Tháng 8 nóng nực cuối cùng cũng qua, thành phố đón gió mát đầu thu, nhiều người tiếp tục ẩn mình trong văn phòng hành chính, vùi đầu làm việc, bị giới hạn bởi ngày và đêm, áp lực và mỏi mệt.
Song, ở bên kia thế giới, Bắc Âu, một cuộc thi dễ thương và có phần kỳ lạ đang thu hút sự chú ý của vô số người yêu thiên nhiên.
Nơi miền Bắc Phần Lan xa xôi, có một khu rừng thông tên là HaliPuu, nơi đây sẽ tổ chức “Cuộc thi ôm cây” vào cuối tháng 8 hàng năm.
Cuộc thi ôm cây.
Người chơi tập trung trong rừng, dùng tốc độ, sự sáng tạo và tình yêu để ôm lấy một thân cây to, sau đó mới tìm kiếm quán quân. Quá trình tưởng chừng vô lý và "xàm xí" này thế mà lại giúp người ta được chữa lành trong tâm hồn.
"Một buổi chiều trong rừng, dường như có một loại ma thuật làm cho bầu không khí trở nên thư thái. Ánh mắt của người tham gia đều ánh lên sự dịu dàng yêu thương. Chúng ta trở thành một phần của khu rừng, hít thở và cho đi những cái ôm", giám khảo cuộc thi năm nay, Lara cảm thán.
"Thiên nhiên, niềm vui, tách cà phê ngon và nhóm người cùng chí hướng. Nếu điều gì có thể xoa dịu nỗi lo do phần tối của thế giới gây ra, thì đây chính là câu trả lời", Lara cho biết.
Người chơi Phần Lan năm 2021.
"Cuộc thi ôm cây" dễ thương và kỳ lạ
Cái tên HaliPuu trong tiếng Phần Lan có nghĩa là ôm (Hali) và cây (Puu). Khu rừng nằm ở vùng Lapland, cực bắc của Phần Lan, chỉ cách khu nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng Levi một đoạn ngắn.
Nơi đây có cảnh quan đặc trưng của Vòng Bắc Cực với những cây thông cao chót vót và cây bạch dương xếp thành hàng, vuông góc với mặt đất, quanh năm tuyết phủ trắng xóa. Lapland có hơn 200.000 con tuần lộc, trong khi dân số nơi đây chỉ 180.000 người. Ngoài ra, khu vực này còn được mệnh danh là nơi có không khí sạch nhất thế giới.
Tỷ lệ che phủ rừng ở Phần Lan là gần 75%, và người dân ở đây đã sống gắn liền với cây cối từ thời xa xưa. Họ luôn tôn kính và biết ơn sự tồn tại thầm lặng này.
Kể từ năm 2016, tuần cuối cùng của tháng 8 được chỉ định là "Tuần lễ ôm cây" để bày tỏ tình yêu của người Phần Lan dành cho cây cối, cũng như Mẹ thiên nhiên.
Rừng HaliPuu được bao phủ bởi tuyết trắng.
Năm 2020, đại dịch xâm chiếm địa cầu. Phần Lan, nằm trong Vòng Bắc Cực, đã trở thành một "hòn đảo biệt lập". Khách du lịch không còn đến thăm thú và người dân thậm chí bắt đầu làm quen với cuộc sống không có những cái ôm.
“Không ôm được người thì ôm cây!”. Mang theo ý tưởng này, gia đình Raekallio, chủ sở hữu rừng HaliPuu đã khởi động “Cuộc thi ôm cây” vào cuối tháng 8/2020.
Người chơi Ukraine 2021.
Cuộc thi được chia thành 3 nội dung:
Đầu tiên là “Ôm tốc độ” (Speed Hugging). Người chơi sẽ ôm càng nhiều cây càng tốt trong thời gian quy định, mỗi lần ôm không dưới 5 giây.
“Ôm tốc độ”.
Tiếp theo là "Trao tặng yêu thương" (Dedication). Người chơi chọn một "cây của riêng mình" và ôm nó với đong đầy tình cảm trong 1 phút.
Người chơi Kazakhstan, vô địch giải trực tuyến 2021.
Cuối cùng là "Tự do tự tại" (Freestyle). Người tham gia sáng tạo, ôm cây theo cách riêng, thể hiện sự sáng tạo và phong cách của riêng mình.
