Thôn Trà Tràng nằm trên núi Nhạc Lộc (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) cách thành phố trung tâm chỉ 20 phút đi tàu điện ngầm. Do đó, nhiều người trẻ chuyển về đây sinh sống, thuê lại những ngôi nhà cổ bị bỏ hoang rồi tiến hành cải tạo thành chốn riêng cho mình. Họ sống gần nhau, cùng quây quần bên hiên nhà mỗi buổi chiều ta, vừa ca hát, trò chuyện.
Từ nhà cổ bỏ hoang đến không gian kết nối với thiên nhiên
Giả Thụy Phong và Giả Diêu là hai đạo diễn phim độc lập sinh năm 1990. Họ thuê một ngôi nhà cổ trong thôn Trà Tràng từ năm 2020, vì muốn sống trong không gian thoải mái mà lại chưa có nhiều tiền. Toàn bộ diện tích hơn 500m2 có giá thuê chưa đến 20.000 NDT (70 triệu VNĐ), trong khi thời hạn thuê lên đến 15 năm.
Ban đầu, ngôi nhà trông rất tồi tàn, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Chi phí cải tạo lên tới 350.000 NDT (1,2 tỷ VNĐ) nên hai người phải đi vay mượn thêm. Để tiết kiệm tối đa chi phí, họ tự mình vận chuyển từng bao cát và xi măng lên núi để trải nhựa con đường đất duy nhất dẫn lên nhà.
Hiên nhà - nơi vốn là một tấm bê tông cũ - được lát sàn gỗ, rồi đặt một bộ bàn ghế cũ. Ngồi đây, họ có thể chạm trực tiếp vào cây rừng, cảm nhận gió thổi khắp sơn cốc. Giả Thụy Phong và Giả Diêu muốn kết nối với thiên nhiên càng nhiều càng tốt, thay vì giam mình trong nhà.
Ngôi nhà trước khi được cải tạo
Ngôi nhà sau khi được cải tạo
Đây vốn là ngôi nhà ba gian, nhưng hai người đã phá các bức tường rồi dùng cột chống, tạo không gian mở. Bên trái căn nhà là hệ thống cửa kính có thể mở ra từ mọi hướng, có chức năng thông khí và cung cấp ánh sáng tự nhiên. Không gian này là nơi tụ tập ưa thích của nhóm bạn. Mỗi ô cửa sổ đều nhìn giống một bức tranh thủy mặc.
Trong nhà có phòng riêng để uống trà, được ngăn cách chỉ bằng một tấm rèm mỏng. Họ dùng nguyên khối dầm cũ của ngôi nhà làm vật trang trí. Có bức tường chỉ được đập đi một nửa, giúp không gian trở nên linh hoạt.
Phía sau nhà là một khoảng dài và hẹp, được lát sàn gỗ. Trên tường, Giả Thụy Phong và Giả Diêu đục một lỗ to trên tường, để có thể nhìn thấy ngọn núi trước mắt. Hai người ít khi ghé thăm nơi này, trừ khi cần lấy nước từ giếng ở sân sau. Nước giếng này rất ngọt, nên mọi người thường dùng nước suối trong núi để pha trà và cà phê.
Đây cũng là ý tưởng thiết kế của Giả Thụy Phong và Giả Diêu: giảm phần "thiết kế", tăng tính ngẫu nhiên và càng tự nhiên thì càng tốt.
Trong quá trình cải tạo, cả hai dần dần xác lập phương hướng chính: núi, tự nhiên và vết thời gian. Qua ý tưởng này, Giả Thụy Phong và Giả Diêu hy vọng rằng không gian này sẽ hòa vào một thể với núi Nhạc Lộc.
Rất nhiều đồ nội thất trang trí đều có nguồn gốc từ tự nhiên. Hai người nhặt nhạnh sỏi và các khúc gỗ trên núi, phối hợp lại thành tiểu cảnh trang trí trong nhà. Đèn treo và bình hoa làm từ gỗ và trúc. Các tấm kính được phủ bằng những tấm vải đay, khi ánh nắng chiếu vào, bóng cây hắt lên tấm rèn trông rất thanh nhã.
Giả Thụy Phong rất yêu thích bầu không khí đầy "vết thời gian" của ngôi nhà này, chẳng hạn như bức tường loang lổ, bàn ghế cũ,... Trên tường có lỗ thủng nhỏ, hai người cũng không cho sửa chữa mà dùng khung ảnh che lại. Khi bạn bè ghé thăm, họ có thể để lại những mẩu giấy nhỏ ghi tâm nguyện rồi nhét vào lỗ thủng, để ngôi nhà âm thầm che chở và lưu giữ.
"Thời gian chính là người thợ điêu khắc khéo nhất, những tác phẩm của thời gian, con người có cố mấy cũng chẳng thể nào theo được", Giả Thụy Phong cho biết.
Đôi bạn cũng nhất quyết không sử dụng điều hòa nhiệt độ. Vào mùa đông, họ sử dụng lò sưởi, lấy những cành cây khô rơi rụng trên núi để làm củi đốt.
Đồ đạc trong nhà đa phần là đồ cũ, có thứ là đồ cá nhân hai người mang đến, có thứ vốn thuộc về ngôi nhà cổ. Nhiều đồ dùng là quà tặng từ bạn bè: áp phích treo tường, đồ trưng bày ở sảnh, bộ ấm trà. Những người bạn hữu đến thăm nhà, nhiều hay ít, cũng để lại dấu ấn của riêng mình.
