“Cuộc chiến” ít được biết đến giữa Bộ Nội vụ và KGB Liên Xô

Lê Ngọc |

Thật khó tin các lực lượng an ninh của Liên Xô đã phải cậy nhờ xã hội đen tham gia đảm bảo an ninh cho Olympic Moscow 1980

Thế vận hội Moscow 1980 là sự kiện thể thao thế giới và là một trong những sự kiện lớn trong quá trình tồn tại của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết. Các đây không lâu, cuốn hồi ký của Anatoly Chernyaev - Phó Ban Quốc tế Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã hé lộ nhiều chi tiết ly kỳ. Sinh thời, Brezhnev - nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó, không muốn đăng cai Thế vận hội Olympic, vì coi đó là một sự lãng phí tiền của nhà nước, và như chính ông giải thích, chỉ thổi bụi vào mắt thế giới và làm nảy sinh các vụ bê bối chống Liên Xô vì quan điểm chính trị.

Tuy nhiên, trong Chiến tranh Lạnh, việc tổ chức Olympic 1980 có ý nghĩa chính trị trong việc chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở góc độ kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, thể thao và an ninh… Và vì mục đích này, lãnh đạo Liên Xô đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì, để đảm bảo an ninh công cộng ở thủ đô, bằng việc huy động không chỉ cảnh sát và quân đội, mà còn cả các “ông vua” của thế giới ngầm - những tên trộm, tham gia.

Bộ Nội vụ thỏa thuận gì với thế giới ngầm trước Olympic 1980?

Sáng sớm ngày 10/7/1980, trước Thế vận hội 9 ngày, cảnh sát Moscow mở một cuộc đột kích lớn bắt những tên trộm đầu sỏ. Có kẻ bị chộp ngay trên đường phố, kẻ khác chưa kịp ra khỏi giường. Ngày hôm đó, 25 tên trộm tầm cỡ đã bị sa lưới cảnh sát. Một số trong số này được đưa đến trại tạm giam, còn những kẻ có ảnh hưởng nhất đã được đưa đến tòa nhà của Bộ Nội vụ trên đường Ogarev ở trung tâm Moscow (nay là ngõ Gazetny).

“Cuộc chiến” ít được biết đến giữa Bộ Nội vụ và KGB Liên Xô - Ảnh 1.

Năm 1980, lần đầu tiên Olympic được tổ chức tại Liên Xô; Nguồn: factroom.ru

Lúc đầu, các trùm xã hội đen không hiểu việc gì đang diễn ra. Điều cực kỳ bất ngờ đối với chúng là đích thân người đứng đầu đầy quyền lực của Bộ Nội vụ Liên Xô - Nikolai Shchelokov, và Yuri Churbanov - Thứ trưởng thứ nhất và là con rể của Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, xuất hiện sau đó. Phái đoàn còn được bổ sung bởi một số sĩ quan cao cấp Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) và các quan chức đảng. Các thủ lĩnh của xã hội đen lúc này mới hiểu rằng, sẽ không có buổi tra-thẩm vấn nào, mà là đàm phán.

Đúng vậy, Shchelokov và Churbanov đã đề nghị với thế giới ngầm thỏa thuận: những tên trộm đảm bảo trật tự ở thủ đô trong thời gian Olympic và đổi lại, chính quyền nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của chúng, theo nhà sử học Oleg Khlobustov. Các thủ lĩnh xã hội đen hả hê và một thỏa thuận đã nhanh chóng đạt được - chúng sẽ lệnh cho toàn bộ thế giới tội phạm án binh bất động, không được phép ăn cắp, cướp và cưỡng bức trong hai tuần diễn ra Thế vận hội; việc không tuân thủ mệnh lệnh bị coi là bất kính các vị vua của thế giới ngầm, sẽ bị bắn bỏ. Điều đáng nói là bọn trộm đã giữ lời, trong thời gian Thế vận hội, không có vi phạm nghiêm trọng nào xảy ra. Vào nửa cuối tháng 7/1980, tỷ lệ tội phạm ở Moscow thấp nhất so với trước đó.

KGB cũng vào cuộc

Tại Liên Xô, không chỉ cảnh sát, mà cả KGB hợp tác với những tên trộm có hạng. Một trong những mục tiêu của việc hợp tác này là thiết lập quyền kiểm soát đối với các cơ quan hình sự. Có một sự cạnh tranh ở đây - một “cuộc chiến” diễn ra giữa Bộ Nội vụ và KGB vào đầu những năm 1980. Theo nhà sử học Alexei Mukhin, các liên lạc bị phanh phui giữa các quan chức an ninh và bọn trộm đã trở nên thường xuyên hơn kể từ giữa những năm 1980. Các nhà chức trách đã nghỉ hưu và với những người đang đương nhiệm đã vào hùa với nhau.

Hầu như tất cả các nhà tù chính của Liên Xô đều thuộc quyền quản lý của KGB, bao gồm Tulunskaya (Irkutsk), Vladimir Central và lãnh địa “Thiên nga trắng” (Solikamsk). Sau khi thỏa thuận với đại diện của những tên trộm, các nhà điều tra ngoại biên thường xóa tất cả các tài liệu khỏi kho lưu trữ, biên soạn hồ sơ riêng. Từ đó, bọn trộm nằm trong tay họ, trở thành đối tượng lý tưởng cho mọi kiểu thao túng.

Đầu năm 1980, Yuri Andropov - người đứng đầu KGB - đã chỉ thị thăm dò thế giới tội phạm để thiết lập mối quan hệ với những kẻ cầm đầu các băng đảng. Để làm việc này, một bộ phận đặc biệt đã được thành lập. KGB đã phải tìm hiểu xem liệu có thể tin tưởng vào sự hợp tác của các đại diện của trùm sò tội phạm trước Thế vận hội hay không. Theo các nhà nghiên cứu, ít nhất 70% kẻ trộm cắp bắt tay với KGB dưới hình thức này hay hình thức khác.

Lần đầu tiên những liên lạc như vậy diễn ra trước Thế vận hội Moscow-80, Ủy ban không chỉ “dọn sạch” thủ đô, loại bỏ các thành phần tội phạm có thể tạo ra ấn tượng xấu đối với khách quốc tế, mà còn yêu cầu những kẻ cầm đầu bọn trộm đảm bảo trật tự cho sự kiện quốc tế quan trọng này. Điều đáng nói là, giới cộm cán tội phạm cảm nhận được sự quan tâm của KGB, đã vội vã phản hồi bằng cách gửi Anatoly Cherkasov - một trong những tên trộm có máu mặt nhất vùng Cherkasy, từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại - đàm phán.


KGB tiếp tục duy trì quan hệ với Cherkasov - người đã cung cấp cho họ thông tin về các cuộc tấn công khủng bố sắp xảy ra đối với các chính khách lớn. Gã trùm trộm này cũng bày tỏ với các sĩ quan KGB mối quan tâm của mình về tội phạm Caucasus đang gia tăng hoạt động ở miền trung nước Nga. Y tin chắc rằng, một cuộc chiến tranh sắc tộc lớn sắp xảy ra, mục đích của nó là phân chia lại phạm vi ảnh hưởng ở các thành phố lớn của Liên Xô, không chỉ trong lĩnh vực tội phạm, mà cả trong chính trị. Theo một số chuyên gia, Thế vận hội 1980 chỉ là cái cớ để KGB “nhúng sâu” vào lĩnh vực mà theo truyền thống, do Bộ Nội vụ kiểm soát. Andropov - người không có thiện cảm với Bộ trưởng Nikolai Shchelokov, muốn tước bỏ một số chức năng của Bộ Nội vụ.

Cherkasov đã bị thúc đẩy bởi động cơ ích kỷ, y muốn sử dụng sự giúp đỡ của KGB để hạn chế ảnh hưởng của các đối thủ cạnh tranh từ cộng hòa Caucasus, đổi lại, y đã sẵn sàng cho bất kỳ tương tác nào với chính quyền. Nhiều người tin chắc rằng, ý tưởng đánh thuế doanh nghiệp bóng tối, bao gồm cả kinh doanh tội phạm, vào giữa những năm 1970 có tổng doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm triệu USD là của Cherkasov. Nhà chức trách đã chứng tỏ với những tên trộm rằng việc trung thành với các cơ quan an ninh nhà nước sẽ mang lại lợi ích.

Vào đêm năm mới 1982, căn hộ của nghệ sĩ xiếc nổi tiếng ở Moscow, Irina Bugrimova, đã bị đột nhập. Bộ sưu tập kim cương của cô đã bị đánh cắp, những tên cướp đã qua mặt hệ thống báo động khá tinh vi một cách thành công. KGB quan tâm đến vụ việc. Andropov bất chấp nổi sợ và sự rủi ro của riêng mình, đã xâm nhập “lãnh địa” của Bộ Nội vụ, chỉ thị cho cấp phó của mình là Semyon Tsvigun sử dụng các mối liên hệ đã được thiết lập với thế giới ngầm Moscow. Chính nhờ những tên trộm, các chuyên gia của bộ phận Tsvigun đã nắm được, trong vòng một tuần, kho báu của Bugrimova sẽ được tẩu tán ra nước ngoài qua sân bay cửa khẩu Sheremetyevo.

“Cuộc chiến” ít được biết đến giữa Bộ Nội vụ và KGB Liên Xô - Ảnh 3.

An ninh được thắt chặt trong suốt hai tuần các vận động viên tranh tài; Nguồn: mzk1.ru

Chỉ sau hai ngày, các nhà điều tra bắt được một hành khách với lô kim cương nói trên. Từ lời thú tội sau đó, người ta xác định được hành vi trộm cắp đã được thực hiện bởi những kẻ trộm-tái phạm chuyên nghiệp. Khi phát hiện ra tung tích của chúng, các nhà điều tra lại quay sang tiếp cận thế giới trộm Moscow. Một chuỗi các manh mối cuối cùng đã dẫn các quan chức an ninh đến ca sĩ opera Boris Buryatz, tình nhân của Galina - con gái của Tổng bí thư Leonid Brezhnev.

“Cuộc chiến” ít được biết đến

Tháng 9/1982, Schelokov được Brezhnev bật đèn xanh, đã quyết định bắt giữ Yuri Andropov, tại thời điểm đó là Chủ tịch KGB. Nhưng các quan chức an ninh nhà nước có mặt kịp thời ngăn cản, đã xảy ra một vụ đấu súng, nhưng cuối cùng, cảnh sát không sờ được đến Andropov. Andropov ở trong Ban Bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô nhanh chóng phản đòn bằng cách bắt giữ một số người tham nhũng trong bộ máy của Bộ Nội vụ.

Vào cuối năm 1983, Chủ tịch mới của KGB, Victor Chebrikov, đã ban hành một nghị định liên quan đến xử lý các băng đảng. Đây là một làn sóng mới trong công tác phòng ngừa giới trộm cắp thông qua việc kiểm soát thủ lĩnh của các nhóm tội phạm, là sự tiếp nối cuộc chiến với Bộ Nội vụ. Mục đích của sắc lệnh này là nhằm phá vỡ các mối quan hệ mà cảnh sát đã thiết lập với những tên trộm, và kết quả là làm suy yếu thẩm quyền của Bộ Nội vụ và ê-kíp lãnh đạo nó.

Các thành viên Ủy ban đã tích cực sử dụng các nhóm kiểm soát hoạt động tại các khu vực, đồng thời cũng tuyển mộ cả tội phạm. Khi làm việc với nhóm tội phạm, ảnh hưởng của lãnh địa “Thiên nga trắng” khét tiếng của những tên trộm hàng đầu, đã trở thành một công cụ răn đe hiệu quả. Nhắc đến cụm từ này đã khiến bọn tội phạm khiếp sợ, chúng sẵn sàng làm bất cứ điều gì, chỉ cần không bị “đầy ải” đến đó.

Nhưng đúng là không phải khi nào cũng thành công. Đầu năm 1986, sau một cuộc trò chuyện với KGB, Vasya Brilliant - một trong những tội phạm hình sự nổi tiếng, đã được phát hiện bị bóp chết trong phòng giam của mình. KGB cáo buộc chính quyền trại giam thiếu cảnh giác, tuy nhiên, theo tin đồn, tên tội phạm chỉ đơn giản từ chối phản bội luật rừng và y đã phải trả giá. Bọn trộm luôn chống đối nhà nước, không thừa nhận các cấu trúc xã hội và chỉ công nhận luật pháp của mình. Nhưng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, một số trong số những tên trộm đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc và đã được khen thưởng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại