Về lý thuyết, Trung Quốc có thể gây hại cho ngành công nghiệp Mỹ bằng cách cấm bán neodymium và praseodymium, những nguyên tố được sử dụng để chế tạo nam châm vĩnh cửu có độ bền cao trong mọi động cơ điện, kể cả trong các tuabin tạo ra phong điện và ô tô điện.
Lệnh cấm xuất khẩu gần đây nhất là một thảm họa
Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra thì chắc chắn sẽ có một phản ứng mang tính cạnh tranh - như vào năm 2011, khi Trung Quốc dùng "chiêu" này, họ đã vô tình tạo điều kiện hoàn hảo cho các nhà sản xuất đối thủ thâm nhập thị trường này.
Chẳng hạn, Lynas Corporation, công ty khai thác đất hiếm ở Australia và xử lý chúng tại một nhà máy đang gây tranh cãi ở Malaysia, đã có thể gia nhập vào ngành công nghiệp này vì giá đất hiếm tăng vọt khi Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản do tranh chấp về quyền đánh bắt cá.
Có lẽ Bắc Kinh chưa quên được bài học đó vì khi ấy giá của một số loại đất hiếm đã tăng gấp 10 lần, lên hơn 200.000 USD/tấn, khiến các công ty Nhật Bản quay sang hỗ trợ tài chính cho Lynas ngay cả khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm và ồ ạt tung ra nguồn đất hiếm tràn ngập cả thị trường nhằm "tiêu diệt" đối thủ cạnh tranh mới.
Một lệnh cấm vận nữa có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn
Lần này, lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ có thể có tác động đáng kể hơn đối với ngành đất hiếm vì Mỹ gần như chắc chắn sẽ làm những gì Nhật Bản đã làm, nghĩa là cung cấp sự hỗ trợ tài chính để khuyến khích các nguồn cung từ những đối thủ của Trung Quốc.
Trong một báo cáo nghiên cứu được công bố vào tuần trước, Citi, một ngân hàng đầu tư, cho rằng Trung Quốc sẽ là kẻ thua cuộc dài hạn trong cuộc chiến giành quyền thống trị đất hiếm vì tiềm năng giá cao sẽ mở đường cho các đối thủ cạnh tranh bước vào ngành kinh doanh này – với sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.
"Lệnh cấm xuất khẩu hợp kim trực tiếp của Trung Quốc sang Mỹ thì còn có thể quản lý được nhưng sẽ là nghiêm trọng hơn (và khó thực thi hơn) nếu Trung Quốc cố gắng áp đặt các hạn chế trên toàn chuỗi cung ứng, vào nam châm và những sản phẩm khác", Citi phân tích.
Việc xử lý đất hiếm - điều mà có thể gây hại cho môi trường nếu không được thực hiện đúng cách - là lý do có thể cho phép Trung Quốc có được sự kiểm soát tối đa đối với ngành công nghiệp này, nhưng khi được khuyến khích thì các đối thủ cạnh tranh hoàn toàn có thể tạo dựng được năng lực xử lý đủ chuẩn trong vòng hai năm hoặc ít hơn.
Không thiếu các dự án đang chờ được phát triển
Mỹ và các quốc gia khác mà cần đất hiếm cho những ngành sản xuất của họ đã không đầu tư vào chuỗi cung ứng an toàn, nhưng điều đó có thể được khắc phục bằng cách hỗ trợ các dự án khai thác mới với một loạt dự án tiềm năng sẵn sàng đến Mỹ cũng như Australia nếu có đủ vốn.
Mỹ hiện có một mỏ đất hiếm chất lượng cao tại Mountain Pass ở California, mặc dù quặng từ nơi này đang được gửi đến Trung Quốc để xử lý, một giao dịch có thể sẽ kết thúc khi các nhà điều hành Mountain Pass bắt đầu tự xử lý, có thể là vào đầu năm tới.
Điều này cũng tiết lộ một khía cạnh quan trọng của đất hiếm là: thực tế thì chúng không hiếm, cũng không phải là đất, mà chỉ là một họ gồm 17 nguyên tố khoáng sản với những thị trường tương đối nhỏ (nhưng đang phát triển).
Quân đội Mỹ tiêu thụ chỉ 1% lượng nhập khẩu
Vì một số nguyên tố được dùng trong lĩnh vực quân sự nên có một mức độ nhạy cảm chính trị cao hơn xung quanh câu chuyện đất hiếm. Tuy vậy, ngay cả điều đó cũng đã bị thổi phồng khi Citi ước tính rằng các ứng dụng của đất hiếm cho quốc phòng chỉ chiếm khoảng 1% mức tiêu thụ đất hiếm của Mỹ.
"Trung Quốc đã cung cấp 80% lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ vào năm ngoái, điều này khó có thể thay thế hoàn toàn do sự thống trị của Trung Quốc trong chế biến đất hiếm nhưng sẽ không phải là thảm họa đối với ngành công nghiệp này nếu thời gian chờ Mountain Pass tự xử lý là không quá lâu", Citi nói .
Nguồn đất phục vụ cho quốc phòng của Mỹ có thể được lấy từ những kho dự trữ và Lynas có thể cung cấp một số. Nếu có một điều gì đó mà Mỹ cần khắc phục thì đó là việc sản xuất sản phẩm cuối cùng: nam châm - một "đặc sản" mà Trung Quốc đang chiếm đến 90% trong tổng sản lượng toàn cầu.
Thêm vốn và một ngành công nghiệp mới sẽ nở rộ
Với số tiền đầu tư và sự khuyến khích đúng đắn của chính phủ Mỹ, không vấn đề nào mà ngành công nghiệp đất hiếm hiện đang đối mặt là không thể vượt qua, cả từ góc độ cung cấp lẫn xử lý.
Bất kỳ sự thiếu hụt đất hiếm nào cũng có thể dễ dàng khắc phục trong vòng hai đến ba năm, và sau đó có khả năng là thị trường sẽ bị tràn ngập mặt hàng này – giống như những gì đã xảy ra sau lệnh cấm vận xuất khẩu gần đây nhất của Trung Quốc.
Thay vì "vũ khí hóa" ngành công nghiệp đất hiếm của mình, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc nhằm làm tổn thương nền công nghiệp Mỹ có thể là một trường hợp mà Trung Quốc tự bắn vào chân mình.