Cuộc thi có khoảng 30 người bao gồm người chơi, nhiếp ảnh gia, giám khảo và các nhân viên khác trong vòng 1. Người chơi bao gồm cả dân địa phương và người nước ngoài đã sống ở Phần Lan lâu năm. Người chơi thực hiện đủ kiểu ôm cây kỳ dị như ôm chổng ngược, ôm nằm, thậm chí ôm khi ăn thịt nướng...
Người chơi đến từ Anh năm 2020.
Stefania, người Ý, đã giành được quán quân "Cuộc thi ôm cây" 2 năm đầu tiên. Ở phần thi tự do đầu tiên, cô chắp tay, cúi đầu hướng vào gốc cây và ôm cây. Phần thi đã gây ấn tượng sâu sắc với ban giám khảo về sự thành kính và biết ơn sâu đậm đối với thiên nhiên. Ở phần thi thứ hai, cô lập kỷ lục với “tốc độ ôm” 10 cây trong vòng 1 phút.
Stephanie.
Hiện trường cuộc thi năm 2021.
Năm nay (2022), "Cuộc thi ôm cây" lần thứ 3 vừa kết thúc, Anne Rankila đến từ Helsinki đã giành quán quân trong trang phục gấu nâu ngộ nghĩnh. Giải thưởng là một tuần nghỉ dưỡng tại khu nghỉ mát trượt tuyết Levi.
Quán quân năm 2022.
Ban tổ chức cũng phát động cuộc thi trực tuyến như những năm trước. Các thí sinh từ khắp nơi trên thế giới có thể quay video ghi lại sự sáng tạo trong phong cách ôm cây, đồng thời chia sẻ những khoảnh khắc yêu thương của mình với cây.
"Cuộc thi ôm cây" trực tuyến năm 2022.
Trong cuộc thi trực tuyến năm nay, Christine đến từ Iowa (Mỹ), đã gây chú ý với hình ảnh cô hôn một cây non.
"Ngày 10/8/2020, một cơn bão đã tàn phá quê hương của tôi với sức gió thẳng 140 dặm/giờ, khiến hơn 100 cây gần nhà tôi bị bật gốc và xóa sổ 7 triệu cây trên khắp Iowa. Sau đó, chúng tôi đã trồng lại những cây non mới. Cái cây nhỏ trong tay tôi chính là một sự khởi đầu mới", Christine nói.
Christine đến từ Iowa (Mỹ).
Christine sẽ được mời tham gia cuộc thi vào năm 2023 ở rừng HaliPuu. Đồng thời, gia đình Raekallio sẽ mời cô ở trong rừng một tuần, ngoài ra còn thưởng cho cô kỳ nghỉ sang trọng 2 đêm tại khách sạn Levi.
Gia đình bảo vệ rừng HaliPuu
Môi trường sống lạnh giá, đất rộng người thưa đã hun đúc nên tính cách lạc quan của người Phần Lan. Họ có lẽ là những người sẵn sàng tham gia các loại cuộc thi kỳ lạ, chẳng hạn như cuộc thi bế vợ rất nổi tiếng, cuộc thi ném điện thoại (Phần Lan là quê hương của Nokia)...
"Cuộc thi ôm cây" cũng là một trong số đó. Khác biệt ở chỗ, HaliPuu không chỉ là một sự kiện tuyệt vời mà còn trở thành một phong cách sống của người Phần Lan. Cũng giống như Hygge ở Đan Mạch và Logam ở Thụy Điển, "Cuộc thi ôm cây" của Phần Lan đã và đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.
Điều này đã gây xúc động mạnh mẽ bởi giám khảo của mùa thi đầu tiên, Minto Hemmerwerta, một nhà sinh vật học từng sống ở thủ đô Helsinki. Để chống chợi với bệnh trầm cảm, cô chuyển đến Lapland, tránh xa xã hội đông đúc và hòa mình vào thiên nhiên. Trong những cái ôm với cây, cô đã tìm thấy chính mình.
"Cây cối không đòi hỏi bạn bất cứ điều gì. Đối diện với chúng, bạn có thể yên tâm để được là chính mình. Khi ngồi yên lặng trong rừng và nhìn mọi thứ xung quanh, cảm hứng trong tôi sẽ tuôn trào", Minto Hemmerwerta chia sẻ.
Hòa mình với cây cối và thiên nhiên cũng là lúc con người giao tiếp với chính mình. Vì vậy, gia đình tổ chức "Cuộc thi ôm cây" HaliPuu cho rằng không nhất thiết hoạt động trong rừng, mà ở thành phố bê tông cốt thép, một cái cây trên đường cũng trở thành đối tượng yêu thương để bạn ôm lấy.
Người phụ nữ lớn tuổi Mexico ôm cây ở nhà.
"Nhu cầu tìm kiếm sự cân bằng với thiên nhiên của con người mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Mặc dù cuộc thi năm 2022 đã kết thúc, chúng tôi sẵn lòng lưu giữ những bức hình ôm cây trong bộ sưu tập trên bản đồ cây của chúng tôi", giám đốc cuộc thi Rita Raekallio viết trên trang website.
Rita hiện là người quản lý chính trong gia đình Raekallio. Cô lên kế hoạch cho cuộc thi từ đầu đến cuối, bao gồm cả việc bán, phát triển các dự án du lịch và các sản phẩm khác.
Rừng HaliPuu được đặt tên bởi cha Rita, Carl Raekallio. Khi Carl còn là một đứa trẻ, ông và gia đình đã chạy trốn khắp nơi để thoát khỏi Thế chiến thứ hai và cuối cùng đến khu rừng ở Lapland này.
Carl.
Sau chiến tranh, chính phủ Phần Lan cho họ cơ hội mua đất với giá rẻ để tái định cư cho những người bị mất nhà cửa. Gia đình Raekallio bắt đầu xây dựng lại nhà ở tại đây. Cậu bé Carl 12 tuổi đã theo ông nội và cha đi đốn cây, sau này xây xưởng cưa gỗ để người dân địa phương xây nhà, trở nên khá nổi tiếng ở Lapland.
Gia đình Raekallio tồn tại dưới bóng mát của khu rừng, cây cối giúp họ sống tốt và chiêm nghiệm. Carl hiểu rõ sự quý giá của thiên nhiên hơn bất cứ ai.
Carl trở thành người bảo vệ vùng đất và quyết định để những người khác có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng. Năm 2014, ông đặt tên cho nơi này là "Rừng cây của những cái ôm" - HaliPuu. Gia đình Raekallio tự gọi mình là gia đình HaliPuu, thành lập doanh nghiệp và bắt đầu kinh doanh xung quanh khu rừng.
Vừa trồng rừng cứu lấy thiên nhiên vừa được chữa lành
Gia đình Raekallio rất có đầu óc kinh doanh. Rita đã thành lập một trang website chính thức và mở một trạm nhận trồng cây và ôm cây trực tuyến. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể nhận trồng một cây trong rừng.
Thông qua ứng dụng "Forest in your Pocket", bạn có thể tự tham gia hoặc bắt đầu một "gia đình cây", thu thập những quả thông ảo để đổi lấy cây non thật và trồng một cây nhỏ của riêng bạn trong rừng HaliPuu.
Cây thông con chuẩn bị được trồng trong rừng HaliPuu.
Chồng của Rita, Stefan, là hướng dẫn viên thiên nhiên chuyên nghiệp và là nhân viên pha chế duy nhất trong gia đình. Anh đưa những người nhận trồng cây tìm đến cái cây của họ, sau đó cắm trại trong rừng và pha một tách cà phê latte tuyệt vời.
Stefan, chồng của Rita.
Em gái của Rita, Ryza, là một nghệ sĩ tuyệt vời. Cô và đồng nghiệp chịu trách nhiệm về tất cả các thiết kế cho Công ty HaliPuu, bao gồm cả biểu tượng vẽ tay đáng yêu.
Ryza, em gái của Rita.
Công việc hậu cần của công ty được phụ trách bởi bà ngoại của Rita, Tertu. Bà đảm bảo mọi người đều có đủ thức ăn và quần áo giữ ấm trong Vòng Bắc Cực lạnh giá.
Carl và Tertu.
Gia đình bắt đầu kinh doanh mua sắm trực tuyến. Hàng hóa bao gồm hạt cà phê có hương vị lửa trại do Stefan điều chế, những cây thông non và vé tham gia "Cuộc thi ôm cây". Thu nhập sẽ được sử dụng để duy trì rừng HaliPuu.
Ngoài ra còn có một hoạt động dành cho người muốn chữa lành tâm hồn.
Du khách sẽ đi bộ xuyên rừng đến một khu vực yên tĩnh được bao quanh bởi cây cối, nằm trên chiếc võng được gọi là Kén Bắc Cực, sau đó nằm thiền tối đa 2 giờ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
"Lắng nghe cách rừng cây mọc lên từ thế kỷ 19, cảm nhận sự hiện diện của cây cối, ngỡ ngành trước sự yên bình của thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành và sạch sẽ...".
Hoạt động "Kén Bắc Cực" đã giành được Giải thưởng Trải nghiệm Thực tế Tham quan Phần Lan 2018.