Cuộc chiến tàu dầu ở vùng Vịnh: Mỹ còn không bảo vệ được an ninh hàng hải, thì ai sẽ làm được điều đó?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai - Thiết kế: Đỗ Linh |

Tình hình ở vùng Vịnh ngày càng xấu đi rõ rệt trong vài tháng qua, đặc biệt là khi căng thẳng Mỹ-Iran leo thang và cuộc chiến tàu chở dầu nổ ra tại khu vực chiến lược này.

Ngày 18/7/2019, Hãng thông tấn Tasnim của Iran đưa tin, các Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ một tàu chở dầu nước ngoài ở vùng Vịnh mang theo một triệu lít nhiên liệu nhập lậu. Con tàu này bị bắt giữ ngày 14/7/2019 ở phía Nam đảo Larak gần eo biển Hormuz. Các nguồn tin phương Tây nói rằng đến nay vẫn chưa rõ ai là chủ của con tàu này.

Trong khi đó, phía Iran cho biết đây là tàu của Iraq bị bắt giữ trong vùng lãnh hải Iran và trên tàu có 12 thủy thủ người Ấn Độ. Con tàu này chở một triệu lít nhiên liệu nhập lậu từ các tàu nhỏ của Iran để chuyển sang các tàu của nước ngoài.

Do giá xăng ở Iran được chính phủ bao cấp chỉ trong khoảng 8 cent/lít, trong khi giá xăng ở các nước đắt hơn gấp mười lần, nên một số cá nhân người Iran đã câu kết bán lại cho các tàu nước ngoài đậu ở ngoài khơi với giá cao để trục lợi.

Cuộc chiến tàu dầu ở vùng Vịnh: Mỹ còn không bảo vệ được an ninh hàng hải, thì ai sẽ làm được điều đó? - Ảnh 1.

Việc bắt giữ con tàu này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh đang làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Một số nước, đứng đầu là Mỹ và Ả Rập Saudi đã tố cáo Iran gây cản trở cho giao thông hàng hải ở vùng Vịnh và eo biển Hormuz, đồng thời đang tập hợp lực lượng để đối phó lại "mối đe dọa Iran."

Ông Brian Hook, Đặc phái viên của Mỹ về Iran nhấn mạnh mối đe dọa hàng hải đang gia tăng ở vùng Vịnh. Từ tháng 5 đến nay có ít nhất bảy tàu chở dầu đã bị tấn công ở vùng Vịnh.

Sự cố mới đây nhất xảy ra vào ngày 11/7/2019, khi Anh cáo buộc Iran âm mưu bắt giữ một tàu của Anh. Trước đó, chính quyền Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iran tại eo biển Gibraltar bị nghi là chở hai triệu thùng dầu thô đến Syria, vi phạm lệnh cấm vận của châu Âu đối với chính quyền Damascus.

Cuộc chiến tàu dầu ở vùng Vịnh: Mỹ còn không bảo vệ được an ninh hàng hải, thì ai sẽ làm được điều đó? - Ảnh 2.

Tàu hải giám của Mỹ ở vùng Vịnh.

Tình hình ở Vịnh Ba Tư và các khu vực lân cận đã xấu đi rõ rệt trong vài tháng qua.

Tháng 5/2019, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, đồng thời đưa một lực lượng quân sự lớn đến vùng Vịnh, đe dọa tấn công Iran gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln, tàu đổ bộ tấn công USS Keargarge đến bờ biển UAE, một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Qatar và nhiều máy bay tàng hình F-35A và máy bay chiến đấu hạng nặng F-15C.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng điều tàu đổ bộ tấn công USS Arlington và triển khai một số tổ hợp tên lửa Patriot tại Ả Rập Saudi.

Tháng 5/2019, 4 tàu chở dầu mang các quốc tịch khác nhau đã bị tấn công ở cảng Fujairah thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tháng 6/2019, hai tàu chở dầu Front Altair và Kokuka Courageous đã bị tấn công ở vịnh Oman.

Mỹ đã tố cáo Iran đứng sau các vụ tấn công này. Tuy nhiên, đến nay kết quả các cuộc điều tra không khẳng định được ai là thủ phạm. Iran phủ nhận mọi liên quan đến các vụ tấn công này.

Ngày 20/6/2019, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ vi phạm không phận Iran.

Sau đó, vào giữa tháng 7, Mỹ đã tố cáo Iran âm mưu bắt giữ một tàu của Anh ở eo biển Hormuz để trả đũa việc Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace-1 của Iran ở eo biển Gibraltar. Tehran bác bỏ những cáo buộc này.

Ngày 18/7/2019, Tổng thống D. Trump tuyên bố tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ đã tiêu diệt một máy bay không người lái của Iran khi chiếc máy bay này đến gần tàu 1000 yard (khoảng hơn 900 mét). Phía Iran cho biết không có thông tin nào về chiếc máy bay bị bắn hạ này.

Cuộc chiến tàu dầu ở vùng Vịnh: Mỹ còn không bảo vệ được an ninh hàng hải, thì ai sẽ làm được điều đó? - Ảnh 4.

Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) tuyên bố từ Riyadh về khả năng phối hợp hành động với các nước nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở vùng Vịnh.

Theo hướng này, Washington đã đề nghị thành lập một Liên minh quốc tế với sự tham gia của các nước có tàu bè qua lại khu vực này. Trong khi đó, Bahrain sẽ đăng cai một "Hội nghị an ninh hàng hải toàn cầu" nhằm thảo luận các biện pháp ngăn chặn mối đe dọa của Iran đối với an ninh hàng hải ở vùng Vịnh và eo biển Hormuz.

Hiện nay Mỹ có hàng chục căn cứ quân sự ở các nước vùng Vịnh gồm Qatar, Ả Rập Saudi, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iraq... với hàng chục ngàn quân, hàng trăm máy bay chiến đấu hiện đại, các hệ thống tên lửa Patriot được triền khai dày đặc.

Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) đóng tại căn cứ Udaid của Qatar kiểm soát một khu vực rộng lớn bao gồm 21 quốc gia Trung Đông, trong đó có eo biển Hormuz, eo biển Mandeb và kênh đào Suez.

Cuộc chiến tàu dầu ở vùng Vịnh: Mỹ còn không bảo vệ được an ninh hàng hải, thì ai sẽ làm được điều đó? - Ảnh 5.

Thực tế cho thấy với sức mạnh quân sự to lớn như vậy, Mỹ đã không bảo vệ được an toàn cho tàu bè qua lại ở vùng Vịnh, thì một liên minh quốc tế theo đề nghị của Mỹ cũng không thể làm được gì. Đấy là chưa nói tới, ai sẽ lãnh đạo liên minh này và đóng góp tài chính sẽ được phân bổ như thế nào? Một liên minh như vậy chẳng qua chỉ là một tập hợp lực lượng mới để gây sức ép đối với Iran.

Chỉ có các nước khu vực mới giải quyết được các vấn đề của mình. Chỉ có sự hợp tác giữa các nước khu vực, đặc biệt giữa các nước ven bờ vùng Vịnh, trong đó có Iran là nước có bờ biển dài hơn 1500 dặm mới có thể đảm bảo được an toàn cho các tàu bè ra vào khu vực này.

Cuộc chiến tàu dầu ở vùng Vịnh: Mỹ còn không bảo vệ được an ninh hàng hải, thì ai sẽ làm được điều đó? - Ảnh 6.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif: Iran sẽ không đóng cửa eo biển Hormuz

Nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng, nhà phương đông học của Nga Yuri Zinin thuộc Viện quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) nói:

"Việc đổ lỗi cho Iran bắt giữ các tàu chở dầu vừa qua rất có thể là một hành động gây hấn, bởi vì đối với Iran, không có lý do gì để gây bất ổn hoặc gây khó khăn cho tàu bè qua lại ở khu vực vùng Vịnh, vì đây có thể trở thành cái cớ để Mỹ tấn công. Iran hoàn toàn không có lợi ích gì trong việc "ăn miếng trả miếng" vô cớ bắt giữ tàu của các nước, gây căng thẳng trong khu vực ngay bên trong lãnh hải của mình."

Cuộc chiến tàu dầu ở vùng Vịnh: Mỹ còn không bảo vệ được an ninh hàng hải, thì ai sẽ làm được điều đó? - Ảnh 7.

Trái với thái độ căng thẳng của Mỹ, châu Âu phản ứng rất thận trọng trong vấn đề này, vì họ đang tích cực cùng Iran tìm các biện pháp để giữ thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Ngay cả Anh là một trong nhưng đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng cho rằng không nên vội vàng kết luận mà cần phải chờ thêm thông tin.

Đến nay, chưa có nước nào tỏ ra hào hứng đối với đề nghị của Mỹ về việc thành lập một Liên minh quốc tế để đảm bảo an toàn hàng hải ở vùng Vịnh.

Trong khi đó ngày 18/7/2019, trả lời phỏng vấn của hãng Bloomberg, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói: "Iran hoàn toàn có khả năng đóng cửa eo biển Hormuz, nhưng chắc chắn chúng tôi không muốn làm điều này, bởi vì eo Hormuz và Vịnh Ba Tư là con đường sống của chúng tôi."

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại