Cuộc đua xe tăng ở Châu Á - Thái Bình Dương: Khao khát không thể kiềm chế nổi

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Những chiếc xe tăng nặng nề, không thích hợp với địa hình Châu Á - TBD là vấn đề được nhắc lại nhiều lần, nhưng các nước trong khu vực vẫn không ngừng đầu tư, vậy đâu là lý do?

Xe tăng vẫn là lực lượng "đột kích" chủ yếu trên chiến trường

Một lý do để các nước trên vẫn tiếp tục xây dựng lực lượng MBT, đó là xuất phát từ vai trò của lực lượng xe tăng trên chiến trường. Những ý kiến cho rằng xe tăng không phát huy được sức mạnh của mình trong rừng rậm nhiệt đới hay những địa hình hiểm trở của khu vực Châu Á là sai lầm.

Lịch sử đã chứng minh ngược lại; trong Thế chiến 2, xe tăng của quân đội phát xít Nhật đã tiến công xuyên qua các khu vực rừng rậm nhiệt đới của Malaysia, gây cho quân đội Anh nhiều thiệt hại nặng nề. Gần đây, qua các cuộc can thiệp quân sự do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan và Iraq, càng củng cố thêm vai trò của lực lượng xe tăng trong chiến tranh hiện đại.

Nhiều điểm nóng trong khu vực có thể bùng nổ thành cuộc chiến tranh tổng lực bất kỳ lúc nào. Những mâu thuẫn trong tranh chấp biên giới, lãnh thổ có thể trở thành những cuộc xung đột cục bộ; sự nổi dậy của các lực lượng cực đoan…

Với tính chất của các cuộc xung đột này, xe tăng vẫn là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân; do vậy không thể chủ quan đánh giá xe tăng đã "hết thời".

Vì những lý do trên, quân đội các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không ngừng đầu tư phát triển, mua sắm cũng như nâng cấp những dòng MBT của mình. Điều này gây nên một làn sóng chạy đua giữa những quốc gia trong khu vực; thực trạng và kế hoạch tương lai của họ là gì?

Cuộc đua xe tăng ở Châu Á - Thái Bình Dương: Khao khát không thể kiềm chế nổi - Ảnh 1.

Xe tăng Type-90 của Nhật Bản.

Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc hiện nay trang bị phần lớn MBT loại Type-96. Type-96 được thiết kế trên cơ sở xe tăng T-72 của Liên Xô (cũ) nhưng có nhiều cải tiến quan trọng và một động cơ mạnh hơn, công suất 1000hp. Khoảng 1.500 chiếc Type-96 đã được sản xuất và trang bị cho quân đội Trung Quốc.

Năm 1998, Trung Quốc đã phát triển và thử nghiệm loại Type-98, một phiên bản MBT dựa trên Type-96 với tháp pháo và trang bị vũ khí cải tiến. Mặc dù không được đưa vào trang bị, nhưng nó là cơ sở để phát triển Type-99.

Type-99 được đưa vào sử dụng năm 2011, nó có giáp ERA kiểu mô-đun và một hệ thống bảo vệ thụ động nhằm làm lệch hướng các tên lửa dẫn đường bằng laser. Pháo chính ZPT98 cỡ nòng 125mm điều khiển tự động, có thể bắn được tên lửa chống tăng qua nòng.

Type-99 không phải là loại vũ khí giá rẻ như Trung Quốc thường sản xuất, nên hiện nay Trung Quốc chỉ sản xuất được khoảng 200 chiếc, trang bị cho những đơn vị xung kích ở chiến khu đông và trung tâm.

Nhật Bản

Với một nền công nghiệp phát triển, Nhật Bản đã tự phát triển cho Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) nhiều loại MBT tiên tiến. Những loại sản xuất gần đây đó là MBT Type-90 do tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries phát triển; được trang bị pháo chính 120mm L44 của Rheinmetall.

Hiện tại có khoảng 340 chiếc Type-90 đang được sử dụng trong JGSDF. Tuy nhiên do Type-90 có trọng lượng đến 54 tấn, vượt qua các giới hạn về trọng lượng của quy định đường xá Nhật Bản. Do vậy năm 2012 họ đã phát triển mẫu MBT mới Type-10 có trọng lượng nhẹ và tiên tiến hơn.

Mục tiêu của chương trình phát triển Type-10 là nhằm cung cấp sự bảo vệ đáng tin cậy cũng như khả năng sống sót cao; có trọng lượng phù hợp hơn với mạng lưới đường bộ và đường sắt. Type-10 có trọng lượng cơ bản là 44 tấn, nên cho phép sử dụng nó không chỉ trên các hòn đảo lớn của Nhật Bản, mà còn được triển khai nhanh bằng các máy bay vận tải quân sự của JGSDF.

Hàn Quốc

Là một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng tương đối phát triển; Hàn Quốc đã liên kết phát triển một số dòng tăng MBT hiện đại cho riêng họ. Dòng MBT K1 được thiết kế trong năm 2007 với sự trợ giúp của General Dynamics với thiết kế chính dựa trên dòng tăng M1A1 của Mỹ.

Sự thay đổi đáng kể là thay thế động cơ tua bin nguyên thủy của M1A1 bằng động cơ diesel MTU Ka-501. K1 có một hệ thống treo đặc biệt, có thể điều chỉnh để "quỳ bắn" khi ở địa hình dốc ta luy âm hoặc trong địa hình nhấp nhô.

Cuộc đua xe tăng ở Châu Á - Thái Bình Dương: Khao khát không thể kiềm chế nổi - Ảnh 2.

Xe tăng K1 của Hàn Quốc.

Chỉ với số xe tăng K1 đang được trang bị, Hàn Quốc có thừa sức để đối phó với lực lượng tăng hùng hậu của Bắc Triều Tiên, nếu tình huống chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên không dừng lại ở đó; sau 15 năm tự phát triển, chiếc K2 đầu tiên được đưa vào biên chế tháng 6/2014.

Vũ khí chính của nó vẫn sử dụng cỡ nòng 120mm, nhưng có sơ tốc đầu nòng đến 1400 mét/ giây. Xe cũng được trang bị một hệ thống quan sát toàn cảnh kết hợp hệ thống ảnh nhiệt.

Ngoài ra nó còn được trang bị một radar sóng milimet có thể phát hiện các mối nguy hiểm như tên lửa chống tăng, đạn pháo đang bắn tới, cũng như quan sát được các hoạt động quân sự của người và xe cộ xung quanh, thậm chí cả máy bay bay thấp ở khoảng cách đến 9 km.

Các nước Đông Nam Á

Hiện nay các nước ở khu vực Đông Nam Á chưa tự sản xuất được MBT mà đều mua của nước ngoài. Tùy theo chiến thuật, mối quan hệ và kinh phí quốc phòng của từng nước nên trang bị những loại MBT có nguồn gốc khác nhau.

Tháng 5/2016, quân đội Indonesia đã đưa vào trang bị 8 trong tổng số 61 chiếc Leopard-2A4 đã qua sử dụng của quân đội CHLB Đức và được nâng cấp nên chuẩn Leopard-2 RI. Chương trình nâng cấp bao gồm lắp điều hòa nhiệt độ, máy tính đường đạn cải tiến, tháp pháo điều khiển bằng điện và lắp đặt một camera phía sau.

Quân đội Singapore cũng lựa chọn xe tăng Leopard-2A4, năm 2006 họ đã mua lại 96 chiếc Leopard-2A4 đã qua sử dụng và nâng cấp lên chuẩn Leopard-2SG với lớp giáp được bổ sung

Nước láng giềng Malaysia đã chọn trang bị MBT từ Ba Lan, năm 2010 họ đã nhận 46 chiếc PT-91M. Đây là phiên bản cải tiến từ tăng T-72; xe được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực Safran VIGY-15, kết hợp với bộ ổn định pháo mới nên khả năng chiến đấu tăng 23% so với dòng T-72.

Hiện nay họ đang có ý định trang bị thêm một trung đoàn tăng thứ hai cũng bằng loại xe tăng này. Nhưng dư luận đang nghi ngờ về những thiệt hại của dòng tăng T-72 trong các cuộc xung đột gần đây tại Iraq và Chechnya.

Bên cạnh Malaysia, Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã bắt đầu nỗ lực thay thế các xe tăng hạng nhẹ Cadillac M-41A3 với việc mua 40 chiếc MBT T-84 Oplot của Ukraine. 20 chiếc đầu tiên đã được giao, nhưng sau đó hợp đồng bị trì hoãn do cuộc nội chiến ở Ukraine.

Cuộc đua xe tăng ở Châu Á - Thái Bình Dương: Khao khát không thể kiềm chế nổi - Ảnh 3.

Xe tăng T-84 Oplot của Lục quân Thái Lan.

Sự chậm trễ và một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến hợp đồng cung cấp T-84 Oplot đã khiến quân đội Thái Lan vào tháng 12/2015 đã xem xét lựa chọn Trung Quốc cung cấp tiếp số xe tăng này (hợp đồng được lựa chọn do nhu cầu đạn pháo phổ biến cho khẩu 125mm của T-84).

Tháng 5/2016, quân đội tuyên bố đã chính thức ký một hợp đồng với trị giá 150 triệu USD với Tập đoàn Công nghiệp NORINCO Trung Quốc để mua 28 chiếc MBT-3000 (phiên bản xuất khẩu của Type-99) và đạn dược kèm theo. Hợp đồng đã hoàn thành vào cuối năm 2016 vừa qua.

Không giống như các nước trên, quân đội Philippines hiện tại không có tăng chủ lực. Trong cuộc chiến với các phần tử Hồi giáo cực đoan tại thành phố Marawi, các lực lượng vũ trang phải dùng những xe thiết giáp chở quân M-113 và xe trinh sát bộ binh V-150 để yểm trợ hỏa lực cho bộ binh chiến đấu.

Điều này đã gây nên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ với chính phủ cầm quyền.

Trong quá khứ, quân đội Philippines cũng từng có ý định mua MBT K1 của Hàn Quốc hoặc Type-74 của Nhật Bản, nhưng do ngân sách quốc phòng hạn hẹp nên không cho phép họ thực hiện điều đó.

Khi có chiến sự xảy ra, quân đội Philippines không dứt điểm được lực lượng phiến quân vì không đủ hỏa lực và sự che chắn trong chiến đấu, gây nhiều thương vong cho quân đội và cảnh sát vũ trang.

Tương lai tiếp theo

Mối quan tâm của các nước Châu Á-Thái Bình Dương là về an ninh và các mối đe dọa lợi ích quốc gia. Nổi bật nhất là việc Trung Quốc tiến hành cải cách, hiện đại hóa quân đội cũng như những tham vọng về lãnh thổ của họ, gây lo ngại cho các nước trong khu vực.

Thị trường vũ khí quốc tế hiện nay có nhiều loại MBT tiên tiến với giá cả hợp lý, đã tạo điều kiện cho các nước phát triển nhanh lực lượng MBT của mình; kể cả với những nước có ngân sách quốc phòng eo hẹp. Những nước có trong trang bị những xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ cũ trước xu thế như vậy, cũng phải tiến hành hiện đại hóa để duy trì khả năng chiến đấu.

Hiện nay, các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục trang bị những MBT hiện đại nhất với hệ thống vũ khí mới, khả năng cơ động và bảo vệ cao với những lớp giáp cải tiến cũng như nâng cấp để có thể chiến đấu độc lập trong chiến trường đô thị.

Đối với những nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, những nỗ lực của họ chỉ đơn giản là một sự tiếp nối của các nỗ lực để duy trì sức mạnh quân đội của họ.

Với các kế hoạch mà quân đội các nước trong khu vực đang tiến hành không ngoài mục đích nhằm xác định vai trò lớn hơn của xe tăng chiến đấu chủ lực trong quân đội trong những thập kỷ tới; điều này tiếp tục gây nên cuộc chạy đua về mua sắm cũng như phát triển các mẫu xe tăng chủ lực mới ở khu vực này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại