Tháng 11 năm ngoái, một điều hiếm thấy đã diễn ra tại khu công nghiệp gần Washington. Dự án mở rộng trị giá 3 tỷ USD bắt đầu được thi công tại một nhà máy bán dẫn thuộc sở hữu của Micron Technologies - nhà sản xuất chip tiên tiến, có trụ sở tại Idaho.
James Mulvenon, một chuyên gia về chính sách và gián điệp không gian mạng Trung Quốc, cho hay: "Một vài năm trước, việc mở rộng nhà máy như thế này có thể khiến nhiều người nói rằng, nó sẽ sớm được chuyển đến Trung Quốc, phải không?"
Bây giờ lại không phải như vậy. Thay vào đó, câu chuyện của Micron đã phác họa một cách thoáng qua về tương lai. Niềm tin với Trung Quốc của chính phủ và những ông chủ doanh nghiệp Mỹ đã sụp đổ.
Thêm vào đó là họ đã đồng thuận rằng các công ty Trung Quốc đã dần bắt kịp khoảng cách về công nghệ với các đối thủ phương Tây, bằng sự thiếu đúng đắn và những phương thức bất hợp pháp.
Đánh cắp bí mật thương mại
Những căng thẳng hiện tại khiến cho cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nước tưởng chừng rất đơn giản. Năm 2018, Trung Quốc chiếm 57% doanh thu thuần của Micron. Trong những năm 1960 và 1970, các công ty công nghệ Mỹ lại không kinh doanh dựa vào khách hàng Liên Xô.
Tuy nhiên, Micron lại là một ví dụ, về việc chiến tranh thương mại đang trở thành một cuộc đấu có tổng bằng 0, trong đó một bên giành chiến thắng và một bên thua. Năm 2015, Micron đã từ chối vụ thâu tóm trị giá 23 tỷ USD từ một quỹ đầu tư cho nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, với lý do thương vụ như thế này có thể bị Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) ngăn chặn. N
Năm 2018, Bộ Tư pháp đã truy tố một công ty nhà nước Trung Quốc, đối tác Đài Loan và 3 cá nhân về tội ăn cắp bí mật thương mại liên quan đến chip nhớ của Micron - một công nghệ trị giá hàng chục tỷ USD.
Việc này diễn ra sau các vụ kiện tụng qua lại, các công ty Trung Quốc bị buộc tội khẳng định rằng họ sở hữu những bằng sáng chế có liên quan ở Trung Quốc và do đó họ là nạn nhân của Micron. Một tòa án Trung Quốc đã đứng về phía họ, sau đó Micron bị điều tra theo luật chống độc quyền.
Những người mang quan điểm "diều hâu" về Trung Quốc ở Washington nói rằng cuộc đấu này xoay quanh những luật lệ bị phá vỡ.
Christopher Wray, giám đốc FBI, tuyên bố: "Nói một cách rõ ràng, Trung Quốc dường như đã rất quyết tâm đánh cắp nhằm leo lên nấc thang kinh tế bằng cách gây tổn hại đến chúng ta." Ông nói thêm rằng gần như tất cả 56 văn phòng của cơ quan này đều phải giải quyết những vụ án về gián điệp kinh tế "mà hầu hết đều dẫn đến nguyên nhân là Trung Quốc".
Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11/2018, Bộ Tư pháp đã truy tố hàng chục cá nhân và tổ chức được chính phủ Trung Quốc chỉ đạo để lấy cắp bí mật thương mại từ 15 công ty - chủ yếu là hàng không vũ trụ và công nghệ cao.
Những ý kiến khác thì cho rằng cuộc chiến có kết quả bằng 0 lại liên quan đến những lời hứa bị phá vỡ đối với người lao động Mỹ. Trước đây, các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ đảm bảo với các công nhân rằng ngành sản xuất giá trị cao sẽ ở lại Mỹ, dù xu hướng toàn cầu hóa đang đưa nhân công giá rẻ đến với Trung Quốc.
Tận dụng tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Thượng viện đối với doanh nghiệp nhỏ và tinh thần doanh nhân, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida đã đưa ra một bản báo cáo lên án tham vọng trở thành một cường quốc dẫn đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, như đã nêu trong kế hoạch của Made in China 2025 (MIC 2025).
Nếu Mỹ để Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới trong sáng tạo và sản xuất, thì "đây sẽ là một kết quả không thể chấp nhận đối với người lao động Mỹ", ông viết.
Có nhiều con đường dẫn đến sự cạnh tranh về kinh tế khiến nó trở thành cuộc đấu có tổng bằng 0 và tất cả đều có thể thấy ở Trung Quốc ngày nay. Hành vi đánh cắp chỉ là một. Cách khác nữa là thay thế hàng nhập khẩu nước ngoài bằng các sản phẩm tự sản xuất trong nước, bằng các biện pháp công bằng hoặc gian lận.
Dù rơi vào tình trạng mất lợi thế, nhưng Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong cách linh vực từ hàng không vũ trụ, chất bán dẫn đến phần mềm và xe tự lái. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng MIC 2025 sẽ giúp Trung Quốc đạt đẳng cấp thế giới trong tất cả các lĩnh vực đó.
Cuộc chiến giành lợi thế ưu tiên
Các lĩnh vực công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang được khuyến khích tuân thủ theo chính sách "hợp nhất quân sự" - một chiến lược quốc gia được hỗ trợ bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu và nhận được tài trợ từ ngân sách an ninh quốc gia không minh bạch.
Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho những gì họ cần, "rót" tiền cho những công ty đi đầu với hàng tỷ USD và thúc đẩy các công ty địa phương đặt hàng. Trong số những công ty hưởng lợi có Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc, sản xuất máy bay thương mại C-919 dự kiến sẽ là đối thủ của Boeing 737.
Các nhà hoạch định của nước này đã đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần nội địa cho máy bay vận tải Trung Quốc vào năm 2025. C-919 đã gặp phải một số vấn đề, khiến cho mốc thời gian trên trở nên khá tham vọng.
Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc có thể khiến Mỹ chịu thiệt hại, bởi đây là nước dẫn đầu lượng xuất khẩu máy bay dân sự sang Trung Quốc trong năm 2017, với giá trị là 16,3 tỷ USD. Ngoài ra, ít nhất 10 công ty Mỹ cũng cung cấp các bộ phận quan trọng cho C-919.
Trung Quốc là quê nhà của nhiều thương hiệu lớn trong các lĩnh vực như xe điện và pin, một phần của nỗ lực loại bỏ những đối thủ nước ngoài. Rào cản bảo hộ cũng cho phép các công ty internet Trung Quốc phát triển. Năm 2009, 10 công ty internet lớn nhất tính theo doanh thu đến từ Mỹ. Còn hiện tại, vài trong số đó là của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi phóng đại những thế mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực AI và big data, theo Dieter Ernst đến từ Trung tâm Đông - Tây - một viện nghiên cứu ở Hawaii. Tình trạng thiếu cơ chế bảo vệ quyền riêng tư như đã thấy trong thời gian gần đây có thể xóa bỏ nhiều dữ liệu, trong khi các công ty Mỹ có thuật toán hiện đại hơn giúp AI bớt phụ thuộc vào big data. Các ứng dụng lớn của Trung Quốc hầu hết vẫn được vận hành dựa trên chip của Mỹ thiết kế.
Một số hình thức cạnh tranh có thể công bằng nhưng vẫn kết thúc với chiến thắng nghiêng về một bên. Đáng chú ý, một số lĩnh vực công nghệ mang lại lợi thế cho "người phát triển đầu tiên" cho phép họ đặt ra những tiêu chuẩn mà các công ty đi sau không còn nhiều lựa chọn ngoài việc tuân theo. Hồi tháng 4, Uỷ ban Đổi mới Quốc phòng của Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo rằng Trung Quốc đang trên đường đạt được sự thành công này trong công nghệ 5G.
Một thập kỷ trước, các công ty Mỹ đã dẫn đầu trong công nghệ 4G, đưa ra các tiêu chuẩn đối với những thiết bị cầm tay và ứng dụng mới được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Sự thống trị này đã giúp Apple, Google và những doanh nghiệp Mỹ khác ghi nhận doanh thu hàng tỷ USD.
Trung Quốc đã học được bài học đó, họ đầu tư 180 tỷ USD để triển khai mạng 5G trong 5 năm tới và giao dải tần số không dây cho 3 nhà mạng nhà nước. Ở Mỹ, các dải tần số này thường được ưu tiên sử dụng cho chính phủ liên bang.
Các công ty Mỹ đang được thử nghiệm một số dải nhất định trong điều kiện phòng thí nghiệm bởi dễ bị trục trặc bởi cây cối và các tòa nhà. Với lý do này, bất chấp những áp lực mà Mỹ đưa ra cho các đồng minh, nhiều quốc gia dường như sẽ chấp nhận sử dụng các thiết bị cầm tay, chip và tiêu chuẩn của Trung Quốc, Lầu Năm Góc kết luận.
Thế giới mạng bị chia cắt
Một số cuộc đối đầu về công nghệ dường như sẽ bớt căng thẳng hơn. Khi Trung Quốc và Mỹ tách khỏi thị trường kỹ thuật số của nhau, mỗi bên sẽ tìm kiếm sự tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Một thế giới mạng bị chia cắt, hay còn gọi là "splinternet", đã trở thành hiện thực, khi công nghệ internet của Trung Quốc phát triển đằng sau một bức tường lửa kiểm duyệt. Những công ty dẫn đầu ở Mỹ như Amazon đang quảng bá dịch vụ thanh toán ở Ấn Độ.
Thật đáng ngại khi ông Trump lại là một người không hiểu nhiều về công nghệ. Ông đã đề xuất cắt giảm ngân sách cho các quỹ nghiên cứu khoa học, dù Quốc hội đã phản đối. Sau 2 vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max, ông tweet rằng "máy bay ngày càng phức tạp để vận hành."
Tuy nhiên, năm ngoái, ông đã ký một dự luật lưỡng đảng cho phép 1,3 tỷ USD được sử dụng để nghiên cứu lĩnh vực vật lý lượng tử. Mục đích là để đi trước Trung Quốc trong khai thác các định luật vật lý lượng tử để đạt tốc độ xử lý vốn chỉ thấy trong phim khoa học viễn tưởng.
Nước Mỹ hiện đang dẫn đầu lĩnh vực này, nhưng ông Tập đang coi đó là ưu tiên quốc gia. Nếu Trung Quốc thành công, thì họ có thể phát triển cách liên lạc trên vệ tinh và radar lượng tử gần như không thể bị tấn công và giúp phát hiện ra những máy bay, tàu tàng hình hiện đại nhất.
Sự thành công như vậy sẽ biến cuộc đối đầu về công nghệ trở thành cuộc chạy đua vũ trang. Mỹ sau đó sẽ phải quyết định họ nên răn đe Trung Quốc hay rồi một ngày nước này sẽ sử dụng những thế mạnh mới.