực quốc phòng, nhưng châu Âu cần thể hiện rõ mình "thực sự tự chủ" đến đâu?
Liệu các lời lẽ lớn lao và đầy tham vọng của quan chức các nước có được ủng hộ và chấp nhận ở 27 Nghị viện và qua đó biến thành một sự gia tăng ngân sách quốc phòng đáng kể hay không, khi bao năm qua châu Âu vốn luôn né tránh câu chuyện đóng góp quốc phòng nhiều hơn cho NATO?
Và điều quan trọng hơn, như Derek Chollet cảnh báo, đó là có một khoảng cách lớn giữa những gì mà quân đội Mỹ có thể làm với những gì mà quân đội chung của châu Âu không thể làm, đặc biệt trong những tình huống đối đầu với những đối thủ lớn như Nga hay Trung Quốc. Đó là những hoài nghi mà tài liệu chiến lược dày 28 trang của EU chưa thể trả lời được./.