Cuộc cạnh tranh ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại "chiến địa" Djibouti

Thủy Thu |

Mới đây, Trung Quốc đã tập bắn đạn thật lần thứ hai trong khi Nhật Bản tuyên bố đạt thỏa thuận thuê thêm đất, mở rộng căn cứ quân sự tại Djibouti.

Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin, lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA tại căn cứ quân sự Djibouti (Bắc Kinh gọi là căn cứ hậu cần) đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật lần hai. Hồi tháng 9 vừa qua, PLA lần đầu tiên tổ chức bắn đạn thật căn cứ quân sự hải ngoại này.

Hình ảnh do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố cho thấy, xe chống tăng và xe chiến đấu bộ binh tham gia vào cuộc tập trận cùng binh lính trên sa mạc. Theo báo cáo, mục đích của cuộc tập trận này là để huấn luyện kỹ năng tác chiến, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc và nâng cao khả năng thích ứng môi trường bản địa của binh lính Trung Quốc.

PLA cũng cho hay, cuộc diễn tập này chủ yếu nhằm để kiểm tra hiệu suất chiến thuật của các thiết bị quân sự.

Cuộc cạnh tranh ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại chiến địa Djibouti - Ảnh 1.

Cuộc cạnh tranh ngầm

Ông Chu Thần Minh, nhà phân tích quân sự Bắc Kinh nhận định, lực lượng quân đội Trung Quốc đóng quân ở nước ngoài cần tham gia vào các cuộc tập trận định kỳ như binh lính trong nước nhưng cần có trọng tâm hơn chứ không phải chỉ những nội dung đào tạo cơ bản bởi nhiệm vụ của họ ở Djibouti là "bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại châu Phi cũng như duy trì hòa bình".

Ông Chu cùng cho rằng, lực lượng binh lính Trung Quốc đóng quân ở nước ngoài đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế vì họ phải phối hợp với đội ngũ quân đội cũng như cộng đồng xã hội nước bản địa.

Trong khi Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự khác dự đoán, PLA sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận định kỳ cho lực lượng này bởi Trung Quốc cần một đội quân tinh nhuệ ở căn cứ hải ngoại.

"Rất nhiều tình huống bất ngờ dù lớn hay nhỏ đều có thể xảy ra. Trong trường hợp này, lực lượng quân đội đóng quân ở căn cứ nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều tình hình phức tạp hơn quân đội bản địa", Lý nói.

Ông này cho biết thêm: "Ngoài nhiệm vụ theo dõi tình hình trên biển, quân đội cũng phải cảnh giác với những thách thức trong khu vực, đặc biệt là sự bất ổn ở các nước láng giềng ở châu Phi."

Hồi tuần trước, trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh tới Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo cam kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia cũng nhưng khẳng định vị thế chiến lược quan trọng của Djibouti tại Vùng sừng châu Phi.

Ở diễn biến khác, cùng thời gian quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Djibouti, Tokyo Shimbun (Nhật Bản) cho biết, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng đã triển khai thêm binh lính tới đồn trú tại căn cứ quân sự ở nước này ở Djibouti, mục đích để ngăn chặn nạn cướp biển vùng biển ngoài khơi Somalia.

Hồi đầu tháng này, chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận chung với chính phủ Djibouti trong việc thuê đất tiếp giáp với căn cứ quân sự của Nhật Bản tại nước sở tại.

Tờ Cankao xiaoxi (Trung Quốc) cho biết, ngày 18/11, đánh giá về thỏa thuận thuê thêm đất tại Djibouti, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng, việc thuê đất trên nhằm để bảo đảm an ninh cho căn cứ quân sự của Nhật Bản.

Báo Trung Quốc cho rằng, động thái này của Tokyo ngầm thể hiện sự cạnh tranh ảnh hướng với căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti.

Hiện nay, Djibouti là nơi tập trung sức mạnh quân sự của các "ông lớn" trên thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Ý. Djibouti cũng là cơ sở lớn hỗ trợ tàu chiến và máy bay tham gia sứ mệnh chống cướp biển khu vực của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc cạnh tranh ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại chiến địa Djibouti - Ảnh 3.

Djibouti hiện đang tập trung rất nhiều thế lực quân sự toàn cầu. Ảnh: qz.com

Ngoài ra, lực lượng hải quân của nhiều quốc gia khác như Iran, Malaysia, Nga, Ấn Độ cũng tận dụng các cảng ở Djibouti phục vụ cho hoạt động của mình.

Giới phân tích lo lắng, Djibouti - quốc gia nhỏ bé ở Đông Bắc châu Phi nhưng có vị trí địa lý thuận lợi phục vụ mục đích quân sự có khả năng sẽ trở thành "chiến địa" cho cuộc cạnh tranh ảnh hưởng quân sự của các nước lớn bởi đa phần các nước triển khai quân đội tới đây với mục đích nhân đạo, ngăn chặn nạn cướp biển nhưng từ lâu vấn nạn này đã được đẩy lùi ở khu vực.

Cố vấn Chương trình An ninh hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore Sam Bateman cho rằng, các quốc gia này thực tế chỉ muốn đạt được mục đích địa chính trị tại Djibouti.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại