Theo tạp chí Diplomat, kể từ năm 1991, 5 trong 7 quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã sở hữu ít nhất là 1 chiếc tàu ngầm tấn công. Ngoài ra, cả 5 quốc gia này đều đã ra thông báo tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông thông qua lực lượng tàu ngầm.
Cụ thể, hơn một tháng trước, Australia ra thông báo đã hoàn thành thương vụ mua các tàu hộ vệ chống ngầm trị giá 25 tỷ USD từ tập đoàn BAE Systems của Anh. Hoạt động thu mua vũ khí của Australia đã chứng minh phần nào sức nóng vũ trang trên Biển Đông không hề thuyên giảm.
Để đối phó với nguy cơ xảy ra các vụ va chạm tàu ngầm ở Biển Đông, một số quốc gia như Australia còn tính tới phương án không chỉ mua thêm tàu ngầm mà cả các loại vũ khí chống ngầm.
Biển Đông hiện là một trong những tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại toàn cầu hàng năm lên tới 5 ngàn tỷ USD khi có tới hàng tỷ tấn dầu thô được vận chuyển qua đây.
Còn theo giới chuyên gia, Biển Đông giữ vị trí chiến lược trong hoạt động của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc nhằm giúp quân đội nước này dễ dàng tiếp tận toàn khu vực Thái Bình Dương.
Những cuộc xung đột tranh chấp chủ quyền quy mô nhỏ trên Biển Đông đã xuất hiện từ những năm 1970. Tới năm 2010, xung đột trên Biển Đông nổi lên thành đề tài được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, sau khi Trung Quốc liên tiếp cho xây dựng các đảo nhân tạo trái phép với tốc độ nhanh chóng.
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc bao gồm căn cứ tàu ngầm Du Lâm ở phía nam đảo Hải Nam. Việc duy trì sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm trên Biển Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Trung Quốc mà cụ thể là âm mưu bá chủ vùng biển chiến lược.
Thông thường, các tàu ngầm được Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin tình báo, triển khai sức mạnh tấn công cũng như ngăn chặn đòn đáp trả nhanh chóng của đối phương. Do đó, nếu không may xảy ra xung đột trên Biển Đông, sức mạnh từ lực lượng tàu ngầm của mỗi nước sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định phần thắng thua.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Tyler Headley tại Đại học New York, việc dự đoán số lượng tàu ngầm hoạt động trên Biển Đông là vô cùng khó khăn do không có thông tin và số liệu cụ thể.
Nga hiện là nhà cung cấp tàu ngầm chính cho Trung Quốc và Việt Nam. Trong năm 2014, Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Trước đó, vào năm 2002, Trung Quốc đã đặt mua của Nga 8 tàu ngầm điện –diesel lớp Kilo.
Còn mới đây, Philippines đã khiến giới truyền thông bất ngờ khi ra tuyên bố có ý định mua các tàu ngầm của Nga. Điều đáng nói, ngoài lực lượng tàu ngầm mua từ Nga, Trung Quốc còn sở hữu các tàu ngầm hạt nhân nội địa lớp Jin.
Theo Diplomat, kể từ Thế chiến thứ Hai, Trung Quốc đã sở hữu số lượng tàu ngầm lớn nhất với 35 chiếc. Song đây vẫn là con số chưa tính tới lực lượng tàu ngầm do Trung Quốc tự sản xuất.
Dù qua thời gian, một số tàu ngầm của Trung Quốc đã được cho về nghỉ hưu, song khả năng hạm đội tàu ngầm Trung Quốc hiện có 48 chiếc chạy diesel đang hoạt động cùng 10 – 13 chiếc tàu ngầm hạt nhân.
Ngay cả Indonesia cũng sở hữu một lực lượng tàu ngầm hùng mạnh khi đang duy trì hoạt động của 5 tàu ngầm. Indonesia cũng đã ra thông báo sẽ tăng cường số lượng tàu ngầm lên 8 chiếc vào năm 2024.
Ngoài lực lượng tàu ngầm của các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Mỹ, Nhật, Australia, Anh và Pháp cũng đã ra tuyên bố tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược.
Hoạt động này là nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của ngày càng nhiều quốc gia ở Biển Đông cũng đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc va chạm ngày càng lớn.
Điển hình như năm 2009, một tàu ngầm Trung Quốc đã đâm vào hệ thống sonar đặt sau một tàu khu trục USS John Mc Cain của Mỹ ở vịnh Subic, ngoài khơi Philippines.