Cuộc đào tẩu ly kỳ của một tù binh Đức Quốc xã

Vũ Cao |

Thế chiến II kết thúc, khoảng 450.000 tù binh Đức Quốc xã bị giam giữ trong 700 trại tập trung trên khắp nước Mỹ. Sau đó, tất cả được cho về Đức, ngoại trừ một người là Georg Georg. Georg đã trốn ở lại nước Mỹ trong suốt 40 năm dưới một cái tên giả. Sự việc chỉ vỡ lở khi ông tự khai về cuộc đời mình…

Bị bắt

Sinh năm 1920 tại thành phố Schweidnitz, vùng Lower Silesia, Ba Lan. Mới 14 tuổi, Georg Georg đã đoạt giải vô địch toàn khu vực về môn trượt tuyết. Mơ ước của ông là sẽ trở thành kiến trúc sư nhưng năm 15 tuổi, bệnh bạch hầu đã khiến Georg phải bỏ học.

Tháng 9-1939, Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, mở đầu cho Thế chiến II, Georg bị bắt lính. Sau 6 tháng huấn luyện, ông tình nguyện gia nhập Quân đoàn Africa dưới quyền chỉ huy của Thống chế Erwn Rommel, người được mệnh danh là “cáo già sa mạc”.

Georg viết trong hồi ký rằng: “Lý do tôi chọn Quân đoàn Africa là để không bị đưa đến mặt trận phía Đông. Ở đó thời tiết rất khắc nghiệt, người Nga chiến đấu rất dũng mãnh. Nhiều bạn bè tôi chẳng có cơ hội trở về”.

Cuộc đào tẩu ly kỳ của một tù binh Đức Quốc xã - Ảnh 1.

Georg sau khi công khai danh tính của mình.

Đầu năm 1943, tại Libya, Quân đoàn Africa bị Tập đoàn quân số 8 Anh Quốc dưới sự chỉ huy của Thống chế Montgomery đánh cho tơi tả. Có ngày, lính Đức phải rút lui hơn 80km.

Georg viết: “Những cơn mưa lớn khiến xe tăng Panzer và xe tải kéo pháo ngập trong bùn. Tinh thần chiến đấu của chúng tôi xuống thấp. Trận đánh cuối cùng của tôi xảy ra vào ngày 10-5-1943. Khẩu đội pháo 88mm mới bắn được 3 viên đạn thì vỡ trận”.

Ngày 13-5-1943, 220.000 sĩ quan, binh lính Đức và Italy tham chiến tại mặt trận Bắc Phi, trong đó có Georg đầu hàng quân Đồng Minh. Đến tháng 7, ông cùng nhiều tù binh lên tàu về trại giam ở sa mạc Deming, bang New Mexico, Mỹ.

Georg viết: “Trái ngược với suy nghĩ của tôi, chúng tôi được đối xử tốt cả về vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí nhiều tù binh còn ghi tên theo học các chương trình đại học đào tạo từ xa. Lính Mỹ dạy chúng tôi tiếng Anh còn chúng tôi dạy lại họ tiếng Đức…”.

Tuy nhiên, khi sự thật về những hành động dã man, tàn bạo của phát xít Đức ở các trại tập trung, diệt chủng người Do Thái bị phơi bày, nhiều lính Mỹ thay đổi thái độ. Họ trở nên hà khắc, thù địch với tù binh.

Thế chiến II kết thúc, cuối tháng 9-1945 có tin đồn lan ra khắp trại là tất cả tù binh người Đức sẽ được trả về Đức theo nguyên quán.

Lúc này vùng Lower Silesia, quê hương của Georg nằm dưới quyền kiểm soát của người Nga theo tinh thần Hiệp ước Posdam, được ký kết bởi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Harry S. Truman. Lo sợ bị trả thù, Georg quyết định trốn trại.

Bỏ trốn

Khi quyết định trốn, việc đầu tiên của Georg là quan sát đường xe lửa nằm bên ngoài hàng rào trại, nơi cứ 3 tiếng lại có một chuyến tàu đi qua. Trước Georg, đã có 12 lính Đức cũng bỏ trốn nhưng tất cả đều bị bắt nên vì thế, ông chẳng hề hé môi về kế hoạch của mình với bất cứ bạn tù nào.

Với vốn tiếng Anh khá hoàn chỉnh, Georg hy vọng rằng mình sẽ không bị phát hiện khi trà trộn vào xã hội Mỹ.

Cuộc đào tẩu ly kỳ của một tù binh Đức Quốc xã - Ảnh 3.

Georg (thứ 4 từ trái sang) cùng khẩu đội pháo 88mm bị bắt tại mặt trận Libya.

7 giờ tối 21-9-1945, trại tổ chức cho tù binh xem phim ngoài trời. Lợi dụng lúc tù binh cùng lính gác đang say sưa theo dõi, Georg đứng lên, xin phép vào nhà vệ sinh rồi từ đó, ông bò qua 4 lớp hàng rào thép gai.

Tiếp theo, đợi đến lúc ánh đèn pha quét khỏi chỗ ông nằm, ông đứng dậy, chạy một mạch vào sa mạc. Theo tính toán của Georg, khoảng 1 tiếng nữa sẽ có 1 chuyến tàu chở hàng từ phía nam xuống phía tây, còn buổi chiếu phim thì 9 giờ mới chấm dứt.

Trong hồi ký, ông viết: “Tôi nằm ép mình xuống đất, đợi tàu ở một khúc quanh. Khi nó xuất hiện và khi nó vừa giảm tốc độ, tôi chạy theo, nhảy lên một toa mà cánh cửa để mở vì đó là toa trống”.

Suốt 3 ngày trên tàu chở hàng từ New Mexico đến San Pedro, bang California, Georg hầu như nhịn đói. Cứ mỗi lần tàu dừng lại ở một ga nào đó để bốc dỡ hàng, ông xuống, vào nhà vệ sinh tìm nước uống.

Và bởi vì tiếng Anh của ông khá trôi chảy nên những người tiếp xúc với ông chẳng ai nghi ngờ gì. Thậm chí một phụ nữ lúc nghe nói là ông đang đi tìm việc làm, bà đã cho ông 2 USD. Số tiền ấy đã mua được 1 túi bánh sandwich 10 miếng, 2 hộp pho mai cùng 1 bình nước.

Ở trại giam, khi phát hiện Georg biến mất, các sĩ quan an ninh tiến hành thẩm vấn tù nhân sống chung buồng hoặc có mối giao tiếp thân tình với ông nhưng tất cả đều không hay biết gì.

Vài ngày sau, áp phích truy nã và ảnh của Georg được dán tại các nơi công cộng trên toàn nước Mỹ. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, điều đáng sợ nhất là với tâm lý của kẻ bại trận, Georg sẽ làm một cái gì đó để trả thù.

Cuộc sống mới

Chiều 24-9-1945, Georg xuống ga San Pedro, bang California. Đây là nơi tập trung nhiều sắc dân nhất nước Mỹ. Với cái tên giả là Peter Petersen, nhập cư từ Na Uy, Georg dễ dàng xin được việc làm trong một xưởng gỗ.

Sau vài tháng, ông chuyển qua phụ việc cho một quán cà phê rồi làm hướng dẫn viên trượt tuyết theo mùa tại một khu du lịch. Cuối cùng, Georg sống ổn định khi trở thành nhân viên bán hàng cho một công ty có trụ sở tại thành phố Oakland.

Cũng tại đây, ông liều mạng xin giấy phép lái xe và thẻ an sinh xã hội với tên Dennis Whiles. Thật ngạc nhiên, ông được cấp cả hai và đó cũng là cái tên đi theo Georg đến cuối cuộc đời.

Tháng 1-1952, đoàn tàu chở khách City of San Francisco bị mắc kẹt trong trận bão tuyết ở Sierra Nevada.

Là một trong những người đầu tiên tiếp cận đoàn tàu, giúp đỡ hành khách, bức ảnh chân dung Georg được chụp bởi tạp chí Life xuất hiện trên nhiều trang báo suốt nhiều ngày liền trong lúc áp phích truy nã ông cũng được dán ở nhiều nơi. Thế nhưng có lẽ do may mắn, chẳng ai nhận ra người anh hùng cứu hộ lại là người đang bị săn lùng.

Cuộc đào tẩu ly kỳ của một tù binh Đức Quốc xã - Ảnh 5.

Lệnh truy nã Georg khi ông bỏ trốn.

Cuộc sống của Georg êm ả trôi đi cho đến năm 1964, trong một lễ hội khiêu vũ, ông gặp Jean Whiles, nhân viên xã hội làm việc trong các trại lao động di cư ở thung lũng San Joaquin, bang California, đã ly dị chồng và có 2 con.

Georg viết: “Tôi mời cô ấy nhảy. Chúng tôi trò chuyện với nhau, cho nhau địa chỉ, số điện thoại rồi tiếp theo là những lần hò hẹn. 6 tháng sau, chúng tôi kết hôn. Khi ấy, tôi chỉ nói với Jean rằng tôi đến từ thành phố New York, cha mẹ tôi đã chết trong một tai nạn khi tôi còn nhỏ. Tôi lớn lên trong một trường mồ côi ở bang Connecticut”.

Cưới xong, hai vợ chồng mua một căn nhà ở Palo Alto, bang California. Điều kỳ lạ là tất cả mọi tài sản Georg đều để vợ đứng tên, kể cả chiếc xe hơi ông vẫn lái đi làm hàng ngày. Chính những điều này đã khiến bà Jean nghi ngờ.

Năm 1972, cả 2 con riêng của bà Jean đã lớn, chúng vào ký túc xá để tiện việc học hành. Vợ chồng Georg chuyển đến một ngôi nhà nằm cạnh bờ biển miền Trung California, nơi Georg mở một câu lạc bộ quần vợt.

Được 2 năm, họ đi Hawaii. Tại đây, Georg làm nghề xây dựng còn Jean làm cho chương trình tái định cư người tị nạn Mỹ Latin. Cuối năm 1978, Georg trở thành tổng giám đốc công ty xây dựng.

Bước ra ánh sáng

Đầu năm 1980, khi Georg 60 tuổi, Jean bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu. Đây cũng là lần đầu tiên bà hỏi về quá khứ của chồng mình nhưng Georg lảng sang chuyện khác.

Khi bà đề nghị Georg xin cho bà một bản sao giấy khai sinh, Georg nói: “Cứ từ từ đã”. Khi bà hỏi thông tin cụ thể về cha mẹ ông, Georg trả lời ông không còn nhớ.

Rất nghi ngờ, bà Jean lặng lẽ viết thư gửi bộ phận tư pháp New York, đề nghị cung cấp thông tin về nhân thân của Dennis Whiles (tức Georg, chồng bà). Câu trả lời mà bà nhận được là không có hồ sơ nào với cái tên Dennis Whiles ở đó.

Hỏi thăm trường nuôi dạy trẻ mồ côi bang Connecticut, bà Jean choáng váng khi biết bang Connecticut chẳng hề có trường nào dưới dạng này.

Sáng 19-3-1984, bà Jean thu dọn quần áo, gọi taxi. Trước lúc ra khỏi nhà, bà nói với Georg rằng bà sẽ li dị ông vì sau 40 năm chung sống, bà vẫn không biết ông là ai. Câu cuối cùng bà hỏi ông: “Anh là tội phạm, đúng không?”.

Georg lúc ấy ngồi trên kệ bếp. Vừa khóc, ông vừa kể lại tất cả mọi chuyện. Sau này bà Jean mới tiết lộ: “Để khẳng định chồng tôi không dối trá, tôi đi New Mexico xác minh về vụ trốn trại của ông ấy. Tất cả đều đúng sự thật”.

Với sự giúp đỡ của một luật sư, tháng 6-1984, bà Jean đưa Georg ra trình diện FBI và Cơ quan Di trú Mỹ. Sau khi xem xét trường hợp độc nhất vô nhị của Georg, FBI và Cơ quan Di trú chính thức xác nhận Georg không phải là người nhập cư bất hợp pháp vì năm 1945, ông bị đưa đến Mỹ trái với ý muốn của ông.

Suốt 40 năm kể từ khi trốn trại, Georg cũng không phạm tội lần nào đồng thời ông còn có công cứu hộ hành khách trên tàu City of San Francisco. Vì thế, FBI và Cơ quan Di trú cấp cho Georg quy chế thường trú mà không truy tố cũng như không trục xuất.

Đầu năm 1985, Georg chính thức xuất hiện trong chương trình truyền hình The Today Show của Đài CBS. Tại đó, ông trả lời tất cả những câu hỏi về cuộc đời mình.

Đến cuối năm, ông cho ra đời cuốn hồi ký “Người lính cuối cùng của Hitler trên đất Mỹ” do nhà báo Krammer của tờ New York Time chấp bút. Rất nhanh chóng, nó trở thành “best seller” - sách bán chạy nhất. Cũng trong năm này, Georg cùng vợ trở về Lower Silesia, quê hương ông. Thành viên duy nhất trong gia đình ông còn sống là Lotte, em gái ông.

Năm 1989, Georg quay lại Lower Silesia một lần nữa nhưng lần này ông đi một mình. Suốt 2 năm sau đó, bà Jean không hề nghe được tin tức gì về ông nên bà làm đơn ly dị bởi theo bà: “Từ khi chồng tôi kể sự thật về cuộc đời mình, ông ấy như người đa nhân cách…”.

Mãi đến năm 1993, Georg mới trở lại nước Mỹ, ông mua một căn nhà, sống đơn độc ở Boulder, Longmont, bang California.

Tuy vậy, ông và bà Jean vẫn coi nhau như bạn. Mỗi khi Georg đau ốm phải vào bệnh viện, bà Jean luôn có mặt bên ông. Theo bà Jean, những năm cuối đời, ông Georg luôn gặp khó khăn khi phải dung hòa 2 con người trong ông: Georg và Dennis Whiles.

Năm 2009, Georg được chấp thuận nhập quốc tịch Mỹ. Năm 2013, ông mất vì tuổi già. Tro cốt của ông chôn ở nghĩa trang Foothills Garden of Memory, trên tấm bia chỉ có hàng chữ: “Gartner Georg aka Dennis F. Whiles. 18-12-1920 – 30-1-2013. Schweidnitz Silesia, Germany".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại