Cuộc chiến kinh tế khốc liệt: Nga tiếp tục mạnh tay cắt khí đốt cho Đan Mạch và Đức

Tất Đạt |

Nga tiếp tục có động thái mạnh tay với các công ty không chịu thanh toán bằng đồng rúp.

Nga cấm khí đốt 2 công ty năng lượng châu Âu

Gazprom, Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, đã cắt khí đốt cho hai công ty năng lượng ở Đan Mạch và Đức.

Động thái này được thực hiện khi công ty điện lực lớn nhất của Đan Mạch và Shell Energy ở Đức từ chối thanh toán các nguồn khí đốt bằng đồng rúp.

Đan Mạch đã trở thành quốc gia thứ 5 bị cắt nguồn khí đốt tự nhiên của Nga sau khi nhà bán buôn quyền lực nhất của họ là Orsted từ chối trả tiền bằng đồng rúp. Nguồn cung cấp cho Shell Energy Europe Limited ở Đức cũng đã bị tạm dừng vì lý do tương tự.

"Tính đến cuối ngày làm việc 31/5, Gazprom Export vẫn chưa nhận được khoản thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt trong tháng 4 từ Orsted Salg & Service", công ty Nga giải thích trong một tuyên bố.

Công ty nói thêm rằng vào năm 2021, Gazprom Export đã cung cấp cho công ty Đan Mạch 1,97 tỉ mét khối khí đốt, chiếm khoảng 2/3 tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở Đan Mạch.

Cuộc chiến kinh tế khốc liệt: Nga tiếp tục mạnh tay cắt khí đốt cho Đan Mạch và Đức - Ảnh 1.

Gazprom cho biết: "Hợp đồng giữa Gazprom Export và Shell Energy Europe Limited về việc cung cấp khí đốt cho Đức cung cấp khối lượng lên tới 1,2 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm. Shell chỉ chiếm 2,6% trong tổng số 95 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên mà Đức tiêu thụ mỗi năm".

Trả lời BBC, Gazprom cho hay: "Shell tiếp tục làm việc trong quá trình rút từng giai đoạn khỏi các nguồn cung từ Nga".

Trong khi đó, hầu hết các khách hàng mua khí đốt lớn của Đức, bao gồm Uniper và RWE, đã đồng ý với kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp của Điện Kremlin.

Cơ chế thanh toán mới của Nga yêu cầu người mua khí đốt từ các quốc gia "không thân thiện" đã đặt lệnh trừng phạt lên Moscow phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga. Sau đó, họ có thể gửi tiền bằng đơn vị tiền tệ mà họ lựa chọn, được ngân hàng chuyển đổi thành rúp và chuyển đến Gazprom.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga gần đây đã đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan và Hà Lan sau khi các nước này từ chối tuân thủ yêu cầu từ phía Nga. Theo Bộ Năng lượng Nga, cho đến nay, khoảng 20 công ty châu Âu đã mở tài khoản bằng đồng rúp.

Nga đã tiếp tục cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, sau khi tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom từ chối hợp tác với một tập đoàn hàng đầu của Hà Lan và ngừng dòng chảy sang một số công ty ở Đan Mạch và Đức.

Cuộc chiến kinh tế khốc liệt

Cuộc chiến kinh tế ngày càng gia tăng sau quyết định mới đây của EU về việc đặt lệnh cấm vận đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Điện Kremlin.

Các nhà lãnh đạo EU cho biết lệnh cấm sẽ ngay lập tức tác động đến 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, tăng dần lên 90% vào cuối năm nay.

Gazprom đã tiếp tục cắt giảm khí đốt vào ngày 31/5 bằng cách ngừng cung cấp cho GasTerra, công ty mua và kinh doanh khí đốt thay mặt cho chính phủ Hà Lan.

GasTerra cho biết họ đã kí kết các hợp đồng ở nơi khác để mua 2 tỷ mét khối khí đốt mà họ vốn đang mua từ Gazprom từ nay đến tháng 10.

Trước cuộc hội đàm diễn ra vào đêm muộn tại Brussels, Đan Mạch lên tiếng cho biết họ dự kiến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga tới nước này sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, Orsted cho biết việc cắt giảm khí đốt từ Nga sẽ không khiến nguồn cung cấp khí đốt của đất nước gặp rủi ro ngay lập tức.

Cuộc chiến kinh tế khốc liệt: Nga tiếp tục mạnh tay cắt khí đốt cho Đan Mạch và Đức - Ảnh 2.

Điện Kremlin đã yêu cầu thanh toán cho hàng xuất khẩu bằng đồng rúp vào đầu năm nay, sau khi đồng tiền của nước này tụt giá mạnh và Nga bị loại khỏi hệ thống nhắn tin ngân hàng quốc tế SWIFT trong các vòng trừng phạt trước đó.

Ủy ban năng lượng của EU tuyên bố rằng các quốc gia thành viên sẽ phải từ chối yêu cầu của Moscow, vì cơ chế do Nga đặt ra sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của khối - ngay cả khi điều này khiến họ không có nguồn cung cấp khí đốt thay thế.

Việc cắt giảm nguồn cung đã đẩy giá khí đốt vốn đã cao thậm chí còn cao hơn, góp phần làm lạm phát tăng vọt, đồng thời gây áp lực lên các chính phủ và công ty châu Âu trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp và cơ sở hạ tầng thay thế, bao gồm cả các cơ sở lưu trữ.

EU đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong những tuần qua vì đã không đủ mạnh tay trong các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trước hội nghị thượng đỉnh hôm 30/5 tại Brussels, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thể hiện sự đoàn kết.

Theo một kế hoạch thỏa hiệp từ hội nghị thượng đỉnh, dầu của Nga được vận chuyển qua đường ống Druzhba từ thời Liên Xô để Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia sử dụng sẽ được miễn lệnh cấm vận của EU.

Bất chấp thỏa thuận này, Thủ tướng Estonia vẫn kêu gọi EU tiến xa hơn và thực hiện vòng trừng phạt thứ 7 đối với Nga, bao gồm các hạn chế đối với nhập khẩu khí đốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại