Cuộc chiến kiểm soát vùng trời Ukraine: Canh bạc nhiều rủi ro của Nga

Hồng Anh |

Dù có ưu thế vượt trội so với Ukraine, nhưng lực lượng không quân Nga vẫn gặp rất nhiều thách thức trong việc xác định và phá hủy các hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Máy bay Su-35 của Nga bay trên bầu trời Ukraine. Ảnh: TASS

Máy bay Su-35 của Nga bay trên bầu trời Ukraine. Ảnh: TASS

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang tháng thứ 6, với trọng tâm là khu vực Donbass . Nga đang tiến gần hơn đến các mục tiêu đặt ra trong chiến dịch quân sự, nhưng đến nay các lực lượng của nước này vẫn chưa kiểm soát được vùng trời Ukraine. Dù có sự bất đối xứng lớn về tổng thể sức mạnh không quân giữa Nga và Ukraine, song việc Moscow sử dụng sức mạnh không quân một cách khá hạn chế đang gây ra nhiều cuộc tranh luận trên thế giới.

Khó khăn trong áp đảo phòng không đối phương

Đối với các nhà phân tích, một trong những diễn biến đáng ngạc nhiên nhất trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến là việc lực lượng không quân Nga gặp nhiều khó khăn trong việc áp đảo hoàn toàn lực lượng không quân của Ukraine. Đánh giá này được rút ra từ các cuộc chiến tranh của Mỹ và NATO ở Iraq, Afghanistan và Libya, nơi máy bay phương Tây nhanh chóng càn quét bầu trời và tìm cách vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Không quân Nga là lực lượng không quân lớn thứ 2 thế giới, với gần 3.800 máy bay. Nga có 8 phi đội máy bay ném bom, vận hành các máy bay Tu-22M3/MR, Tu-95MS và Tu-160. 37 phi đội máy bay chiến đấu bao gồm các biến thể của MiG-29, MiG-31 và Su-27. Nga có hơn 100 máy bay Su-35, 14 máy bay Sukhoi Su-57. Ngoài ra, Moscow còn có 27 phi đội cường kích đang vận hành các biến thể Su-24, Su-25 và Su-34. 10 phi đội trinh sát kiêm tấn công sử dụng các máy bay Su-24 và MiG-25RB.

Ukraine có lực lượng không quân lớn thứ 27 trên thế giới và lớn thứ 7 ở châu Âu. Nước này có ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển với nhiều nhà máy sản xuất máy bay Antonov. Lực lượng Không quân Ukraine có 36.300 nhân viên và 225 máy bay. Trong số này có gần 100 máy bay chiến đấu như MiG-29, Su-24, Su-25, Su-27, L-39 và một số đã được hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Ukraine cũng sở hữu nhiều máy bay không người lái tối tân do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Dù có ưu thế vượt trội so với Ukraine, nhưng lực lượng không quân Nga vẫn gặp rất nhiều thách thức trong việc xác định và phá hủy các hệ thống phòng thủ của Ukraine. Nhà phân tích Robert Farley cho rằng, việc áp đảo phòng không đối phương (SEAD) là không dễ dàng. Trên thực tế, đa số các cuộc tấn công thành công của Nga nhằm vào các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) của Ukraine là từ mặt đất chứ không phải trên không.

Vấn đề mà Nga phải đối mặt là hệ thống phòng thủ kiên cố của Ukraine tại các sân bay quân sự và hoạt động dàn quân tại những khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine. Máy bay chiến đấu của Ukraine thường hoạt động trong tầm phòng ngự của các lá chắn phòng không và gần căn cứ của họ. Về phần mình, Nga vẫn chưa phát huy toàn bộ khả năng tấn công tầm xa để buộc đối phương phải giao chiến. Điều đó có nghĩa là, Ukraine dù thiếu lợi thế về quân sự, nhưng vẫn duy trì được phi đội máy bay để làm nhiệm vụ trong các khu vực có bảo vệ, hoặc hỗ trợ các hoạt động trên bộ hay trên biển.

Khó khăn tiếp theo mà Moscow phải đối mặt là sự phát triển nhanh chóng của lực lượng phòng không Ukraine. Phương Tây đã chuyển giao cho Kiev rất nhiều hệ thống tên lửa phòng không như tên lửa phòng không di động Stinger, tên lửa vác vai di động MADPADS hay hệ thống tên lửa NASAMS. Và việc đưa máy bay vào tầm bắn của những tên lửa này nhằm kiểm soát không phận sẽ rất nguy hiểm.

