Ảnh minh họa: PRNewswire
Việc quân đội Mỹ ngày càng quan tâm tới tên lửa siêu thanh – do những lo ngại cho rằng Mỹ đang bị tụt lại sau Nga và Trung Quốc – đã mở ra các hợp đồng béo bở có thể kéo dài hàng thập kỷ cho các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ.
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện đang phát triển một loạt vũ khí tốc độ siêu cao cho Lục quân, Hải quân và Không quân với mục đích có thể phóng từ máy bay, tàu ngầm và xe tải.
Lockheed Martin đang ở vị trí dẫn đầu trong các chương trình quan trọng nhằm cung cấp các nguyên mẫu trong thời gian sớm nhất. Các cuộc thử nghiệm bay của tên lửa siêu thanh do Lockheed Martin nghiên cứu dự kiến thực hiện vào nửa đầu năm 2022.
Raytheon và Northrop Grumman cũng đang tìm cách giành được chỗ đứng trên thị trường với các loại tên lửa có tốc độ gấp 5 lần âm thanh (Mach 5).
“Các cuộc thử nghiệm là nhằm đảm bảo rằng chúng tôi ngày càng có nhiều năng lực hơn trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Điều đó sẽ nâng cao khả năng răn đe chiến lược mà chúng tôi có thể cung cấp”, Jay Pitman, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực tên lửa của Lockheed Martincho biết.
Một số chuyên gia đặt câu hỏi về giá cả, tính khả thi kỹ thuật và khả năng sử dụng trên chiến trường của loại khí tài quân sự mới. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng vũ khí siêu thanh có hiệu suất tốt hơn các loại tên lửa đạn đạo hiện có, nhưng cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.
Ở một góc độ nào đó, việc “chạy theo” vũ khí của các đối thủ chiến lược gợi lại căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, khi đó nhiều người lo ngại rằng một cuộc xung đột giữa Mỹ và Liên Xô có thể dẫn đến sự hủy diệt toàn cầu thông qua tên lửa hạt nhân. Đó cũng là một kỷ nguyên ‘béo bở” cho các nhà thầu quốc phòng.
Cần bao nhiêu vũ khí siêu thanh để có thể thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Một số nhà quan sát nhận thấy nguy cơ về tốc độ và đường bay không thể dự đoán của loại vũ khí này có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, từ đó làm leo thang xung đột.
Một số khác nhận định, vũ khí siêu thanh không làm thay đổi trạng thái đối đầu giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, bởi các nước đã có đủ tên lửa hạt nhân để áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.
Tên lửa siêu thanh tốt hơn đạn đạo?
Tốc độ 6.100km/h (Mach5) không phải là điều mới – các tên lửa đạn đạo cũng đã vượt mức này khi chúng trở lại khí quyển Trái Đất từ không gian.
Tuy nhiên, các vũ khí thế hệ tiếp theo được thiết kế có khả năng cơ động cao hơn ở tốc độ tương tự ngay bên trong khí quyển Trái Đất, giúp chúng tránh được các hệ thống phòng thủ truyền thống tốt hơn tên lửa đạn đạo vốn di chuyển theo hình cánh cung có thể dự đoán được.
Dù Mỹ nghiên cứu vũ khí siêu thanh từ hàng chục năm qua, nhưng ngân sách mới chỉ gia tăng trong những năm gần đây khi mối quan tâm đối với công nghệ này tăng trở lại.
Chủ đề này trở thành tâm điểm khi Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, trả lời phỏng vấn Bloomberg TV hồi tháng 10 rằng, các cuộc thử nghiệm siêu thanh gần đây của Trung Quốc đang gần đạt tới “khoảnh khắc Sputnik” đối với Mỹ.
Các quan chức quân sự Mỹ xác nhận, Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm một loại vũ khí siêu thanh có thể bay vòng quanh Trái Đất và sau đó đánh trúng một mục tiêu ở Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố về khả năng siêu thanh của Nga sau khi ra mắt các hệ thống vũ khí như vậy vào năm 2018. Tuy nhiên, Mỹ thường bày tỏ lo ngại về vũ khí siêu thanh của Trung Quốc nhiều hơn so với vũ khí Nga.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác lĩnh vực vũ khí siêu thanh có thể đem lại những hợp đồng “kếch xù” đến mức nào cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Ông Wesley Kremer, Chủ tịch Raytheon Missiles & Defense cho biết: “Chúng tôi vẫn đang chờ Bộ Quốc phòng xác định những loại vũ khí nào phù hợp với danh mục đầu tư của họ”.
Cuộc đua của các tập đoàn quốc phòng Mỹ
Lockheed Martin là nhà thầu quốc phòng hàng đầu cho dự án tên lửa siêu thanh cho Lục quân và Hải quân Mỹ, hiện cũng đang có kế hoạch thử nghiệm bay để cải thiện tốc độ.
Phó Chủ tịch Lockheed Martin, ông Eric Scherff cho biết, công ty có kế hoạch thực hiện cuộc thử nghiệm bay đầu tiên vào nửa đầu năm 2022 và các tên lửa siêu thanh đầu tiên của hãng này dự kiến được chuyển giao cho Lục quân vào cuối năm tài khóa 2023.
Bethesda, có trụ sở tại Maryland, hiện đang nghiên cứu 6 chương trình siêu thanh cho Mỹ có thể được đưa vào sản xuất từ năm 2023 đến năm 2026, Giám đốc điều hành Jim Taiclet cho biết hồi tháng 10.
Đến năm 2026, doanh thu hàng năm liên quan tới vũ khí siêu thanh có thể lên tới 3 tỷ USD từ mức 1,5 tỷ USD hiện nay, nếu các chương trình chủ chốt được đưa vào sản xuất, ông John Mollard, lãnh đạo văn phòng tài chính của Bethesda cho biết.
Northrop Grumman cung cấp động cơ tên lửa trong khi công ty con Dynetics của Leidos đang chế tạo thân thiết bị bay siêu thanh. Dynetics có một hợp đồng trị giá 342 triệu USD để sản xuất 14 thiết bị lượn, và xa hơn có thể là một thỏa thuận trị giá khoảng 1 tỷ USD sản xuất 124 thiết bị loại này.
Bước khởi đầu cho thế hệ vũ khí tương lai
Tháng 9/2021, Raytheon và Northrop Grumman đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí phóng từ trên không, một phần trong hợp đồng trị giá 200 triệu USD. Cuộc thử nghiệm “đã đi một chặng đường dài hướng tới việc chứng minh chúng ta đã có thể phát triển công nghệ xa tới đâu và nhanh như thế nào”, ông Kremer cho biết.
Vũ khí siêu thanh phóng từ máy bay sử dụng tên lửa đẩy để tăng tốc vượt qua rào cản âm thanh trước khi động cơ phản lực siêu thanh kích hoạt để đẩy vũ khí lên tốc độ Mach 5. Theo ông Kremer, loại tên lửa này có thể được mua với số lượng lớn hơn hệ thống thiết bị đẩy-lượn.
Nỗ lực phát triển nhanh chóng của Lầu Năm Góc cũng gặp một số vấn đề. Vũ khí siêu thanh phóng từ trên không mà Lockheed đang phát triển cho Không quân đã thất bại trong 3 cuộc thử nghiệm kể từ tháng 4, gần đây nhất là ngày 15/12.
Dù vậy, công nghệ vũ khí siêu thanh có thể chỉ là sự khởi đầu cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển bí mật tiếp theo.
“Công nghệ siêu thanh là sự phát triển tự nhiên trên con đường đến nơi cuối cùng chúng ta sẽ đến, đó là chế tạo vũ khí tốc độ ánh sáng” ông Kremer nói.