"Nhanh chân" tập trận trước quân đội Nhật ở Djibouti 3 ngày, Trung Quốc có dụng ý gì?

Thủy Thu |

Mới đây, chưa đầy 2 tháng sau khi vận hành căn cứ quân sự hải ngoại Djibouti - TQ gọi là căn cứ hậu cần - quân đội nước này đã lần đầu tiên tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại đây.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin, ngày 21/9 (giờ địa phương), Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lần đầu tiên tổ chức tập trận bắn đạn thật tại trường bắn ở nước ngoài nhằm tìm kiếm mô thức tổ chức huấn luyện ở căn cứ hải ngoại, nâng cao khả năng sử dụng vũ khí và thi hành nhiệm vụ quân sự hóa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Đáng chú ý, cuộc huấn luyện của Trung Quốc diễn ra trước ba ngày cuộc tập trận sơ tán vũ trang đầu tiên của Nhật Bản ở Djibouti. Djibouti hiện là căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất thế giới, các quốc gia như Pháp, Mỹ, Nhật Bản đều đóng quân đồn trú ở Djibouti.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, động thái này của Bắc Kinh là để "cảnh cáo các quốc gia hoặc các phần tử nổi dậy muốn khiêu khích Trung Quốc không nên hành động liều lĩnh".

Nhanh chân tập trận trước quân đội Nhật ở Djibouti 3 ngày, Trung Quốc có dụng ý gì? - Ảnh 1.

Đồ họa: New York Times

Tư lệnh căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti Lương Dương cho biết, lần tập bắn đạn thật này là lần diễn tập thực chiến đầu tiên bên ngoài doanh trại của các tướng lĩnh và binh sĩ Trung Quốc, cũng như góp phần quan trọng mở rộng các hoạt động huấn luyện, mở ra con đường mới cho mô thức đào tạo quân đội ở nước ngoài.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt trả lời Thời báo Hoàn cầu hôm 23/9 nhận định rằng, quân đội Trung Quốc đồn trú ở "căn cứ hậu cần" Djibouti đang đối mặt với tình hình phức tạp. Thứ nhất, căn cứ tọa lạc ở châu Phi - châu lục có nền chính trị bất ổn.

Ngoài ra, theo ông này, xung quanh đều là căn cứ quân sự các nước, có thể nổ ra xung đột bất cứ lúc nào, trong khi lực lượng binh sĩ Trung Quốc ở đây tương đối ít nên PLA nhất định phải duy trì cảnh giác cao độ.

"Tầm quan trọng của lần diễn tập này chính là để chứng tỏ sức mạnh của PLA: PLA không chỉ có vật tư, trang thiết bị và khả năng hỗ trợ hậu cần mà còn có khả năng chiến đấu, có thể lập tức đối phó với mọi tình huống phát sinh", Lý Kiệt bình luận.

Một số ý kiến cho rằng, do nằm ở vị trí đắc địa nên quốc gia nhỏ bé Djibouti đã trở thành địa điểm tập trung hàng loạt "thế lực quân sự toàn cầu" và chính phủ các nước khi xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti "thực chất muốn đạt được mục đích địa chính trị ở khu vực này" thay vì lý do chống nạn cướp biển trước đây.

Đặc biệt, chưa ở đâu trên thế giới mà các lực lượng quân sự của Mỹ và Trung Quốc lại đặt gần nhau như ở Djibouti. Trại Lemonnier (Mỹ) chỉ cách căn cứ quân sự của Trung Quốc khoảng 6,5 km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại