"Cuống cuồng" tìm cách đối phó: Lầu Năm Góc không giấu nổi nỗi sợ trước đòn hiểm của TQ?

Tất Đạt |

Những động thái mới đây của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ đang để lộ ra một trong những yếu điểm "chết người" trước Trung Quốc.

Vấn đề lớn của Mỹ

Lầu Năm Góc hiện đang tăng tốc trong quá trình đánh giá năng lực sản xuất đất hiếm của Mỹ để đảm bảo nguồn cung ổn định đối với loại nguyên liệu chuyên dụng này trong bối cảnh Mỹ vẫn đang chiến tranh thương mại với Trung Quốc - quốc gia kiểm soát hầu hết lượng đất hiếm xuất khẩu trên thế giới.

Đây là động thái mới nhất sau nhiều tuần Trung Quốc đe dọa sẽ hạn chế sản lượng xuất khẩu đất hiếm tới Mỹ. Nhóm nguyên liệu này bao gồm 17 hợp chất được dùng trong việc sản xuất, lắp ráp máy bay chiến đấu, xe tăng và hàng loạt thiết bị điện tử dân dụng khác.

Lầu Năm Góc yêu cầu các mỏ sản xuất mô tả kế hoạch phát triển hoạt động khai thác và sàng lọc đất hiếm, và đề nghị các nhà máy nêu rõ nhu cầu đối với đất hiếm - theo như tài liệu Reuters có được từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Các phản hồi có hạn cuối là ngày 31/7. Đây là dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc rất gấp gáp đối với vấn đề đất hiếm. Năm tài chính của chính phủ Mỹ kết thúc vào tháng 9 tới.

Không quân Mỹ, một đơn vị quan trọng của Lầu Năm Góc, đã xác nhận những thông tin nói trên. Trụ sở Lầu Năm Góc hiện chưa đưa ra bình luận.

Được biết, hai nhà thầu chính phủ - bao gồm Northrop Grumman Corp - sẽ chịu trách nhiệm theo dõi và tổng hợp lại các phản hồi.

Cuống cuồng tìm cách đối phó: Lầu Năm Góc không giấu nổi nỗi sợ trước đòn hiểm của TQ? - Ảnh 1.

Đất hiếm được sử dụng trong hầu hết các loại phương tiện và vũ khí hiện đại của Mỹ. Ảnh minh họa: US Air Force

"Chính phủ muốn biết rốt cuộc chúng tôi có thể sản xuất được bao nhiêu đất hiếm, và với tốc độ nào," Anthony Marchese, chủ tịch của Công ty Tài nguyên Khoáng sản Texas, cho biết.

Tuy nhiên, một số mỏ sản xuất đã từ chối bình luận về thời điểm phản hồi Lầu Năm Góc. Việc phát triển các mỏ đất hiếm đã trở thành vấn đề nhạy cảm giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa chấm dứt.

Tài liệu thu được không chỉ rõ các khoản cho vay, ghi nợ hay hỗ trợ tài chính đối với các dự án đất hiếm của Mỹ. Tuy nhiên, yêu cầu của Lầu Năm Góc được đưa ra dựa trên Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), một luật từ những năm 1950 cho phép Lầu Năm Góc có nhiều quyền hạn trong việc đảm bảo Mỹ có các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động quốc phòng.

Theo các nhà phân tích và cố vấn ngành công nghiệp, một số loại hỗ trợ tài chính khác sẽ được thông qua khi Lầu Năm Góc xem xét phản hồi liên quan tới đất hiếm.

Trung Quốc thống trị đất hiếm

Mặc dù Trung Quốc chỉ có 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới, nhưng nước này lại chiếm 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ. Theo dữ liệu từ Trung tâm Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc có hầu hết tất cả các cơ sở sàng lọc và sản xuất đất hiếm trên thế giới.

Hiện không rõ quân đội Mỹ sẽ sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để thúc đẩy ngành công nghiệp đất hiếm bởi luật DPA không đặt ra giới hạn về tài chính. Tài liệu của Lầu Năm Góc cho biết đầu tư chính phủ có thể rơi vào khoảng 5 triệu USD tới 20 triệu USD đối với mỗi dự án.

"Mục tiêu chung là đảm bảo ổn định nguồn cung cấp nội địa (đất hiếm) trong khoảng thời gian dài," tài liệu cho hay.

Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân cho biết cơ quan này cần những thông tin liên quan tới "khuyết điểm, rủi ro và cơ hội" của đất hiếm.

James Litinsky, đồng chủ tịch của MP Materials, công ty sở hữu mỏ Mountain Pass ở California, cho biết Mỹ cần "một nguồn cung cấp khổng lồ, ổn định cho những nguyên liệu này". Nguồn cung ấy phải là một nhà sản xuất đủ lớn để thống trị thị trường thế giới.

Tuy vậy, hiện tại MP Materials - công ty duy nhất khai thác đất hiếm của Mỹ - vẫn phải chở quặng tới Trung Quốc để tinh chế và loại hàng hóa này phải chịu 25% thuế quan bắt đầu từ tháng trước.

Một số nhà phân tích công nghiệp đã kêu gọi Lầu Năm Góc mở rộng hoạt động nghiên cứu và cam kết đối với các khoản đầu tư trực tiếp của chính phủ Mỹ.

"Chính quyền Washington không có biện pháp toàn diện đối với toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm, thậm chí tới tận bây giờ vẫn vậy, và đó là vấn đề lớn," Jack Lifton, một nhà phân tích công nghiệp, nhận định.

Trong những tuần vừa qua, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã đề xuất những kế hoạch mới để tăng cường sản xuất lithium, đất hiếm cùng những loại khoáng chất chiến lược khác. Nhưng chưa dự luật nào được thông qua tới thời điểm này.

Lầu Năm Góc cũng tổ chức các cuộc đối thoại với những nhà cung cấp đất hiếm ở Malawi và Burundi.

"Có thể thấy nhu cầu đối với chuỗi cung ứng đất hiếm đã tăng vọt ở vùng Bắc Mỹ trong thời gian gần đây," Don Lay, giám đốc điều hành của công ty khai thác khoáng sản Medallion, cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại