Lưu tin
VietTimes – Từ quảng trường Đỏ, Hồng quân Liên Xô đi thẳng ra mặt trận, chặn đứng bước tiến của quân đội của Đức Quốc xã.
Từ Quảng trường Đỏ, Hồng quân Liên Xô đi thẳng ra chiến trường (Ảnh: AiF)
Cách đây 80 năm, ngày 7/11/1941, cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng: Moscow không đầu hàng. Trùm phát xít Adolf Hitler lúc đó tin tưởng rằng Moscow đã suy sụp, tập trung chuẩn bị cho trận đánh quyết định. Chính Hitler đã bắt đầu chuẩn bị cho quân đội của mình duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.
Trong những ngày đầu tháng 11/1941, không quân của Đức ném bom dữ dội xuống Moscow. Đúng ngày diễn ra duyệt binh, thời tiết ở Moscow bỗng nhiên trở lạnh bất thường, bão tuyết phủ trắng khắp nơi khiến máy bay địch không thể tiếp tục không kích, ném bom được nữa.
Năm 2014, trao đổi với phóng viên báo AiF của Nga về cái lạnh đặc biệt khác thường của tháng 11/1941, con gái của nhạc trưởng Dàn quân nhạc Vasily Agapkin, đồng thời là tác giả bài hát “Tạm biệt em người con gái Slavơ”, bà Aza Agapkina (1922-2017) cho biết: “Cha tôi – Vasily Agapkin là người chỉ huy dàn quân nhạc cho cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ sáng 7/11/1941, trong suốt 92 năm qua, tôi chưa từng chứng kiến đợt giá rét nào khủng khiếp như vậy, cái lạnh dường như đã làm nhụt chí kẻ thù của người dân Liên Xô.
Tiết mục cuối cùng của chương trình là bài hát: Tạm biệt em người con gái Slavơ”, sau đó là phần diễu hành của đơn vị kỵ binh, xe tăng. Cha tôi phải đưa ra hiệu lệnh để dàn nhạc dịch chuyển về phía cửa hàng bách hóa tổng hợp quốc gia (GUM), nhưng hai môi của ông dính chặt với nhau vì băng giá, miệng không thể phát âm được, định dời bục chỉ huy của nhạc trưởng, nhưng đôi giày đã đông cứng xuống sàn, mọi người cuối cùng phải tới để hỗ trợ cha tôi.”
Bà Aza Agapkina chia sẻ tiếp: “Các van trên nhạc cụ cũng bị băng tuyết bịt kín. Cha tôi lúc đó tưởng như tim mình bắn ra khỏi lồng ngực, nhưng may thay là ban nhạc vẫn tiếp tục chơi được.”
Cuộc duyệt binh chỉ diễn ra trong 25 phút, đây là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong lịch sử. Diễu hành qua Quảng trường Đỏ có tất cả 28.000 chiến sĩ Hồng quân, 140 khẩu pháo, 160 xe tăng và 232 ô tô. Toàn bộ cuộc duyệt binh được ghi lại thành một bộ phim tài liệu. Đoàn làm phim thì đến muộn vì lịch tổ chức đã thay đổi ngay phút chót, vì vậy mà không kịp ghi lại bài diễn văn của Stalin.
Đoàn làm phim đã quyết định dàn dựng lại bối cảnh trong hội trường Georgievsky để ghi lại bài phát biểu của Stalin. Mười ngày sau, 17/11/1941 Stalin đồng ý sẽ đọc lại bài diễn văn, cả đoàn làm phim thở phào, vì rất lo rằng mình sẽ bị gọi lên Điện Kremlin bất cứ lúc nào. Ngày 27/11/1941, bộ phim tài liệu mới được hoàn thành cùng với bài phát biểu của Stalin tại hội trường Georgievsky.
Những cảnh ghi lại cuộc duyệt binh huyền thoại 7/11/1941 cùng với bài diễn văn của Stalin, sau này được Leonid Varlamov và Ilya Kopalin đưa vào bộ phim tài liệu mang tên “Sự thất bại của quân đội Đức Quốc xã ở cửa ngõ Moscow”, đây là bộ phim tài liệu đầu tiên của Liên Xô nhận được giải thưởng Oscar vào năm 1943.
Cũng đúng vào ngày 7/11/1941, đã diễn ra hai cuộc duyệt binh nữa ở hai thành phố khác của Liên Xô, đó là Voronezh và Kuibyshev nay là Samara, hai cuộc duyệt binh này ít được sử sách nhắc tới. Vào thời điểm đó, Kuibyshev được chọn là thành phố dự bị của Liên bang Xô Viết, đề phòng trường hợp Hồng quân Liên Xô không thể giữ được Moscow.
Tham dự cuộc duyệt binh ở Kuibyshev có chủ tịch đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Mikhail Kalinin cùng đại diện 20 quốc gia. Cuộc duyệt binh ở Kuibyshev kéo dài một tiếng rưỡi, sau các đơn vị quân đội là phần diễu hành của quần chúng lao động.
Tham dự duyệt binh ở Kuibyshev còn có các nhà báo phương Tây. Ngay sau lễ duyệt binh, báo chí thế giới ngập tràn bài và ảnh với chủ đề: Liên Xô không gục ngã, Liên Xô chuẩn bị phản công.
Tháng 12/1941, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tổng phản công, cuộc tổng phản công đã đập tan kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Hitler. Chiến thắng của quân đội Xô viết đã làm suy sụp tinh thần của quân đội Đức Quốc xã.
Mùa hè 1941, tướng Halder của quân đội Đức vẫn đinh ninh rằng quân đội Hitler chắc chắn sẽ giành được thắng lợi trong trận Moscow, vậy mà cuối năm 1941 đã phải cay đắng ghi vào nhật ký của mình như sau: “Ở khắp mọi nơi, người Nga chiến đấu rất quả cảm đến người cuối cùng, họ rất ít khi chấp nhận đầu hàng”.