Sau gần 1 tháng chiến đấu liên tục từ trận mở đầu chiến dịch Tây Nguyên cho đến cuộc truy kích địch trên đường số 7, một số khá lớn xe tăng (XT) của Trung đoàn xe tăng 273, Mặt trận Tây Nguyên bị tổn thất, hư hỏng... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu của đơn vị.
Trong khi đó, sau cuộc "rút lui chiến lược" bất thành, Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã bỏ lại một khối lượng phương tiện chiến tranh rất lớn, trong đó có hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp các loại.
Trước tình hình đó, phòng Tăng Thiết giáp Mặt trận và Ban chỉ huy Trung đoàn XT 273 đã đề nghị lên Bộ Tư lệnh mặt trận cho thu gom số xe này bổ sung vào biên chế để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho đơn vị. Nhận thấy đây là một đề nghị hợp lý, Bộ Tư lệnh mặt trận đã đồng ý ngay lập tức.
Cuộc tuyển chọn bất thường và những thử thách ban đầu
Được sự đồng ý của cấp trên, ngày 21.3.1975 Trung đoàn XT 273 lệnh cho Đại đội XT 9 thuộc Tiểu đoàn 3 bàn giao số xe tăng T-54 còn lại cho các đơn vị khác, đồng thời thu gom và khôi phục xe chiến lợi phẩm đưa vào chiến đấu.
Tuy nhiên, chỉ huy lãnh đạo trung đoàn cũng thấu hiểu những khó khăn của cấp dưới khi phải thực hiện mệnh lệnh này. Đó là sự khó khăn khi phải tiếp cận với các loại trang bị vũ khí hoàn toàn mới.
Vì vậy, song song với việc giao nhiệm vụ cho Đại đội 9, Trung đoàn đã cử một số cán bộ tới địa điểm tập trung tù, hàng binh Việt Nam cộng hòa (VNCH) tại thị xã Cheo Reo tuyển chọn một số tù hàng binh vốn là lính xe tăng để có thể sử dụng chuyên môn của họ giúp cho nhiệm vụ thu gom, khôi phục xe được thuận lợi hơn.
Song tại vị trí tập trung tù hàng binh VNCH, trước câu hỏi: "Những ai là lính xe tăng, thiết giáp?" thì chẳng có một cánh tay nào giơ lên. Tất cả tù hàng binh chỉ cúi đầu im lặng. Không khí vô cùng nặng nề, ngột ngạt.
Các cán bộ đi tuyển chọn lúc đầu rất ngạc nhiên nhưng rồi cũng hiểu ra: "chắc họ sợ bị trả thù hoặc bị xử trí theo cách khác. Bởi vậy, phải nói rõ cho họ biết!". Và đúng như vậy! Sau khi nghe giải thích rõ ràng cụ thể mục đích, ý nghĩa việc tuyển chọn này thì hàng chục cánh tay giơ lên và những gương mặt vô cảm đều giãn cả ra.
Sau khi trực tiếp phỏng vấn và thẩm tra sơ bộ, 12 hàng binh bao gồm đủ các chuyên môn trưởng xe, lái xe, xạ thủ và thợ sửa chữa của 3 loại xe M48, M41, M113 đã được tuyển lựa. Số anh em này được đưa ngay về cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội XT 9 để đi thu gom, khôi phục xe. Tiếp đó, họ sẽ là giáo viên để huấn luyện cho bộ đội ta về khai thác sử dụng xe.
Bộ binh và xe tăng Mặt trận Tây Nguyên đột kích đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975.
Mặc dù họ hoàn toàn tự nguyện đi giúp đỡ bộ đội hòng "lập công chuộc tội" nhưng thật khó tránh khỏi những khoảng cách ban đầu. Từ xưng hô, lời ăn tiếng nói đến những sinh hoạt hàng ngày có sự khác biệt khá xa giữa hai bên nên họ khá rụt dè và xa cách.
Trong khi đó, làm thế nào để quản lý và khai thác an toàn, có hiệu quả số hàng binh này cũng là một bài toán khó đối với chỉ huy của Đại đội XT 9. Dẫu họ có tự nguyện đi chăng nữa nhưng "họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhận tri diện bất tri tâm".
Sau cái vẻ ngoài cam chịu, khắc khổ kia ai biết họ thực sự suy nghĩ như thế nào? Và rồi một số biện pháp đặc biệt để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đơn vị đã được đề ra. Trong đó, đặc biệt chú ý việc cách ly họ với các loại vũ khí, trang bị và công tác canh gác ban đêm.
Những ranh giới dần bị xóa nhòa
Biết là không có gì có thể chứng minh cho động cơ của mình hơn là hành động thực tế nên các hàng binh đã không quản ngại vất vả khó khăn lao vào làm việc như "điên". Bất chấp cái nắng cuối mùa khô cao nguyên hừng hực như muốn thiêu đốt mọi thứ, họ lăn xả vào sửa chữa, cứu kéo... không nề hà việc gì.
Nhờ sự giúp đỡ tích cực đó, sau gần một tuần Đại đội XT 9 đã thu gom được 44 xe tăng, xe thiết giáp các loại. Tuy nhiên, do nhiều xe đã bị phá hoại nên chỉ dồn góp được 22 xe đủ khả năng tham gia chiến đấu. Ngay sau đó, chính họ trở thành các giáo viên để huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội XT 9 về khai thác sử dụng xe và vũ khí trên xe.
Sát cánh bên nhau làm nhiệm vụ, những khoảng cách thu hẹp dần, sự nghi kỵ cũng bớt đi, những ranh giới dần biến mất... Trong bộ trang phục lính VNCH đã xé đi những cái túi và lấm lem dầu mỡ trông họ cũng chẳng khác gì lính xe tăng Quân giải phóng (QGP). Những bộ mặt lầm lì, vô cảm hôm nào nay đã thấy tươi tỉnh trở lại.
Về phía bộ đội ta cũng vậy. Những ánh mắt đã không còn nghi kỵ. Những định kiến cũng đã được giải phóng. Họ chủ động hòa giải với những người anh em bên kia chiến tuyến trước kia bằng tất cả sự chân thành. Thế là từ chỗ rụt dè, một điều "ông giải phóng", hai điều "ông giải phóng" nay họ đã thân mật hơn.
Họ gọi nhau bằng anh em theo quy tắc "thằng nào nhìn thấy mặt trời trước thì làm anh"- tất nhiên là trừ các cán bộ chỉ huy. Chiều chiều, sau giờ làm việc kéo nhau ra sông tắm họ kỳ cọ cho nhau như anh em thật.
Quân giải phóng trên xe tăng M48A3 chiến lợi phẩm trên đường tiến vào Sài Gòn.
Sát cánh bên nhau trong chiến đấu
Sau khóa huấn luyện chuyển loại cấp tốc, ngày 29.3.1975 Đại đội XT 9 nhận lệnh cơ động tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Tuy Hòa. Theo bộ phận trinh sát cho biết tình hình đường sá rất khó khăn. Mặt đường hẹp, nhiều chỗ trơn trượt vì để giữ bí mật phải đi theo bờ mương dẫn nước.
Trong khi đó, do mới được chuyển loại ít ngày, tay lái của bộ đội ta chưa thật vững vàng, đặc biệt khả năng sửa chữa hư hỏng còn kém nên Ban chỉ huy đại đội quyết định sẽ tiếp tục sử dụng số hàng binh VNCH đi cùng để hỗ trợ cho anh em ta.
Được biết tin ấy, số hàng binh VNCH rất phấn khởi, họ hứa sẽ quyết tâm "làm thật tốt để không phụ lòng nhân từ và sự tin tưởng của Quân giải phóng".
Với ý chí quyết tâm cao của cán bộ- chiến sĩ, lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của các hàng binh VNCH, 100 % số xe của Đại đội XT 9 đã có mặt tại vị trí tập kết chiến đấu đúng thời gian quy định.
Tại đây, số hàng binh VNCH được để lại cùng bộ phận dự bị trận đánh và tiếp tục sửa chữa những xe bị trục trặc kỹ thuật. Trận đánh đã thắng lợi giòn giã, trong đó có đóng góp không nhỏ của các xe tăng M41 của Đại đội XT 9.
Sau khi thị xã Tuy Hòa được giải phóng, số anh em hàng binh quê quán từ Phú Yên, Khánh Hòa trở ra được đơn vị cho về nhà, còn 4 anh em quê ở Trà Vinh, Long An tình nguyện tiếp tục đi theo đơn vị.
Cầm tờ giấy chứng nhận bản thân đã đóng góp công sức cùng QGP và nhận những món quà tình nghĩa anh em bộ đội ta gửi tặng, họ cảm động không nói lên lời. Họ hứa sau khi về địa phương sẽ đến trình diện chính quyền cách mạng ngay và sẽ phấn đấu trở thành người công dân tốt.
Phút chia tay giữa những người anh em hai màu áo thật là bịn rịn. Hai tuần ở bên nhau thật ngắn ngủi song chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi một người.