Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Brookings
Châu Âu liệu có “một lòng, một dạ” với Mỹ?
Những cử chỉ ngoại giao trở nên khó khăn hơn trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn đang cố gắng nối lại truyền thống này. Giống như cách nhiều người duy trì những mối quan hệ để tránh “xa mặt cách lòng” trong thời gian phong tỏa, ông Biden đã sắp xếp một cuộc gọi video với các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 25/3 để vạch rõ tầm nhìn của ông với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này.
Đội ngũ của ông Biden ban đầu đã suy nghĩ một cách "ngây thơ" rằng chỉ cần không phải ông Trump là Tổng thống, mối quan hệ giữa Mỹ và EU sẽ khác. Tuy nhiên, điều này đã sớm được chứng minh không còn đúng nữa khi mà EU gấp rút ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc trước khi ông Biden nhậm chức, một động thái mà Mỹ cho là không thân thiện và không giúp ích gì cho quan hệ hai bên. Cây cầu xuyên Đại Tây Dương chỉ được cải thiện cách đây một vài tuần, sau khi các nước EU cùng với Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Hợp sức đối đầu với Trung Quốc có lẽ sẽ hiệu quả hơn việc thực hiện riêng rẽ. Bản thân sự hợp tác này cũng an toàn hơn bởi tác động từ sự đáp trả của Trung Quốc sẽ giảm bớt. Trên thực tế, chính nguyên nhân này đã nhắc nhở Mỹ và EU rằng tại sao ngay từ đầu họ lại hợp tác với nhau.
Chương sử ngắn ngủi khi mà Mỹ không thể bị thách thức đã trôi qua. Tổng thống Biden đang trong quá trình tập hợp đồng minh bởi ông cần họ.
Về phần mình, quyền lực địa chính trị của EU phụ thuộc vào quy mô nền kinh tế của khối này. Thị trường 450 triệu dân đủ lớn để đặt ra các tiêu chuẩn với những mặt hàng như ô tô, điện thoại trong khi các doanh nghiệp quốc tế chịu sự điều chỉnh của luật EU dù không hoạt động ở châu Âu. Dù vậy, "hiệu ứng Brussels" này đang nhạt nhòa dần khi thị phần của EU trong nền kinh tế toàn cầu giảm. Vì thế, một mối quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và EU sẽ giúp ích cho cả hai.
Tuy nhiên, những vấn đề từng khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương gặp căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Trump vẫn tiếp tục tồn tại dưới thời Tổng thống Biden.
Việc ông Trump hối thúc châu Âu dành 2% GDP cho quốc phòng không phải là một ý tưởng của cá nhân ông mà là yêu cầu lâu dài của Mỹ về việc các đồng minh phải tôn trọng các cam kết của mình. Những tuyên bố "Nước Mỹ trên hết" có thể đã trôi qua nhưng nhiều chính sách của quan điểm này vẫn còn đó.
Trong khi đó, vào những ngày này, bất kỳ ai đề nghị làm hồi sinh thỏa thuận thương mại tự do toàn diện Mỹ và EU đều sẽ bị coi là thiếu khôn ngoan bởi hiện giờ, các nhà lãnh đạo EU đều tập trung vào việc bảo vệ thị trường của khối thay vì mở cửa.
Ngoài ra, EU khó có thể có cùng lập trường với Mỹ về Nga bởi khối này không thể đưa ra chính sách chung với một chủ đề về chính mình. Đức vẫn kiên quyết theo đuổi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga, bất chấp việc Tổng thống Biden cho đây là "một thỏa thuận tồi" và Mỹ cảnh báo dự án trên có thể làm suy yếu an ninh năng lượng châu Âu cũng như khiến châu Âu phụ thuộc vào Nga nhiều hơn. Ngoài ra, những khác biệt nhỏ phát sinh cũng có thể khiến quan hệ hai bên thêm căng thẳng. Chẳng hạn, Mỹ và EU có cùng mục tiêu về vấn đề biến đổi khí hậu nhưng sự khác biệt trong phương tiện thực hiện có thể khiến hai bên gia tăng những bất đồng.
Câu hỏi hay câu trả lời?
Các chính trị gia châu Âu vẫn giữ thái độ thận trọng với Mỹ, bất chấp những chuyển biến trong Nhà Trắng dưới thời ông Biden. Những tranh cãi với ông Trump khiến một số nhà lãnh đạo cho rằng EU nên giữ lại những lợi thế địa chính trị của mình, sẵn sàng rời đi như một người chuẩn bị trước tâm lý chia tay trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sự không đáng tin của Mỹ từng khiến EU nhìn nhận lại khả năng của mình và tìm kiếm cái gọi là "tự trị chiến lược", một kế hoạch dẫn đầu bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Về mặt này, một số nước châu Âu nhận ra rằng họ đang phó mặc việc trả lời câu hỏi về sự tồn tại của mình vào Mỹ - một đối tác hiện không thể dựa dẫm hoàn toàn nữa. Với một số nước, Mỹ là câu hỏi nhưng với những nước khác, Mỹ vẫn là câu trả lời.
Những ý tưởng của Pháp về tự trị chiến lược của châu Âu đã vấp phải sự phản đối của Ba Lan và các nước láng giềng vùng Baltic, các quốc gia vẫn coi Mỹ là bức tường thành đáng tin duy nhất đủ khả năng đối phó với Nga. Tuy nhiên, trong những khía cạnh nằm ngoài chính sách an ninh truyền thống, cuộc kiếm tìm tự trị chiến lược của châu Âu đang ngày càng phổ biến. Các quan chức EU đã cân nhắc về việc đưa đồng euro trở thành đồng tiền dự trữ phù hợp hơn, nếu không muốn nói là thay thế đồng USD rồi sau đó khiến Mỹ giảm khả năng sử dụng đồng tiền của mình để chi phối các doanh nghiệp châu Âu.
Nếu như trong Chiến tranh Lạnh, việc chọn phe trở thành tiêu chí để phán xét thì hiện nay, việc thúc đẩy quan hệ thân thiết với Mỹ là một lựa chọn không bắt buộc. Khoảng cách trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã xuất hiện. Với Mỹ, Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các mối lo ngại về an ninh trong khi với châu Âu, Trung Quốc chỉ là một trong nhiều mối đe dọa. Trong một cuộc khảo sát 11 nước châu Âu do Hội đồng Đối ngoại châu Âu tiến hành, hầu hết cử tri đều muốn khối này giữ quan điểm trung lập trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ với Trung Quốc hoặc với Nga. Theo quan điểm này, cuộc tìm kiếm ảnh hưởng địa chính trị của châu Âu không phải là lao vào cuộc đấu giữa các nước lớn mà là thoát khỏi nó.
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hiện nay hòa hợp hơn so với thời cựu Tổng thống Trump là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn sẽ có những trắc trở dưới thời Tổng thống Biden trong mối quan hệ này bởi có những vấn đề thậm chí đã tồn đọng từ trước khi ông Trump trở thành Tổng thống.
Điều thay đổi là nay EU đã muốn tự đưa ra những quyết định của riêng mình về những vấn đề căn bản. Thường thì các mục tiêu độc lập của EU sẽ tương tự như các mục tiêu độc lập của Mỹ bởi những gắn kết về mặt lịch sử và tư tưởng. Tuy nhiên, các mục tiêu này sẽ không còn trùng khớp nhau nữa mà sẽ ngày càng khác biệt, dù là trong các vấn đề lớn hay nhỏ./.