Ngôi làng này đã thuộc về tay quân đội Iraq chỉ chưa đầy 48 tiếng sau khi chiến dịch quân sự nhằm giành lại phía tây Mosul, pháo đài lớn nhất còn lại của IS tại Iraq.
Tình hình chiến sự ở Mosul vẫn còn rất căng thẳng
Tướng Abdal Amir Yar Allah cho biết, cảnh sát liên bang và lực lượng phản ứng nhanh Iraq đã “giành hoàn toàn kiểm soát” ngôi làng mang tên Albu Saif. Nó nằm trên khu vực đồi cao và có giá trị chiến lược quan trọng để giành lại sân bay ở Mosul.
“Chúng tôi từ lâu được các nguồn tin trong nội thành Mosul cung cấp thông tin rằng IS đã phá hoại đường băng tại đây để ngăn nó rơi vào tay đối phương”, phóng viên Ben Wedeman của CNN cho biết.
“Còn ở phía tây của sân bay là căn cứ quân đội Ghazlani, nơi đang bị phiến quân IS chiếm giữ và cũng là một trong những mục tiêu tấn công trong chiến dịch quân sự lần này”, ông Wedeman nói thêm.
Những nỗ lực nhằm giành lại phía tây Mosul diễn ra vài tuần sau khi nửa phía đông của thành phố đã được giải phóng từ vài tuần trước. Ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch, Lực lượng Cảnh sát Liên bang Iraq khẳng định họ đã tiêu diệt 79 phần tử IS, phá hoại các kho chứa vũ khí và giải phóng 10 ngôi làng.
Cuộc tấn công vào Mosul được cho là sẽ bắt đầu từ phía nam và phía tây thành phố. Quân đội Iraq không thể vượt qua sông Tigris chia cắt thành phố bởi toàn bộ 5 cây cầu trên sông nối hai phía Mosul đã bị IS phá hủy vào tháng trước. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi mô tả chiến dịch quân sự này là “bình minh” của công cuộc giải phóng Mosul.
Mosul đã rơi vào tay IS vào năm 2014. Mãi đến tháng 10/2016, quân đội Iraq mới có thể mở một chiến dịch công kích nhằm giành lại thành phố lớn thứ hai Iraq này. Cuộc tấn công có sự tham gia của quân đội, các lực lượng chống khủng bố, cảnh sát liên bang và lực lượng vũ trang Peshmerga ở phía Bắc Iraq.
Các tướng cấp cao Iraq nhận định, cuộc chiến ở phía tây Mosul sẽ là cực kỳ khốc liệt nhằm chống lại IS. Trong suốt 2 năm qua, tổ chức khủng bố đã bố phòng chặt chẽ khu vực phía tây thành phố để đẩy lùi các đợt tấn công.
Thành phố có một mạng lưới ngõ nhỏ mà các xe quân sự không thể tiến vào. Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng việc sử dụng vũ khí hạng nặng trên các con phố hẹp ở Mosul, nơi vẫn còn 650.000 dân thường còn mắc kẹt, sẽ gây ra hậu quả rất lớn về người.
“Khu vực phố cổ ở Mosul có mật độ dân số rất cao, và rất nhiều người lo ngại rằng người dân sẽ bị các phần tử khủng bố dùng làm lá chắn sống”, ông Belkis Wille - một chuyên gia thuộc tổ chức Human Rights Watch cho biết.