Ông Justin Bronk, Thành viên nghiên cứu cấp cao về Công nghệ và Lực lượng Hàng không tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (RUSI) nhận định, các vấn đề liên quan đến SEAD bộc lộ trong cuộc chiến Nga-Ukraine có thể báo trước những khó khăn mà phương Tây sẽ phải đối mặt trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại có rất ít quốc gia tự tin về khả năng áp đảo hệ thống tên lửa đất đối không của đối phương. Trái lại, những hệ thống này nếu được sử dụng một cách hiệu quả có thể gây ra tổn thất rất lớn cho bên tấn công.

Canh bạc đầy rủi ro

Một lý do khác khiến cả Nga và Ukraine chưa sẵn sàng huy động toàn bộ sức mạnh không quân đó là do việc xây dựng một lực lượng không quân chuyên nghiệp và bài bản thường mất nhiều thời gian và sức lực, vì thế nên hai bên có lẽ không muốn đặt cược toàn bộ vào canh bạc này.

Đối với Ukraine, kế hoạch xây dựng một lực lượng không quân hiện đại, sẵn sàng triển khai nhanh chóng vẫn dậm chân tại chỗ do hạn chế về đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, việc thiếu phụ tùng, trang thiết bị dự phòng, cơ sơ bảo trì, bảo dưỡng khiến các máy bay khó duy trì hoạt động chiến đấu liên tục. Những máy bay hiện đại khác biệt khá nhiều so với các máy bay ra đời từ những năm 1960, vì thế thời gian để đào tạo phi công có thể lên đến hàng tháng hoặc hàng năm. Hiện, Mỹ đang xem xét phương án chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng giới phân tích cho rằng, kế hoạch này vẫn rất xa vời, vì nó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về hậu cần và căng thẳng địa chính trị, trong đó phải kể đến việc Nga sẽ xem đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng và tìm cách đáp trả.

Với Nga, mặc dù có dàn chiến đấu cơ hùng hậu nhưng nước này không thể đặt các chiến đấu cơ vào tình huống rủi ro trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, kéo dài. Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, Nga hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp máy bay. Hơn nữa, việc thay thế chiến đấu cơ hoặc đào tạo phi công mới cũng cần rất nhiều thời gian – khi mà Moscow đang phải chạy đua trên chiến trường Ukraine.

Sự góp mặt của máy bay không người lái

Theo các chuyên gia quân sự, máy bay không người lái đang đóng một vai trò to lớn trong việc quyết định ai là người thắng kẻ thua trong cuộc không chiến Nga-Ukraine. Với giá thành tương đối rẻ và dễ sử dụng, UAV được sử dụng khá phổ biến trên chiến trường để ngăn đà tiến của các lực lượng mặt đất, hay thực hiện thực hiện nhiệm vụ do thám hoặc thu thập thông tin tình báo.

Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột Ukraine đã triển khai máy bay không người lái chiến thuật TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, để tấn công xe tăng và xe bọc thép của quân đội Nga. Nhưng sau đó, Nga đã nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử, cải thiện khả năng phòng thủ và gây nhiễu để vô hiệu hóa UAV của đối phương. Tại Donbass, Nga đã triển khai các lá chắn phòng không với mật độ dày đặc để đối phó UAV và kiểm soát khá hiệu quả không phận.

Nhìn chung, máy bay không người lái đang đóng một vai trò quan trọng tương tự như vai trò của máy bay trinh sát và máy bay tấn công hạng nhẹ trong giao tranh, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng có thể hoàn toàn thay thế được vai trò của máy bay cánh cố định lớn hơn và cơ động hơn.

Theo nhà phân tích Robert Farley, rất khó xác định người thắng kẻ thua trong cuộc chiến trên không tại Ukraine vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ tấn công tầm xa đến trinh sát tầm gần cũng như việc tiếp tế và hậu cần. Tuy vậy, trong thời gian tới, việc Ukraine sử dụng các khí tài quân sự do phương Tây cung cấp để giành lợi thế hoặc ít nhất là đạt được vị thế ngang bằng với Nga, có thể tác động đáng kể đến diễn biến của cuộc chiến./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại