Ngày 16/10, Triều Tiên đã bắn thử một quả tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan ở một khu vực gần thành phố Kusong, phía Tây Bắc nước này, nhưng theo các quan chức Mỹ và Hàn Quốc, hoạt động bắn thử của Triều Tiên đã thất bại.
Điều đáng chú ý là chỉ vài giờ sau, tàu sân bay USS Ronald Regan đã có mặt tại thành phố cảng Busan ở phía Đông Nam Hàn Quốc.
Trước đó, chiếc tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz này đã được điều từ căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản tới Hoàng Hải để tham gia một cuộc diễn tập trên biển mang tên "Tinh thần Bất khuất" trong 6 ngày với hải quân Hàn Quốc nhằm thể hiện năng lực đánh trả sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần hai trong năm nay.
Đây là lần đầu tiên CVN 76 được xác nhận đã tiến vào Hoàng Hải. Tuy phía Mỹ không công bố cụ thể vị trí của CVN 76 trên Hoàng Hải, nhưng có thể thấy rất nhiều máy bay của Mỹ hợp thành biên đội chiến đấu lượn vòng bên trên CVN 76, trong đó có cả tiêm kích trên hạm F/A-18 Super Hornet được đánh giá là một trong những loại chiến đấu cơ đáng sợ nhất của quân đội Mỹ và máy bay cảnh báo sớm E-2C.
Sự kiện này đã gợi nhớ lại cuộc đối đầu Trung-Mỹ hồi tháng 10/1994. Khi đó, do Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân, từ chối yêu cầu của Mỹ-Nhật về việc thanh sát và đổi sang sử dụng lò phản ứng nước nhẹ, tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV 63) đã nhận lệnh rời căn cứ ở Nhật Bản tiến vào Hoàng Hài.
Tàu ngầm của Trung Quốc cấp tốc theo dõi biên đội tàu chiến đấu sân bay của Mỹ. Nhằm trả đũa, máy bay chống ngầm của Mỹ được lệnh xuất kích xua đuổi tàu ngầm Trung Quốc. Không hề kém cạnh, máy bay chiến đấu của Trung Quốc lại lao lên xua đuổi máy bay chống ngầm của Mỹ… Hai bên không ngừng ra đòn "dằn mặt" đối phương.
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung ở Hoàng Hải năm 1994 sau này đã được ghi nhận là lần tiếp xúc trên biển có tính bùng nổ nhất sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai của hải quân Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương.