Siêu du thuyền Amadea trị giá 300 triệu USD của nhà tài phiệt người Nga Suleiman Kerimov đã bị chính quyền địa phương ở Lautoka, Fiji tịch thu theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: AFP
Theo tờ Financial Times, trong bài phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos tuần qua, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi phương Tây sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà tài phiệt để hỗ trợ chi phí tái thiết Ukraine ước tính 500 tỷ USD.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã ủng hộ đề xuất này của Tổng thống Zelenskyy. Trong đó, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, cho rằng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của Nga để tái thiết Ukraine là suy luận hợp lý. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã đáp lại lời kêu gọi của ông Zelenskyy bằng tuyên bố Nga “cũng nên đóng góp” vào công cuộc tái thiết nước láng giềng.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi này đã tạo ra làn sóng phản đối trong giới tài chính, doanh nghiệp từ các quốc gia phương Tây và đồng minh. Điều này không phải vì họ không ủng hộ Ukraine, cũng không phải vì họ không nhận ra rằng công cuộc tái thiết hậu chiến tranh sẽ rất rộng lớn. Mà thay vào đó, theo giới quan sát, vấn đề quan trọng nhất chính là EU chưa đưa ra lộ trình thích hợp.
Trong khi phần lớn giới chức EU cho rằng cần phải hỗ trợ Ukraine và đưa ra biện pháp trừng phạt thích đáng nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga, giới chuyên gia cảnh báo đóng băng tài sản của Nga là một vấn đề hoàn toàn khác với việc giải ngân chúng.
Nếu một trong hai hành động này được thực hiện không nhất quán và thiếu minh bạch, các chính phủ phương Tây sẽ phải đối mặt với nhiều năm kiện tụng tốn kém. Cuối cùng niềm tin – điều vốn là nền tảng đối với nền kinh tế chính trị của các quốc gia thành viên - cũng sẽ bị phá hủy. Như Tổng thống Zelenskyy đã nhấn mạnh “giá trị” hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi thị trường thế giới đang rơi vào tình trạng mất ổn định.
“Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã nhất trí với nhau rằng phương Tây rất tôn trọng luật pháp và chúng tôi đầu tư vào phương Tây trên cơ sở đó. Nhưng liệu nền tảng này có đang bị phá vỡ? Chúng tôi nên nghĩ gì?”, một nhà đầu tư hàng đầu ở phương Tây bình luận.
Các đề xuất sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga
Giới chức đang nỗ lực tìm giải pháp sử dụng nguồn tài sản bị đóng băng của Nga một cách phù hợp nhất. Phát biểu tại WEF trong tuần này, bà Von der Leyen cho biết “các luật sư của chúng tôi đang làm việc để tìm ra những biện pháp khả thi đối với việc sử dụng nguồn tài sản bị đóng băng này”. Trong đó, các luật sư phương Tây ủng hộ Ukraine đang nghiên cứu các công cụ lập pháp hiện có, để xem liệu có thể thay đổi chúng giúp thực hiện mục đích này hay không.
Một số chuyên gia đề xuất nên áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài liên quan đến một số hiệp ước đầu tư trực tiếp ít được biết đến được ký kết giữa Nga và Ukraine trong những năm 1990. Hiệp ước này sẽ áp đặt thiệt hại trong trường hợp một quốc gia gây tổn hại kinh tế cho nước còn lại. Do chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều chuyên gia cho rằng Nga là bên cần phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine khi tiến hành phá hủy cơ sở hạ tầng ở Urkaine.
Về phía Mỹ, nước này thường sử dụng quyền thu giữ tài sản của các cá nhân hoặc quốc gia nước ngoài để thực hiện biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong xung đột tại Ukraine, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể tìm kiếm thẩm quyền lập pháp từ Quốc hội để ban hành luật mới cho phép thu giữ tài sản tiền tệ của Nga mà không vi phạm luật quốc tế hoặc Hiến pháp Mỹ. Hoặc Tổng thống Mỹ có thể áp dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 để tái phân bổ tài sản trong các ngân hàng Mỹ, dựa theo tiền lệ được thiết lập từ những năm 1980 liên quan đến Iran.
Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế năm 1977 chỉ cho phép đóng băng, không cho phép bán tài sản nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng quốc tế. Sau khi Iran tấn công và chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979, Chính phủ Mỹ đã thu giữ tài sản trị giá hàng tỷ USD của Iran ở Mỹ.
Trong khi đó, Kiev cũng đã đưa ra một đề xuất thú vị. Nước này đã soạn thảo một bản ghi nhớ kêu gọi Liên hợp quốc thành lập một ủy ban mới về tịch thu và đóng băng tài sản “hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và hiệu quả” của những quốc gia có hành động tấn công vũ trang.
Song dù là biện pháp nào, cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine đang được coi là dự án thử nghiệm cho việc tạo ra một khuôn khổ toàn cầu để áp dụng trong các cuộc xung đột khác.
Ông Rinat Akhmetov, tỷ phú Ukraine, cho biết ông sẽ kiện Nga để đòi “bồi thường thích đáng cho mọi chi phí và doanh thu bị mất” do nước này đã phá hủy tài sản của ông ở Mariupol, chẳng hạn nhà máy thép Azovstal.
Theo giới chuyên gia, đề xuất của Ukraine có thể sẽ được hoan nghênh. Một luật sư phương Tây, người đã xem xét bản ghi nhớ từ Kiev cho biết: “Khái niệm cơ bản về việc đưa ra khuôn khổ quốc tế, bao gồm các biện pháp trừng phạt, có thể hợp lý hơn việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khá đặc biệt hiện nay”.
Tuy nhiên, quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an sẽ gây khó khăn cho việc thành lập một ủy ban của Liên hợp quốc. Hơn nữa, đề xuất triển khai đạo luật quyền hạn khẩn cấp năm 1977 của Mỹ cũng đang gây tranh cãi về mặt pháp lý và việc thông qua bất kỳ luật nào của nước này một cách nhanh chóng cũng là điều rất khó khăn.
Nếu khái niệm về thủ tục tố tụng và quyền tài sản chưa bị thay đổi, tài sản của Nga vẫn chỉ có thể bị đóng băng trong nhiều năm hoặc các cuộc chiến pháp lý bất tận sẽ xảy ra sau đó.