Bạn đã bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình liệu có ý nghĩa gì hay chưa? Thực ra thì không chỉ mình bạn đâu, mà cả nhân loại này, mỗi cá nhân sống trên đời cũng chỉ vì mục đích đi tìm ý nghĩa cuộc sống của chính mình mà thôi.
Nhưng rốt cục, bạn sẽ phải tìm đến bao giờ? Nếu đã cảm thấy cuộc sống của mình thật nhiều ý nghĩa thì chúc mừng bạn.
Còn nếu chưa thì hãy bình tĩnh đã, vì khoa học mới đây đã tìm ra độ tuổi tất cả chúng ta có khả năng nhận ra ý nghĩa của cuộc đời mình.
Và đó là 60 tuổi - giai đoạn mà con người ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩ nhất và ít có nhu cầu đi tìm kiếm chúng, theo như một nghiên cứu mới đây được đăng trên trang The Journal of Clinical Psychiatry.
Để tìm ra được mối quan hệ giữa nhận thức về ý nghĩa cuộc sống của con người với độ tuổi và tình trạng sức khỏe, Awais Aftab – tiến sĩ khoa tâm thần tại ĐH California cùng đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu của 1042 người trưởng thành từ ĐH San Diego để đưa ra kết luận.
Cụ thể, họ khảo sát các tình nguyện viên bằng những câu hỏi có liên quan đến ý nghĩa cuộc sống hiện tại, quá trình tìm kiếm chúng, đồng thời cập nhật tình trạng sức khỏe của các đối tượng thí nghiệm qua điện thoại.
Kết quả nhóm nghiên cứu nhận được rất thú vị: cả mức độ ý nghĩa cuộc sống mà họ cảm thấy và đi tìm đều chạy trên một đồ thị hình chữ U.
Trong đó, ý nghĩa cuộc sống rất thấp ở độ tuổi 20 rồi tăng dần lên và đạt đỉnh khi 60 tuổi, sau đó mới bắt đầu giảm xuống.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là kết quả từ thống kê, và mỗi người chắc chắn sẽ có những thời điểm khác nhau mà họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa nhất.
Trong email gửi cho trang Live Science, bác sĩ Aftab giải thích rằng: "Những thanh niên trẻ từ 20 – 30 tuổi thì họ luôn chủ động tìm kiếm mọi thứ từ sự nghiệp cho đến các mối quan hệ.
Trong khi đó, đa số người trưởng thành trên 40 tuổi đã có sự nghiệp và gia đình ổn định sẽ khá hài lòng rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa và có ít nhu cầu để tìm kiếm nó."
"Cho đến sau 60 tuổi, với những thay đổi từ việc nghỉ hưu, thay đổi trong các mối quan hệ cho đến sức khỏe thì một số ý nghĩa trước đó tự nhiên mất giá trị và lúc này, người ta lại có xu hướng đi tìm những nguồn giá trị khác phù hợp hơn."
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, ở bất kì độ tuổi nào thì việc cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hay không còn liên quan đến sức khỏe và chức năng nhận thức đối với những người trên 60 tuổi.
Chính vì thế mà khuynh hướng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thường thấy ở những người già có sức khỏe yếu về thể chất và cả tinh thần.
Vậy là sức khỏe làm con người thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn hay cảm thấy cuộc sống ý nghĩa giúp con người sống khỏe mạnh hơn?
Theo quan điểm của bác sĩ Aftab thì "Có lẽ hai yếu tố này đều tác động lên nhau: sức khỏe như thế nào sẽ ảnh hưởng đến cách ta nhìn nhận cuộc sống và những ý nghĩa trong cuộc sống sẽ là động lực để chúng ta sống tốt hơn."