Cuộc sống "như địa ngục" của lính tàu ngầm Mỹ thời thế chiến II

Minh Hoàng |

Ai cũng đều biết cuộc sống trên các tàu Hải quân, đặc biệt là tàu ngầm chẳng hề xa hoa chút nào. Ngay cả trên những tàu hải quân hiện đại nhất TG, khung cảnh tù túng vẫn diễn ra.

Ngày nay, không gian sinh hoạt cho thủy thủ đã được cải thiện rất nhiều. Nhìn vào đó khó có thể tưởng tượng được những gì mà thủy thủ trên các con tàu ngầm tuần tra thời Thế chiến thứ II đã trải qua.

Cuộc sống "chen chúc, bốc mùi"

Tàu ngầm thời thế chiến thứ II nhỏ hơn hiện nay rất nhiều, chiều dài trung bình thường ngắn hơn 20 m. Những tàu ngầm lớp Gato và Balao của Hải quân Mỹ có lượng giãn nước chỉ bằng 1/3 so với tàu ngầm lớp Virginia hiện nay.

Trong không gian nhỏ hẹp đó, tàu ngầm thường chứa từ 60-80 người, các trang thiết bị và lương thực, nước ngọt dự trữ cho hành trình 75 ngày.

Cuộc sống như địa ngục của lính tàu ngầm Mỹ thời thế chiến II - Ảnh 1.

Một đầu bếp Mỹ trên tàu ngầm USS Cod (SS 224). Ảnh chụp tháng 6 năm 1945 ở Geogre Sacco. Nguồn: USS Cod Submarine Memorial

Mỗi thành viên trên tàu có không gian chưa đầy 1m3. Giường tầng được đặt ở các góc ngăn cách các khoang. Ngay cả khoang ngư lôi cũng đặt giường. Thường thì sẽ có 14 thủy thủ chen chúc nhau trong khoang ngư lôi, sinh hoạt, ngủ nghỉ cùng 16 quả ngư lôi ngay bên cạnh mình.

Một chiếc tàu ngầm như thế không có đủ không gian để mang theo lương thực dự trữ cho nhiệm vụ tuần tra dài ngày. Vì vậy, nhiều thùng đồ ăn được xếp bất cứ chỗ nào mà nó vừa, phòng động cơ, ngách vòi sen hay chỗ hổng dưới bàn làm việc.

Riêng với tàu ngầm Mỹ, tuy diện tích và không gian khá thiếu nhưng người ta vẫn chuẩn bị một góc "xa hoa", đó là một tủ lạnh kem cho thủy thủ đoàn.

Nghe thì tuyệt vời, nhưng thực tế cũng chẳng có thời gian và không gian để mà thưởng thức món đồ ăn ấy. Mỗi người chỉ có khoảng 10 phút một tuần để ăn kem, vì cái tủ kem nằm ngay trên hành lang dọc tàu, việc đứng lại đấy quá lâu sẽ làm cản trở công việc của những người khác.

Phục vụ giờ ăn cũng là một vấn đề. Nhà bếp chỉ có thể mang đồ ăn ra khi tàu cân bằng, không đổi hướng di chuyển. Vào ban ngày, tàu luôn phải di chuyển ở dưới nước. Trong bán kính 800 km trong vùng có sân bay đối phương, việc di chuyển trên mặt nước là tuyệt đối cấm.

Đối với các tàu ngầm Mỹ trên mặt trận Thái Bình Dương, vào thời gian đầu cuộc chiến, quân Nhật kiểm soát gần như toàn bộ bầu trời và mặt biển khiến việc cho tàu nổi lên ngay cả ban đêm cũng được xem xét rất kỹ lưỡng.

Điều này khiến các thủy thủ trên tàu ngầm phải đảo ngược thời gian sinh hoạt của mình. Những việc trước kia họ làm vào ban ngày thì nay phải đổi vào ban đêm.

Không khí trong tàu ngầm thì khỏi phải bàn. Đối với các tàu ngầm chạy diesel, chỉ cần 1 giờ sau khi lặn, không khí bên trong nhanh chóng bị hâm nóng lên. Đặc biệt là phòng máy, nơi đây nhiệt độ lên tới 100 độ C, sau đó nó bắt đầu giảm do nhiệt lan tỏa ra khắp tàu. Cộng thêm với việc chứa 80 thủy thủ ngày đêm làm việc, mùi hôi khó chịu bắt đầu bốc lên.

Hút thuốc là điều bị cấm tiệt do không khí trong tàu đã rất thiếu và kém trong sạch.

Mỗi thủy thủ được phép tắm rửa 10 ngày một lần. Trường hợp thiếu nước ngọt thì số ngày này tăng lên nhiều lần nữa. Giặt giũ đương nhiên cũng bị cấm. Chỉ khoảng sau 10-15 ngày, không khí trong tàu là một hỗn hợp gồm mùi dầu hỏa, mồ hôi, dầu ăn và cả nước thải.

Các tàu ngầm cũ hơn, như tàu ngầm lớp U thời thế chiến thứ I còn được gọi là "tàu lợn" (pigboat). Điều kiện trong các tàu này còn tồi tệ hơn nhiều. Không có quạt thông gió, mùi hôi thối còn nồng nặc gấp bội.

Điều kiện sinh hoạt tồi tệ này dẫn đến các bệnh ngoài da như nấm mốc, ghẻ lở tràn lan. Đây còn là môi trường thuận lợi cho loài gián, thứ động vật kinh tởm mà thủy thủ đoàn chẳng bao giờ diệt hết được.

Cuộc sống như địa ngục của lính tàu ngầm Mỹ thời thế chiến II - Ảnh 2.

Tàu ngầm USS Grayback, ảnh chụp năm 1941. Năm 1944, tàu bị đánh chìm bởi máy bay Nhật phía nam quần đảo Okinawa. Nguồn: National Archives

Mục tiêu bị săn đuổi

Thực ra như thế vẫn chưa hết tồi tệ. Tàu ngầm cũng là tàu quân sự. Trong chiến tranh, nó phải đối mặt với các hoạt động truy lùng của đối phương, phải hoạt động một mình trong nhiều trận công kích kẻ địch.

Mục tiêu của tàu ngầm là các phương tiện nổi. Nhưng nhiều khi chính nó lại bị những tàu nổi quần thảo, săn đuổi. Một khi bị phát hiện, hàng chục tàu nổi sẽ săn lùng một chiếc tàu ngầm đơn độc bằng háng tá những quả bom chìm.

Trong 263 tàu ngầm được Mỹ chế tạo trong Thế chiến thứ II, 41 tàu đã bị đánh chìm, bao gồm cả các hoạt động giao tranh với đối phương và tai nạn. Tỉ lệ thiệt hại là 1:6, cho thấy chiến tranh tàu ngầm là hoạt động nguy hiểm nhất của hải quân trong chiến tranh.

Loại ngư lôi mà Mỹ dùng trong chiến tranh là Mk.14. Đây là một loại ngư lôi lỗi. Con quay hổi chuyển của nó có xu hướng điều khiển ngư lôi di chuyển theo đường tròn, tức là sau khi phóng đi, nếu không trúng mục tiêu, nó có thể quay trở lại vị trí chiếc tàu đã phóng nó đi.

Năm 1944, tàu ngầm USS Tang đã bị đánh đắm bởi chính ngư lôi mà nó phóng đi ở eo biển Đài Loan.

Mặc dù nguy hiểm, hoạt động chiến tranh tàu ngầm đã đạt được kết quả rất đáng kể. Trên Mặt trận Thái Bình Dương, tàu ngầm Mỹ đã đánh chìm 1.400 tàu Nhật các loại, với tổng khối lượng là 5,5 triệu tấn.

Tàu ngầm Mỹ cũng đã cứu sống 504 phi công từ các máy bay bị bắn rơi. Trong đó đặc biệt có chiến dịch di tản những nhân vật quan trọng như Chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ ở Philippines và Chủ tịch khối thịnh vượng chung Philippines Quezon.

Ngoài ra có thể kể đến các nhiệm vụ trinh sát vào sâu trong vùng biển đối phương và dùng pháo 127 mm pháo kích các vị trí đóng quân của quân Nhật trên các đảo ở Thái Bình Dương.

Đã có 7 kíp tàu ngầm Mỹ được trao tặng Huân chương danh dự trong Thế chiến thứ II, 36 tàu khác được Tổng thống Mỹ tuyên dương.

Kinh nghiệm về hoạt động tàu ngầm trong chiến tranh thế giới thứ hai đã trở thành tiền đề áp dụng cho các hoạt động dưới mặt nước của Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và tới tận bây giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại