Taliban
Các tay súng của Taliban tại Kabul (Afghanistan) ngày 18/8. Ảnh: AP
Taliban hình thành từ năm 1994 với thành viên chủ yếu là các tay súng từng đối đầu với quân đội Liên Xô tại Afghanistan trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Taliban đã kiểm soát Kabul vào tháng 9/1996 và từ đó lãnh đạo Afghanistan.
Nhưng vụ khủng bố ngày 11/9/2001 do mạng lưới al Qaeda lên âm mưu từ các căn cứ ở Afghanistan đã thay đổi tất cả. Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush kêu gọi Taliban giao nộp các thủ lĩnh của al Qaeda đang ẩn náu ở nước này, trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden. Taliban nói không với yêu cầu này và Tổng thống George W. Bush liền hành động với Chiến dịch Tự do Bền vững, nhắm vào Taliban và al-Qaida bằng các cuộc tấn công quân sự.
Liên minh phương Bắc do Mỹ hậu thuẫn tiến vào Kabul vào ngày 13/11/2001. Taliban phải rút về phía Nam và chế độ của họ bị lật đổ. Trong 2 thập niên sau đó, Taliban dần xây dựng lại lực lượng và đến tháng 2 vừa qua ghi nhận có tổng cộng 100.000 thành viên.
Theo CNN, nhân vật đang dẫn dắt Taliban là Haibatullah Akhundzada, một giáo sĩ trong độ tuổi 50 và giữ chức vụ từ năm 2016. Phó tướng của ông Akhundzada là Abdul Ghani Baradar-người hiện đứng đầu ủy ban chính trị của Taliban. Ông Baradar đã quay trở lại Afghanistan vào ngày 17/8, sau 20 năm xa xứ. Một hội đồng gồm 20 thành viên cấp cao nhất sẽ đảm nhận vai trò lựa chọn các lãnh đạo của Taliban.
Các chuyên gia đánh giá Taliban không phải là mối đe dọa khủng bố với Mỹ. Lực lượng này đã ký một thỏa thuận hòa bình với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với cam kết một số cải tổ để đổi lại 5.000 thành viên bị cầm tù của Taliban được thả tự do. Taliban cũng cam kết không ủng hộ những nhóm như al Qaeda.
Al Qaeda
Khói đen xuất hiện sau giao tranh giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan ở Kabul ngày 12/8. Ảnh: AP
Trong quãng thời gian 5 năm lãnh đạo Afghanistan từ 1996-2001, Taliban đã hình thành mối quan hệ với al-Qaeda của Osama bin Laden. Tờ Independent (Anh) cho biết có thông tin rằng Osama bin Laden từng chi trả 20 triệu USD mỗi năm để đổi lại sự bảo hộ của Taliban. Nhưng kể từ năm 2001, các tay súng của cả al-Qaeda và Taliban đều tan tác.
Ông Douglas London, cựu lãnh đạo bộ phận chống khủng bố ở Nam Á và Tây Nam Á của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ năm 2016-2018, cho biết trong 5.000 trường hợp được Taliban thả tại căn cứ không quân Bagram gần đây có nhiều thành viên al Qaeda. Theo ông London, những trường hợp này có khả năng tái tập hợp những gì còn sót lại của al Qaeda ở Afghanistan.
Trong tháng 6, Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc có đưa ra báo cáo đánh giá các lãnh đạo cấp cao của al Qaeda vẫn hiện diện tại Afghanistan cùng hàng trăm tay súng. Báo cáo nhận định rằng Taliban vẫn khá thân thiết với al-Qaeda dựa trên lịch sử cùng chia sẻ khó khăn và đồng cảm về hệ tư tưởng.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 20/8 thừa nhận rằng al-Qaeda vẫn duy trì hiện diện ở Afghanistan. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan vào ngày 23/8 phát biểu với phóng viên rằng cộng đồng tình báo nhận định al-Qaeda hiện không có khả năng tấn công Mỹ.
ISIS-K
Người dân Afghanistan bị thương sau 2 vụ đánh bom gần sân bay Kabul ngày 26/8. Ảnh: AP
Sự kiện gây chú ý nhất hiện nay là hai vụ đánh bom liều chết và nổ súng vào đám đông đang đổ về sân bay Kabul ngày 26/8 khiến 170 người Afghanistan, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ, thiệt mạng. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận tiến hành vụ tấn công này.
Trước đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Biden từng cảnh báo về nguy hiểm từ ISIS-K, nhóm khủng bố tự xưng là đối thủ của Taliban. Một điều đáng chú ý là ISIS-K coi Taliban không đủ sùng đạo và hai nhóm này thường xuyên xung đột.
Chữ cái K trong cụm ISIS-K là từ viết tắt của Khorasan - nhánh của IS ở Pakistan và Afghanistan. Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ đã cảnh giác về sự lớn mạnh của ISIS-K cũng như sự liều lĩnh của tổ chức này trong tấn công nhằm vào các mục tiêu phương Tây. Một quan chức tình báo Mỹ từng chia sẻ với CNN rằng lực lượng của ISIS-K còn bao gồm cả các cựu phiến quân thánh chiến tại Syria cùng nhiều kẻ khủng bố nước ngoài.
ISIS-K đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào Kabul từ năm 2016. Chúng còn tấn công một nhà tù ở Jalalabad để thả hàng chục kẻ ủng hộ vốn từng bị cảnh sát và quân đội Afghanistan bắt giữ.
Khói bốc lên sau vụ nổ gần sân bay Kabul ngày 26/8. Ảnh: AP
Trong một báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 8 có đề cập: “ISIS-Khorasan đã lợi dụng bất ổn chính trị và bạo lực gia tăng trong thời gian qua bằng cách tấn công các mục tiêu và cơ sở hạ tầng của cộng đồng tôn giáo thiểu số nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và nhấn mạnh đến năng lực chính phủ Afghanistan không thể cung cấp an ninh đầy đủ”.
Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết ngày 8/5 vừa qua, ISIS-K đã tấn công một trường học dành cho nữ sinh ở Kabul khiến 68 người thiệt mạng. Trường học này có phần lớn học sinh là người Hazara thuộc cộng đồng thiểu số đạo Hồi theo dòng Shiite, nên trở thành mục tiêu của ISIS-K theo dòng Sunni.
Trong tháng 5/2020, ISIS-K đã tấn công một cơ sở chuyên về sản khoa với phần đông là người Hazara khiến 24 người thiệt mạng. Tướng Joseph Votel, cựu lãnh đạo Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ từng tuyên bố rằng khủng bố ISIS-K "không thể hòa giải”.
Ông London phân tích: “ISIS-K là vấn đề dai dẳng và gây khó chịu bởi bất chấp áp lực mà chúng ta và Taliban đã đặt lên, chúng vẫn duy trì hoạt động như chúng ta đã thấy trong vài năm qua tại Kabul”.
Theo ông, ISIS-K thể hiện là kẻ cạnh tranh nguồn tài nguyên, sức mạnh với Taliban mặc dù có quy mô khá nhỏ.
Liên minh phương Bắc
Các thành viên mới của NRF được huấn luyện tại thung lũng Panjshir. Ảnh: AFP
Hiện tại đang xuất hiện một lực lượng kháng cự Taliban ở miền Bắc Afghanistan được coi là “hậu duệ” Liên minh phương Bắc do Mỹ chống lưng cách đây 20 năm. Lực lượng có tên gọi Mặt trận Quốc gia Kháng chiến (NRF) do Ahmad Massoud lãnh đạo. Cha của Massoud là ông Ahmad Shah Massoud- cựu lãnh đạo Liên minh phương Bắc bị Taliban ám sát ngay trước vụ khủng bố 11/9.
NRF có 9.000 thành viên với mục tiêu chính là tránh thêm đổ máu tại Afghanistan và kêu gọi một bộ máy chính phủ mới.
Người phát ngôn của NRF-ông Ali Maisam Nazary cho biết tại thung lũng Panjshir, ngoài các thành viên của lực lượng này còn có trên 1.000 người mất nhà cửa từ khắp Afghanistan đổ về đây tìm nơi trú ẩn.
Ông Nazary nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy Panjshir đã trở thành nơi an toàn cho những người ở tỉnh khác cảm thấy bị đe dọa”. Ông nói thêm rằng có nhiều nhà hoạt động nhân quyền, phụ nữ và các chính trị gia "cảm thấy bị đe dọa bởi Taliban" đã đến Panjshir.
Trong khi đó, qua bài đăng trên tờ The Washington Post ngày 19/8, thủ lĩnh của NRF là Massoud đã kêu gọi Mỹ ủng hộ vũ khí. Người phát ngôn Nazary cho biết nhóm này đã chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột, và nếu Taliban không đàm phán thì sẽ đối mặt với sự kháng cự trên khắp đất nước.