"Bố Hùng năm nay 72, mẹ kém bố 10 tuổi nhưng đến giờ hai người ngang nhau cả về sắc vóc lẫn suy nghĩ", nam ca sĩ "Tình đơn côi" chia sẻ.
Cả nhà, ai cũng có "máu nghệ thuật"
Theo lời kể của Nguyễn Phi Hùng, nhờ có khiếu hát chèo nên sau khi đi bộ đội về, bố anh trở thành cán bộ công đoàn phụ trách phong trào nơi ông công tác. Bố mẹ anh gặp nhau và nên duyên cũng từ những đêm biểu diễn văn nghệ như thế.
Gia đình chỉ có mình Nguyễn Phi Hùng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng ai cũng có tố chất. Nam ca sĩ nói: "Ba anh em Hùng được thừa hưởng gien nghệ thuật của bố mẹ.
Dù bây giờ, người làm ngân hàng, người làm quản lý nhà hàng nhưng mỗi khi gia đình có dịp sum họp, cả nhà đều có thể ngồi xuống cùng nhau hát hò, nói chuyện về nghệ thuật một cách dễ dàng".
Đến tận bây giờ, Nguyễn Phi Hùng vẫn nhớ như in hình ảnh những đêm mất điện, cả nhà 5 người nằm chung trên một chiếc giường. Kế cái giường ấy là khung cửa sổ nhìn ra khuôn viên khu tập thể nơi gia đình anh ở.
Bên ngoài, ánh trăng chiếu vào, bố mẹ thay nhau hát những bài hát hai người yêu thích cho ba cậu con trai nghe. Tình yêu âm nhạc cứ thế len lỏi và lớn lên trong Nguyễn Phi Hùng.
Hồi nhỏ, ca sĩ "Tình đơn côi" có thói quen hát nghêu ngao trong lúc rửa bát. Không ngờ thói quen ấy lại làm "náo động" và thay đổi nếp sinh hoạt của cả khu tập thể.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng.
Không biết hồi ấy "Hùng béo" (biệt danh hồi nhỏ của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng - pv) hát hay đến cỡ nào nhưng các bạn cùng trang lứa trong khu tập thể cứ canh lúc cậu rửa bát... cũng bê mâm bát ra rửa chung để được nghe hát!
Khi nhớ lại cảnh tượng thú vị ấy, Nguyễn Phi Hùng cứ tủm tỉm cười mãi, tưởng như mọi thứ còn đang diễn ra trước mắt.
"Hồi Hùng còn công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ 2 và Đoàn Ba lê tháng 10, có vài lần đi hát karaoke với bạn, người ta cũng đòi trả tiền để Hùng hát", Nguyễn Phi Hùng cao hứng kể.
Cuộc hôn nhân hạnh phúc của bố mẹ
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng kể rằng anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc. Những năm chiến tranh, bố anh là anh bộ đội Trường Sơn chiến đấu ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh.
Sau này, ông vẫn giữ tác phong người lính, nghiêm khắc và kiên quyết trong mọi chuyện. Dù vậy, nam ca sĩ bảo bố là người sống rất tình cảm.
Nhà Nguyễn Phi Hùng có truyền thống đêm Giao thừa hàng năm, mọi thành viên trong gia đình làm gì thì làm, ở đâu cũng phải về sum họp.
Lần ấy, vì công việc quá nhiều, anh quên điện về cho gia đình. Bố anh giận dặn hàng xóm (nhà có điện thoại) "thằng Hùng có gọi về, bảo nó cả nhà từ nó rồi".
May sao, đêm Giao thừa năm ấy, Nguyễn Phi Hùng còn mua được vé máy bay. Cả nhà ngỡ ngàng còn bố ôm chặt anh và khóc. Ông bảo, "bố tưởng nói vậy, con giận mà không về".
Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, anh thấy bố khóc!
Bức ảnh hiếm hoi của Nguyễn Phi Hùng với gia đình và bè bạn.
Nguyễn Phi Hùng bảo mẹ anh là người kiên nhẫn, nhường nhịn và tinh tế trong cách ứng xử: "Công việc của bố Hùng thu nhập không nhiều, mẹ gần như là trụ cột trong nhà về kinh tế nhưng mẹ luôn tôn trọng bố. Chưa bao giờ Hùng thấy mẹ lớn tiếng với bố.
Mẹ có thể kiếm nhiều tiền nhưng trong mọi công việc và ứng xử trước bà con chòm xóm, họ hàng nội ngoại hai bên - mẹ luôn đứng sau bố".
Nam ca sĩ cho rằng, mẹ anh luôn hiểu bố cần và không cần gì. Mẹ cũng luôn biết nên và không nên làm gì để gia đình được hạnh phúc.
Nguyễn Phi Hùng tự hào kể rằng mẹ anh nấu ăn rất giỏi. Hồi học ở trường múa, cả tuần phải ăn những món không hợp khẩu vị nên anh cứ ngóng đến cuối tuần để được về ăn cơm mẹ nấu.
Có lẽ vì mẹ quá hoàn hảo nên Nguyễn Phi Hùng từng tâm sự trên một tờ báo rằng, anh sẽ chọn một người giống mẹ: "Tôi sẽ tìm một người như bố đã chọn mẹ".