Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga về các lệnh trừng phạt
Đài RT (Nga) đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 24/7 vừa khẳng định rằng: Nga không yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng Moskva mong phương Tây sẽ khắc phục các vấn đề mà họ đã tạo ra trên thị trường lương thực toàn cầu.
Cụ thể, phát biểu sau cuộc đối thoại với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry, ông Lavrov nhấn mạnh:
"Chúng tôi không yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt - đó là những vấn đề nên được giải quyết riêng. Chúng tôi sẽ phát triển nền kinh tế của mình ngay trong thời điểm và bối cảnh hiện tại bằng cách dựa vào các đối tác đáng tin cậy."
"Về vấn đề lương thực, phương Tây nên loại bỏ những trở ngại mà chính họ đã tạo ra", ông Lavrov nói.
Ông Lavrov cũng lưu ý rằng Moskva sẽ không đồng ý với thỏa thuận vừa ký kết hôm 22/7 về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, nếu như vấn đề giải phóng hàng xuất khẩu của Nga chưa được giải quyết.
Moskva hiện đang trông chờ Liên Hợp Quốc (LHQ) thực hiện cam kết của họ - cụ thể là hỗ trợ gỡ bỏ các hạn chế đối với các lô hàng ngũ cốc của Nga.
"Những hạn chế bất hợp pháp được áp đặt đã ngăn cản các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga, bao gồm vấn đề bảo hiểm, hay việc tàu Nga tiếp cận các cảng nước ngoài, và các tàu nước ngoài cập cảng của Nga", ông Lavrov nói.
"Sau khi các bên ký kết các thỏa thuận ở Istanbul theo sáng kiến của Tổng thư ký LHQ [ông António Guterres], ông ấy đã cam kết tìm cách gỡ bỏ các hạn chế bất hợp pháp này. Chúng tôi trông chờ ông ấy thực hiện được cam kết đó", vị Ngoại trưởng Nga nói thêm.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
Thời gian gần đây, ông Lavrov đã cáo buộc phương Tây cố tình "giữ im lặng" về tác động của các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine đối với hoạt động xuất khẩu của Nga.
Tại một cuộc họp báo hồi tháng trước, ông Lavrov cho hay: "Nga đang gặp vấn đề với việc xuất khẩu ngũ cốc. Mặc dù phương Tây lớn tiếng nhắc nhở mọi người rằng ngũ cốc không bị trừng phạt, nhưng họ lại im lặng trước tình trạng các tàu chở ngũ cốc của Nga đang phải chịu tác động của các lệnh trừng phạt.
Tàu của chúng tôi không được cập cảng châu Âu, không được bảo hiểm, và nhìn chung là tất cả các vấn đề hậu cần và tài chính liên quan đến việc cung cấp ngũ cốc cho thị trường thế giới đều đang chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây."
Hôm 22/7, đại diện của Ukraine, Nga, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết một thỏa thuận nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ các cảng của Ukraine.
Bên cạnh thỏa thuận nói trên, Nga và LHQ cũng đã ký kết một biên bản ngụ ý rằng LHQ sẽ hỗ trợ việc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga sang nước ngoài, đài RT cho biết.
Theo TTXVN, Ngoại trưởng Nga Lavrov đang có chuyến công du 5 ngày tại châu Phi, với Ai Cập là điểm đến đầu tiên. Sau Ai Cập, ông Lavrov sẽ đến thăm Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo nhằm thảo luận về một loạt vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như triển vọng hợp tác song phương giữa Nga và các quốc gia này.
EU nới lỏng trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga
Đài RT trích dẫn tuyên bố của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) hôm 21/7 cho biết: EU sẽ cho phép thực hiện giao dịch cần thiết giữa các công ty quốc doanh của Nga để bán dầu mỏ cho các nước thứ ba.
"Nhằm tránh các hậu quả tiêu cực tiềm ẩn đối với an ninh lương thực và năng lượng trên toàn thế giới, EU đã quyết định mở rộng phạm vi miễn trừ trong lệnh cấm tham gia giao dịch với một số thực thể [của Nga] thuộc sở hữu nhà nước đối với các sản phẩm nông nghiệp và vận chuyển dầu mỏ tới các nước thứ ba", RT trích dẫn nội dung thông báo.
Việc miễn trừ này có nghĩa là các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga, bao gồm Rosneft, Gazprom Neft và Sovcomflot, hiện được phép ký kết các thỏa thuận với châu Âu về việc vận chuyển dầu đến các nước thứ ba.
Ảnh minh họa
Vào tháng 3, EU đã ban hành lệnh cấm giao dịch giữa các công ty châu Âu và các tập đoàn của Nga, bao gồm các tập đoàn năng lượng lớn Rosneft, Transneft, Gazprom Neft và công ty vận tải biển lớn nhất của Nga Sovcomflot... Ban đầu phạm vi lệnh cấm bao gồm khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, các sản phẩm từ dầu mỏ, và một số kim loại được miễn trừ.
Tuy nhiên, trong gói trừng phạt thứ sáu vừa được đưa ra vào tháng trước, EU đã áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với dầu mỏ của Nga, cụ thể là cấm hoạt động xuất khẩu dầu mỏ xuất xứ từ Nga tới EU bằng đường biển và cấm các công ty châu Âu bảo hiểm, tái bảo hiểm các chuyến hàng dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ của Nga sang các nước bên ngoài EU.
Do lệnh trừng phạt, các công ty năng lượng lớn như Vitol, Glencore, Trafigura, Shell và Total đã ngừng kinh doanh dầu của Nga cho các nước thứ ba. Tuy nhiên, với quy định nới lỏng mới, họ sẽ có thể khôi phục giao dịch với Nga.
Litva nối lại tuyến đường sắt quá cảnh giữa Nga-Kaliningrad
Reuters dẫn nguồn hãng tin RIA Novosti (Nga) hôm 22/7 cho biết Litva đã đã dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt bằng đường sắt vào vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và ngược lại.
Trước đó, EU đã xác nhận rằng lệnh cấm vận chuyển chỉ ảnh hưởng tới đường bộ, không bao gồm đường sắt, do đó Litva cần dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc quá cảnh các mặt hàng của Nga qua tuyến đường sắt của nước này sang Kaliningrad.
Kaliningrad là vùng lãnh thổ thuộc Nga nhưng không giáp với lục địa Nga, mà nằm giữa Ba Lan và Litva. Các quan chức Nga cho biết lệnh cấm vận của Litva có thể ảnh hưởng đến một nửa tổng số chuyến hàng từ Nga đến Kaliningrad, trong khi Litva khẳng định chỉ có khoảng 15% trên tổng số chuyến hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary: Các lệnh trừng phạt Nga không có tác dụng
Theo Al Jazeera, phát biểu tại Romania hôm 23/7, thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết EU cần một chiến lược mới về cuộc xung đột ở Ukraine, vì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không có tác dụng.
Nhà lãnh đạo Hungary cho hay, chiến lược mới này cần tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình và hòa giải xung đột.
Trước đó, ông Orban đã nhấn mạnh rằng Hungary không muốn ủng hộ lệnh cấm vận hoặc hạn chế của EU đối với khí đốt xuất khẩu của Nga, vì điều đó sẽ làm suy yếu nền kinh tế của Hungary vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Ông Orban cũng kêu gọi Nga và Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, và chỉ có cách này mới thành công vì "Nga muốn có những đảm bảo an ninh" mà chỉ Washington mới có thể đáp ứng./.
Nguồn tổng hợp: RT, Al Jazeera, Reuters, TTXVN