Cựu lãnh đạo Google Trung Quốc, Lý Khai Phục trong một lần viết thư gửi cho các sinh viên đại học, ông đã đề cập tới 4 bí quyết, hay nói cách khác, là 4 khả năng quan trọng của một người cần biết khi bắt đầu bước vào sự nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh rằng, hiểu thấu được 4 bí quyết này càng sớm thì chúng ta càng dễ gặt hái thành quả trong sự nghiệp của mình.
Ông viết: “Nhiều người nghĩ rằng tài năng, sức hút và khả năng quản lý là những điều quan trọng nhất trong lãnh đạo. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi và một số kết luận nghiên cứu, nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo thành công, điều quan trọng nhất không phải chỉ số thông minh (IQ) mà là chỉ số cảm xúc (EQ) của bạn.”
Trí tuệ cảm xúc chủ yếu đề cập đến những khả năng cá nhân liên quan đến việc hiểu rõ tâm lý, kiểm soát cảm xúc, thúc đẩy bản thân và xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Trong các yếu tố năng lực được mô tả về EQ thì tự ý thức, sự đồng cảm, kỷ luật tự giác và các mối quan hệ là những yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định tạo nên sự thành công cho sự nghiệp.
1. Có ý thức: Đừng giả vờ hiểu khi không hiểu
Những người tự nhận thức được bản thân có thể thể hiện ưu điểm của mình trước mặt người khác, đồng thời cũng không cố tình che đậy khuyết điểm của mình. Thẳng thắn nhận ra khuyết điểm và xin lời khuyên từ người khác sẽ không làm suy giảm năng lực của bạn, ngược lại, đó còn thể hiện sự khiêm tốn, ham học hỏi và giành được sự ưu ái của người khác.
Chẳng hạn như, khi một nhà lãnh đạo nói với một nhân viên rằng “Anh là chuyên gia về công nghệ, ở lĩnh vực này, tôi không thể giỏi bằng được, hãy cố gắng bảo ban mọi người nhé.”
Nghe vậy, nhân viên đó không chỉ thấy leader là người có tâm, mà còn cảm nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao của sếp dành cho mình, sinh ra cảm giác muốn cống hiến thật tốt.
Khả năng ý thức về bản thân giúp chúng ta không tự ti khi gặp thất bại, cũng không tự mãn khi đạt được kết quả tốt vì thực chất, bạn đã định vị chính xác giá trị bản thân mình, từ đó tìm ra không gian và hướng phát triển phù hợp.
2. Đồng cảm: Khen ngợi cần có cách riêng
Đối với các nhà quản lý, quá nhiều lời khen ngợi chưa chắc đã đạt hiệu quả. Điều quan trọng nhất để có sự đồng cảm là phải quan tâm và coi trọng ý tưởng của nhân viên, cũng khiến họ cảm nhận được điều đó.
Lấy ví dụ như, không phải lúc nào sếp cũng nhận xét "rất tốt", "tốt", "xuất sắc", v.v..., nhưng email hàng tháng sẽ luôn điểm danh một nhân viên đã đạt được kết quả xuất sắc trong thời gian trước, kèm theo đó là giải thích chi tiết kết quả công việc của anh ta, liệt kê giá trị quan trọng đối với công ty và đưa ra khen thưởng chi tiết.
Cách làm này thường có thể giành được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân viên, vừa tạo động lực, vừa xây dựng lòng trung thành lâu dài.
3. Tự kỷ luật: Xây dựng lòng tin cho người khác
Đây là bí quyết quan trọng với bất cứ ai, ở bất cứ vị trí nào. Để ngày một thăng tiến trong sự nghiệp, trước khi bạn quản lý và thuyết phục người khác, bạn phải bắt đầu với chính mình.
Điều này là do hành vi, cử chỉ của lãnh đạo thường là mục tiêu và hình mẫu cho mọi người. Chúng luôn có thể để lại ấn tượng sâu sắc cho cấp dưới. Nếu xử lý không tốt có thể gây ra tác động tiêu cực.
Đặc biệt là khi tập thể đang ở trong thời điểm quan trọng và cần được dẫn dắt để cùng nhau vượt qua khó khăn, nếu lãnh đạo cư xử cáu gắt, bực dọc, thiếu kiên nhẫn hoặc thiếu kỷ luật... thì sẽ tạo ra bầu không khí hoang mang, kìm nén trong môi trường làm việc.
Mọi người đều mất dần niềm tin và nhiệt tình với công việc.
Chẳng hạn như, có 2 nhóm được sáp nhập với nhau.
Leader của nhóm 1 nói rằng, đây không phải là quyết định của anh ta và bản thân anh ta cũng không biết phải làm gì tiếp theo. Anh ta không có lòng tin vào tương lai và đoán rằng, team của mình có thể bị sa thải.
Trong khi đó, leader của nhóm 2 lại nói về lợi ích của việc sáp nhập này. Anh ta thẳng thắn cho biết, mình chưa nắm hết mọi thông tin nhưng hứa sẽ nhắc nhở cấp trên đưa ra quyết định trong thời gian sớm nhất. Hơn nữa, anh ta cũng thể hiện mình sẽ cố gắng hết sức để đưa ra sắp xếp nhân sự một cách hợp lý và công bằng nhất.
Kết quả cuối cùng là những người trong nhóm 1 ngày một rơi rụng, trong khi nhóm 2 thì tiếp quản và tổ chức kết hợp rất nhuần nhuyễn.
Chỉ trên cơ sở chiếm được lòng tin của người khác, nghiêm khắc với bản thân và đối xử khoan dung với người khác, chúng ta mới thực sự có được sự tôn trọng và khen ngợi thực lòng của người khác.
4. Mối quan hệ cá nhân: Đừng sống trong thế giới của riêng mình
Một số người có năng khiếu bẩm sinh trong giao tiếp, có thể dễ dàng kết bạn với tất cả mọi người trong một thời gian ngắn.
Nhưng có một số người lại không được như vậy. Họ hướng nội hơn trong các hoạt động xã hội, thà trốn vào một góc một mình còn hơn chủ động bắt chuyện với người lạ. Như vậy, bạn có thể sống trong thế giới riêng của mình, làm gì tùy thích, nhưng vô tình đẩy bản thân vào tình cảnh khuyết thiếu thông tin.
Ví dụ như, khi cần hợp tác với đồng nghiệp, hai người không giao lưu, không hiểu rõ ưu - khuyết điểm của nhau thì rất khó đạt được sự ăn ý.
Hoặc khi cần làm việc cùng các phòng ban khác, nếu không có mạng lưới quan hệ cá nhân thì bạn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian và công sức đi vòng vo mới tới được mục đích cuối cùng.
Một điều dễ nhận thấy đó là, kỹ năng xây dựng và xử lý các mối quan hệ cá nhân là một trong những bí quyết rất quan trọng để bạn ngày một tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Rõ ràng, chỉ số IQ là bẩm sinh, nhưng EQ có thể được trau dồi. Do đó, hãy luôn để tâm và nỗ lực rèn luyện, đặc biệt là từ những người giỏi giang, thành đạt xung quanh.