Báo cáo của Trung Quốc: "Trầm trồ" vì khoáng sản Việt Nam, cơ hội to lớn để TQ hợp tác

Tất Đạt |

Việt Nam có nhiều điều kiện phù hợp để phát triển ngành khoáng sản - báo cáo của Trung Quốc viết.

Theo báo cáo có tên "Triển vọng Ngành khoáng sản Việt Nam và Hợp tác các ngành công nghiệp liên quan" do trang web chính thức của Sở Tài nguyên Thiên nhiên tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), Việt Nam có lượng tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản rất phong phú.

Đây là cơ sở và tiền đề để Trung Quốc đầu tư và hợp tác phát triển với Việt Nam. Dưới đây là một số trích đoạn của báo cáo này:

Lĩnh vực hợp tác năng lượng

Hợp tác trong lĩnh vực than và điện than: Nhu cầu sử dụng than trong nước của Việt Nam ngày càng tăng, nhưng do ảnh hưởng của công nghệ và thiết bị khai thác nên tổng sản lượng tăng không đáng kể. Trong những năm gần đây, công nghệ tiên tiến của Trung Quốc và máy móc thiết bị tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường dần được Việt Nam công nhận, điều này mang lại hy vọng cho hợp tác Trung - Việt trong tương lai.

Ngoài ra, Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng điện cao, phát triển năng lượng mới chưa hình thành các sản phẩm kỹ thuật chuyên dụng. Trong 15 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ điện than. Đề nghị thực hiện hợp tác thăm dò và phát triển than tại khu vực than Đồng bằng sông Hồng, đồng thời thực hiện hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.

Báo cáo của Trung Quốc: Trầm trồ vì khoáng sản Việt Nam, cơ hội to lớn để TQ hợp tác - Ảnh 1.

Hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản kim loại

Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực kim loại màu, luyện thép, lọc dầu, luyện cốc, phát triển khoáng sản và năng lượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Xét tới các điều kiện như phân bổ tài nguyên, điều kiện cơ sở hạ tầng, luật liên quan đến khai thác, kế hoạch phát triển của chính phủ Việt Nam và nhu cầu của Trung Quốc, báo cáo đề xuất rằng các công ty Trung Quốc nên tập trung vào hợp tác đa kim như kim loại đen, kim loại màu và đất hiếm ở miền Bắc Việt Nam, đầu tư vào các mỏ bauxit và vàng ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Hợp tác luyện kim chủ yếu tập trung vào luyện thép, đồng và alumin. Các khu vực được đề xuất hợp tác chính trong khai thác đồng và vàng là Lào Cai và Sơn La, đồng thời có thể xem xét việc xây dựng các nhà máy luyện đồng; trọng tâm hợp tác khai thác vonfram là khu vực Thái Nguyên và Tuyên Quang ở đông bắc Việt Nam; khoáng chất ilmenite phân bố chủ yếu ở vùng ven biển phía đông nam và khu vực đề xuất hợp tác là tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo của Trung Quốc: Trầm trồ vì khoáng sản Việt Nam, cơ hội to lớn để TQ hợp tác - Ảnh 2.

Ngoài ra, có thể thăm dò phát triển đa kim ở khu vực Đông bắc Việt Nam - nơi tập trung khoáng sản kim loại của đất nước này, rất giàu kẽm, thiếc, crom, đất hiếm và các loại khoáng sản khác, có tiềm năng triển vọng lớn. Việt Nam cũng sở hữu lượng tài nguyên bô-xit vô cùng phong phú.

Hợp tác cơ sở hạ tầng và công nghiệp

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, Việt Nam đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển ổn định và nhanh chóng của nền kinh tế trong nước.

Hệ thống giao thông đô thị như đường sắt, đường cao tốc, cảng và sân bay là trọng tâm phát triển của nước này. Việt Nam liên tục ban hành các nghị quyết và kế hoạch phát triển có lợi cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây. Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam như đường cao tốc, bến cảng,... do đó đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc nên chú ý.

Báo cáo của Trung Quốc: Trầm trồ vì khoáng sản Việt Nam, cơ hội to lớn để TQ hợp tác - Ảnh 3.

Việt Nam quan tâm đến việc nâng cấp hệ thống đường sắt Bắc Nam hiện có, cải thiện đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh và chú trọng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phát triển trong tương lai; tập trung vào việc nâng cấp, tái thiết các đường quốc lộ và xây dựng đường cao tốc tại Phan Thiết, Ninh Bình, Biên Hòa, Vũng Tàu và các dự án mở rộng Quốc lộ 1.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng nâng cấp các cảng và sân bay trên cả nước. Các khu công nghiệp tập trung vào vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kết luận

Dựa trên các dữ liệu liên quan về tài nguyên khoáng sản và môi trường đầu tư của Việt Nam, có thể thấy một cách tổng quát rằng: Việt Nam tiếp giáp với miền Nam Trung Quốc, là một trong những cầu nối giữa Trung Quốc và ASEAN.

Báo cáo của Trung Quốc: Trầm trồ vì khoáng sản Việt Nam, cơ hội to lớn để TQ hợp tác - Ảnh 4.

Đây là quốc gia có tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhưng công nghiệp chế biến và luyện kim cần phát triển hơn. Thị trường rộng lớn của Việt Nam mang đến cơ hội to lớn cho hợp tác khai thác và phát triển cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc có thể cung cấp kinh nghiệm quản lý và hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng các khu công nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam tốt nhưng còn nhiều yếu tố cần chú ý.

Khuyến nghị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án hợp tác tại Việt Nam phải nghiên cứu khả thi và phân tích thị trường kĩ trước khi triển khai dự án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại