Parwana Malik, cô bé 9 tuổi với đôi mắt đen và gò má ửng hồng, đang cười đùa và chơi nhảy dây cùng chúng bạn tại một bãi đất trống. Nhưng nụ cười hồn nhiên của cô bé nhanh chóng vụt tắt khi về nhà - một túp lều tranh vách đất, nơi cô phải đối diện với số phận sắp tới của mình: Bị bán cho một người lạ, để trở thành cô dâu.
Người muốn mua Parwana cho biết ông ta chỉ "mới" 55 tuổi. Nhưng với cô bé, đó là một "ông già" có cặp lông mày và bộ râu bạc trắng. Cô sợ ông ta sẽ đánh đập mình, bắt cô phải làm việc nặng nhọc.
Parwana Malik - cô bé mặc áo hồng sẽ phải đối mặt với số phận đen tối phía trước
Còn bố mẹ cô thì chẳng còn cách nào khác. Họ không còn lựa chọn.
Suốt 4 năm qua, gia đình Parwana sống trong một khu trại tái định cư tại phía tây bắc tỉnh Badghis (Afghanistan), tồn tại nhờ vào sự cứu trợ của các tổ chức nhân quyền và nguồn thu nhập ít ỏi chỉ được vài USD mỗi ngày. Đến khi Taliban kiểm soát được thủ đô Kabul hôm 15/8, mọi chuyện trở nên bi kịch.
Các nguồn cứu trợ cạn kiệt, nền kinh tế của đất nước trên đà sụp đổ. Nhà Parwana không cách nào để kiếm được những nhu yếu phẩm cơ bản nhất. Vài tháng trước, chị cô bé đã bị đem bán, khi mới 12 tuổi.
Khu trại nơi gia đình Parwana sinh sống
Parwana nằm trong số rất nhiều bé gái Afghanistan bị bán đi để tảo hôn, trong bối cảnh cơn khủng hoảng nhân quyền của đất nước ngày một trầm trọng. Đói nghèo đã khiến nhiều gia đình phải đưa ra quyết định như vậy, nhất là khi mùa đông khắc nghiệt đang tới gần.
"Ngày qua ngày, số gia đình phải bán con lại tăng lên," - trích lời nhà hoạt động nhân quyền Mohammad Naiem Nazem. "Đói ăn, đói việc, họ cảm thấy buộc phải làm như vậy."
Không còn cách nào khác
Cha của Parwana - ông Abdul Malik - thức trắng đêm trước cái ngày con bị đem bán. Cõi lòng ông tan nát, bởi tội lỗi, bởi ô nhục, và lo lắng.
Abdul đã làm mọi cách để chuyện này không phải xảy ra. Ông tới thủ phủ Qala-e-Naw để kiếm việc mà không thành, dù phải vay rất nhiều tiền từ họ hàng. Vợ ông thì van xin những người khác trong khu trại để có thức ăn. Nhưng rồi cũng đến lúc ông cảm thấy chẳng còn cách nào khác nếu vẫn còn muốn nuôi sống gia đình mình.
"Nhà tôi có 8 người," - Abdul trả lời CNN. "Tôi phải bán con để giúp những người còn lại sống sót."
Abdul Malik bên con gái chuẩn bị đem bán của mình
Số tiền có được sau khi bán Parwana chỉ đủ để giúp gia đình này gắng trụ thêm vài tháng, trước khi Malik tìm ra một giải pháp khác.
Parwana, trước số phận nghiệt ngã, chỉ mong có thể thay đổi quyết định của cha mẹ. Cô bé có ước mơ trở thành một giáo viên và cũng không muốn phải nghỉ học. Nhưng hết cách mất rồi.
Ngày 24/10, Qorban - người mua cô bé - xuất hiện, trao số tiền và hàng hóa (gồm cừu, đất đai và tiền mặt) trị giá khoảng 2.200 USD cho cha của Parwana. Ông không nhắc gì về việc tảo hôn cả, nói rằng bản thân đã có vợ và sẽ chăm sóc Parwana như con ruột.
"Con bé rẻ, cha nó thì rất nghèo và cần tiền," - Qorban nhận xét. "Con bé sẽ làm việc trong nhà. Tôi sẽ không đánh nó đâu, và sẽ đối xử với nó như một thành viên trong gia đình. Tôi sẽ tốt với nó."
Qorban đến dẫn Parwana đi
Parwana bước ra trong bộ áo chùng màu đen, điểm xuyết bằng một vòng hoa quanh cổ. Cô bé nép mình đi, cố gắng giấu mặt trong khi người cha bảo với Qorban: "Đây là cô dâu của ông. Làm ơn chăm sóc con bé - ông phải chịu trách nhiệm với nó từ lúc này. Làm ơn đừng đánh con."
Qorban gật đầu, tóm lấy tay Parwana rồi dẫn cô bé đi. Cha cô ngước nhìn từ phía sau. Cô bé lết đi, chân thọc sâu xuống nền đất, những mong có thứ gì đó giữ được mình lại. Nhưng chẳng ích gì. Cô bị đưa đến một chiếc xe đang chờ sẵn, chầm chậm lăn bánh đi mất.
Vô phương chống đỡ
Kể từ khi Taliban xuất hiện, những câu chuyện giống như Parwana trở nên phổ biến hơn.
Tại Afghanistan, tảo hôn (hôn nhân với trẻ em dưới 15 tuổi) là bất hợp pháp, nhưng nó lại rất phổ biến trong nhiều năm qua ở các vùng nông thôn. Từ tháng 8/2021, mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn khi đói nghèo và tuyệt vọng lan rộng.
Hiện tại, hơn 1/2 dân số Afghanistan đang đối mặt với tình trạng bất an ninh lương thực, theo báo cáo của Liên hợp Quốc (LHQ) tuần qua. Hơn 3 triệu trẻ dưới 5 tuổi sẽ không được cấp đủ dinh dưỡng trong những tháng tới. Giá thực phẩm tăng lên, ngân hàng cạn tiền, trong khi công nhân thì bị nợ lương.
Gần 677.000 người đã phải thay đổi chỗ ở vì xung đột vũ trang. Nhiều người chuyển sang sống trong những túp lều, nhà tranh tạm bợ, giống như gia đình Parwana.
Đa số nam giới trong các khu trại ở Afghanistan
"Đó là một thảm họa tuyệt đối không cách nào chống đỡ," - Heather Barr, phó giám đốc bộ nữ quyền của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho biết. "Chúng ta không có thời gian để chuẩn bị cho tình huống này. Ngay từ đầu, nó đã trở nên khẩn cấp rồi."
Những bé gái Afghanistan là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Các bé phải ở nhà trong khi anh em của mình được đến trường, vì Taliban chưa cho phụ nữ và trẻ em gái được đi học hay làm việc. Taliban bảo rằng họ đang lên kế hoạch cho phép trẻ em gái cũng được đi học, nhưng không nói bao giờ mới thực hiện, và cũng chẳng ai biết liệu nó có xảy ra không.
Sự bất ổn này, cộng thêm nghèo đói gia tăng đã biến nhiều bé gái Afghanistan trở thành món hàng trên thị trường tảo hôn.
"Một bé gái đi học, nghĩa là gia đình đang đầu tư cho tương lai của cô," - Barr nhận xét. "Nhưng khi không được đi học nữa, nhiều khả năng cô bé sẽ trở thành cô dâu."
Và một khi bị đem bán, khả năng được tiếp tục học cũng gần như là con số không. Thay vào đó, tiền đồ trước mắt sẽ tăm tối hơn rất nhiều. Theo số liệu của UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp Quốc), mỗi năm có khoảng 10% bé gái Afghanistan từ 15 - 19 tuổi sinh nở, do không được tiếp cận phương pháp tránh thai và dịch vụ sức khỏe sinh sản.
Nhiều trường hợp thậm chí còn quá nhỏ để quan hệ tình dục, và phải đối mặt với các biến chứng hậu sinh nở do cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Tỉ lệ tử vong sau sinh ở độ tuổi 15 - 19 tại Afghanistan cao hơn gấp đôi so với phụ nữ từ 20 - 24, cũng theo UNFPA.
"Cháu không muốn xa bố mẹ đâu"
Magul, cô bé 10 tuổi tại tỉnh Ghor, gần như ngày nào cũng khóc sau khi hay tin mình sắp bị đem bán cho một ông già 70 tuổi, để trả nợ cho gia đình. Cha mẹ cô bé đã mượn 200.000 Afghanis (khoảng 2.200 đô) từ một người trong làng. Nhưng khi không có việc làm lẫn tiền tiết kiệm, thì chẳng có cách nào để trả lại khoản tiền này cả.
Người mua Magul đã kéo Ibrahim - cha cô bé - đến một nhà tù Taliban, đe dọa sẽ cho ông vào tù nếu không trả được nợ. Ibrahim khẩn khoản, hứa sẽ trả tiền trong vòng 1 tháng. Giờ thì thời hạn đã tới.
Cô bé Magul
"Tôi chẳng biết phải làm gì nữa. Vì nếu không bán con cho hắn, hắn cũng tự lấy thôi," - Ibrahim đau khổ nói.
Gul Afroz - mẹ của Magul - chỉ cảm thấy vô vọng. "Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho những ngày tăm tối này qua nhanh."
Giống như Qorban, người mua Magul khẳng định sẽ không đối xử tệ với cô bé, và nói rằng cô chỉ phải phụ giúp mấy việc lặt vặt như nấu nướng và lau dọn. Nhưng lời cam đoan ấy chẳng có ý nghĩa gì, nhất là với những lời đe dọa của y trước đó không lâu.
"Cháu không muốn đi với ông ta. Nếu thực sự phải đi thì thà tự sát còn hơn," - Magul khóc nức nở. "Cháu không muốn xa bố mẹ đâu."
Cô bé Zaiton bên em trai của mình. Cô bé sắp sửa bị đem bán, dù mới chỉ 4 tuổi
Một gia đình 9 người khác cũng ở Ghor đang phải chịu tình cảnh tương tự. Gia đình này cũng phải bán 2 cô con gái - đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Người cha không có việc làm - giống như nhiều người dân khác trong khu trại, nhưng tình cảnh của ông còn bi đát hơn vì là người tật nguyền.
Mỗi đứa trẻ bán đi, ông chỉ nhận về được 100.000 Afghanis (khoảng 1.100 đô). "Cháu biết tại sao chuyện này xảy ra. Vì nhà ta. nghèo và chẳng có gì đến ăn." Chẳng ai nghĩ đó là lời nói của Zaiton - cô bé mới chỉ 4 tuổi, với đôi mắt màu nâu to tròn.
Bà nội cô bé, Rokhshana, chẳng biết nói gì ngoài phiền muộn. "Nếu có đồ ăn hoặc có ai đứng ra giúp đỡ, nhà tôi chẳng đời nào làm vậy," - bà nói qua làn nước mắt. "Làm gì còn lựa chọn nào khác đâu."
Thảm họa nhân quyền
Những quan chức Taliban tại Badghis cho biết họ đã lên kế hoạch phân phát thực phẩm cho các gia đình để ngăn chặn nạn bán con. "Sau khi kế hoạch được triển khai, nếu họ còn tiếp tục bán thì sẽ bị bỏ tù ngay," - Mawlawai Jalaludin, người phát ngôn của Taliban khẳng định.
Nhưng đó là ở Badghis, trong khi vấn nạn này tồn tại ở quy mô rộng hơn như thế. Khi mùa đông đến gần, Taliban và các tổ chức nhân quyền đang phải kêu gọi thêm cứu trợ, mong muốn giảm được nạn tảo hôn.
Sau khi quân đội Mỹ rời đi, các nguồn lực từ cộng đồng quốc tế cũng bị cắt giảm. Đó là số tiền quan trọng đối với nền kinh tế và các dịch vụ của Afghanistan. Quốc tế ngần ngại bơm tiền, vì sợ rằng như vậy sẽ hợp pháp hóa quyền lãnh đạo của Taliban tại quốc gia này.
Hệ quả, nền kinh tế của Afghanistan đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Các nhà tài trợ của LHQ sau đó đã cam kết quyên tặng hơn 1 tỉ USD để cứu trợ nhân quyền trong tháng 9, trong đó chỉ cần 600 triệu là đủ để đáp ứng đa số những áp lực tại đây. Tuy nhiên mới chỉ có phân nửa được chuyển tới, trong khi nhiều bang vẫn chưa nhận được tiền.
Isabelle Moussard Carlsen, trưởng văn phòng UNOCHA (Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc) nhấn mạnh rằng các nguồn lực cứu trợ đang tới, giúp giải tỏa gánh nặng quốc gia và hỗ trợ các bệnh viện. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
"Việc các quỹ không được xuất, những người khổ sở nhất là dân nghèo và các bé gái," - Carlsen cho hay.
Cũng theo Carlsen, các nguồn hỗ trợ đến càng lâu, càng có nhiều gia đình chết vì đói khát, và càng nhiều trẻ em bị đem bán. Bản thân Taliban cũng đang trông chờ rất nhiều vào các nguồn lực này.
"Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế và các cơ quan cứu trợ hành động, trước khi mùa đông tới, hãy đến và giúp chúng tôi," - một quan chức Taliban tại Ghor cho hay.
Trở lại với khu trại tái định cư ở tỉnh Badghis. Malik chưa bao giờ nghĩ đến ý nghĩa của việc bị đem đi bán sẽ như thế nào với con mình - bé Parwana. Dù Qorban bảo rằng sẽ không tảo hôn, nhưng Malik hiểu ông chẳng cách nào kiểm soát được chuyện này cả.
"Ông già đó bảo là 'Tôi đã trả tiền. Giờ thì tôi có làm gì cũng không phải chuyện của cậu,'" - Malik nhớ lại.
Những lời đó đè nặng lên tâm trí của Malik những ngày sau đó. Gió lạnh ùa về, tuyết đã bắt đầu rơi. Đến khi số tiền bán con cạn kiệt, ông sẽ lại phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã như cũ, với 3 cô con gái và một cậu con trai cần được ăn uống mỗi ngày.
"Chúng tôi không có tương lai. Tất cả đã bị hủy hoại rồi. Tôi sẽ lại phải bán thêm con nếu không có đủ kinh tế, có lẽ là con bé 2 tuổi."