Lựa chọn sống vô lo, vô nghĩ trên núi của người trẻ
Hồi còn sống ở thành phố, vì lương thấp, Giả Thụy Phong chỉ có thể ở trong những căn nhà nhỏ và chật chội. Đến khi phát hiện ra khu dân cư trên núi Nhạc Lộc, anh quyết định thuê nhà ở đây không chút do dự.
"Giá thuê lúc đó chỉ 200 NDT/tháng (700.000 VNĐ), vừa được sống giữa thiên nhiên, trong khi phố thị vẫn nằm trong tầm mắt, cuộc sống tự do phóng khoáng", anh giải thích.
Sau khoảng nửa năm nữa, Giả Thụy Phong gọi Giả Diêu đến sống cùng. Hai người vốn là bạn lâu năm, chơi với nhau khi mới 3-4 tuổi, học cùng nhau suốt từ cấp 1 đến cấp 3. Họ sống cùng khoảng 7-8 bạn trẻ khác trên núi, cùng giúp đỡ lẫn nhau.
Trong số đó, Đàm Bân là người có "thâm niên" nhất, vì anh chuyển đến đây từ năm 2011. Trước đó, anh làm thiết kế đồ họa ở Thượng Hải, sau thành nghệ sĩ tự do. Trong một lần đi lạc trên núi Nhạc Lộc, anh bị cuộc sống dân dã nơi đây mê hoặc, cuối cùng quyết định định cư ở thôn Trà Tràng.
Đàm Bân cảm thấy mọi thứ trên núi đều có nhịp điệu tự nhiên. Anh sống không cần máy giặt hay nước máy, mà dùng nước suối cho các hoạt động thường ngày. Để sống như vậy, Đàm Bân phải phán đoán thời tiết mỗi ngày - một kinh nghiệm sống không thể có ở thành phố.
Hồi còn ở thành phố, chàng trai 8x thường xuyên bị cuộc sống xô bồ, những mối lo lắng về cơm áo gạo tiền kéo đi, tâm trí ít khi nào được nghỉ ngơi. Thế nhưng, từ khi định cư trên núi, anh không còn chịu áp lực, thậm chí còn để ý những điều nhỏ nhặt như thời gian chín của từng loại quả trên cây như dâu tây, quất, cam,...
Cuộc sống 11 năm qua ở đây làm giảm khá nhiều tương tác xã hội của Đàm Bân. Tuy nhiên, anh không cảm thấy đơn độc hay bất tiện, vì đã có núi làm bạn.
"Càng sống càng thấy tuyệt. Chắc tôi sẽ không quay lại sống ở thành phố nữa", anh nói.
Trác Kỳ - một người làm sách độc lập - đã chuyển đến đây vào năm ngoái để sống cùng bạn trai Tuệ Quần. Họ từng làm việc ở Thâm Quyến, cuộc sống lúc nào cũng vội vã. Thế nhưng, ở vùng núi lại không như vậy, mọi người đều sống bình dị. Nhờ vậy, Trác Kỳ cảm thấy thư thái hơn nhiều.
"Đi từ thôn Trà Tràng đến khu đô thị chỉ mất có 5 NDT (20.000 VNĐ). Vì vậy, nếu cần xuống núi làm việc thì cũng rất thuận tiện. Hơn nữa, giá thuê nhà trên núi thực sự rẻ hơn rất nhiều", cô gái trẻ chia sẻ.
Từ khi lên núi sống, Trác Kỳ không cần phải lo lắng người khác nghĩ gì về mình. Cô ít khi mua quần áo, cũng chẳng phải bận tâm chuyện mặc gì. Khả năng tập trung cũng tăng lên trông thấy.
"Mấy ngày trước có mấy người bạn đến nói chuyện với tôi, tất cả đều ngạc nhiên khi phát hiện ra cả buổi chiều mình không hề động đến điện thoại. Ở trên núi sẽ có gì thu hút? Từng tia nắng, ánh trăng trên bầu trời buổi đêm, đều là những thứ mê hoặc lòng người", cô chia sẻ.
"Chúng tôi không cho rằng cuộc sống kiểu này tốt hơn cuộc sống thành thị. Không có tốt hay xấu", Trác Kỳ nói thêm. "Điều quan trọng là cuộc sống trở nên đa dạng hơn, mọi người tìm thấy nhịp sống của chính họ, thay vì bị cuốn trôi hoàn toàn bởi thế giới bên ngoài."
Theo Giả Thụy Phong, nhóm của anh "hợp nhau một cách khó hiểu". Mọi người thường tụ họp với nhau, cùng trò chuyện vui vẻ và thoải mái. Những lúc đẹp trời, họ sẽ đá cầu ở khoảng đất trống trước nhà, hoặc tổ chức cuộc thi nấu ăn không cần giải thưởng. Ngồi trong phòng trà, họ cùng nhau nấu ăn, ca hát, hoặc đơn giản là ngắm lá đung đưa ngoài cửa sổ.
Sắp tới, ngôi làng sẽ đón thêm một số sinh viên đại học sắp tốt nghiệp. Đa số họ đều làm công việc sáng tạo, thời gian linh động, không quá ham mê vật chất, yêu thích thiên nhiên.
"Có thể một số người nghĩ rằng thật viển vông khi sống như thế này, nhưng cuộc sống như vậy mới chính là thực tại", Giả Thụy Phong giải thích, "Tôi nghĩ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người được làm những gì họ thích".
(Theo QQ)