Cùng mua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, 28 người phát hiện "mất trắng" hơn 872 tỷ đồng sau 1 đêm, chuyên gia cho biết: "Ngân hàng cũng là nạn nhân"

Ánh Lê |

Mua chứng chỉ tiền gửi ở ngân hàng với lãi suất cao, nhiều người Trung Quốc tá hỏa khi biết sự thật giả dối đằng sau.

Năm 2021, vụ việc hơn 250 triệu NDT (hơn 872 tỷ đồng ) tiền gửi của khách hàng “biến mất” tại chi nhánh của một ngân hàng ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, đã trở thành chủ đề nóng trên báo chí, làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên các nền tảng MXH của đất nước tỷ dân. Qua điều tra, cảnh sát Trung Quốc phát hiện thủ phạm “ăn cắp tiền” là Lương Kiến Hồng, cựu giám đốc Phòng Kinh doanh Tài chính Cá nhân của chi nhánh ngân hàng nói trên. 

Bà Duẩn quê ở Nam Ninh, Quảng Tây, là một trong những nạn nhân trong vụ việc này. Chia sẻ với Daily News, người phụ nữ này cho biết: “Được hàng xóm giới thiệu, đầu năm 2019, tôi đã tìm đến Lương Kiến Hồng để nhờ xử lý các tài sản xấu. Người này là giám đốc điều hành cấp cao của chi nhánh ngân hàng nên có nhiều đặc quyền. Sau đó, Lương Kiến Hồng giới thiệu với tôi về những chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng có lãi suất cao. Tin lời người này nên tối đã bỏ tiền ra mua rồi phát hiện mình mất trắng sau 1 đêm.”

Lần đầu tiên, bà Duẩn mua chứng chỉ tiền gửi có giá 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng). 3 tháng sau đó, bà rút tiền thành công và nhận được tiền lãi. Sau đó, bà Duẩn tiếp tục mua chứng chỉ giá 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỷ đồng) để kiếm lời nhiều hơn. Tuy nhiên chỉ hơn 1 tháng sau, bà nhận được cuộc gọi của 1 người quen cho biết, sau khi mang biên lai đi rút tiền thì người này được thông báo chứng chỉ tiền gửi là giả và Lương Kiến Hồng cũng đã bị bắt ngay sau đó. Lúc này, bà Duẩn mang chứng chỉ tiền gửi của mình ra ngân hàng kiểm tra thì cũng nhận được kết quả tương tự.

Không chỉ bà Duẩn và người quen nói trên, 26 người khác cũng sa bẫy của vị giám đốc này. Theo Daily News, từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019, Lương Kiến Hồng đã tìm kiếm những khách hàng có tiềm năng và kêu gọi họ mua chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao ở ngân hàng. Theo đó, ngoài lãi suất tiền gửi thông thường, mỗi tháng những khách hàng của Lương còn được trợ cấp thêm 2% lãi suất. 

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên để đạt được điều đó, họ cũng phải đồng ý với những điều kiện của người đàn ông này. Cụ thể, khi khách hàng đăng ký mua chứng chỉ tiền gửi lớn tại ngân hàng, họ phải đặt mật khẩu chứng chỉ tiền gửi theo mật khẩu được chỉ định. Sau khi tiền của nạn nhân được gửi vào ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi phải được niêm phong. Từ đây, Lương Kiến Hồng và cấp dưới họ Thời đã sử dụng chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá lớn đã được làm giả từ trước và tiến hành đổi chứng chỉ tiền gửi thật của khách hàng. Sau đó, họ lấy lý do xác minh danh tính khách hàng và yêu cầu họ giao lại CCCD gốc. Từ những thông tin cá nhân của khách hàng, đối tượng họ Lương đã âm thầm rút hết tiền của họ.

Theo Daily News, Lương Kiến Hồng và anh Thời đã đánh cắp tổng cộng 253 triệu NDT từ tiền gửi của 28 nạn nhân và một số ít đã được trả lại trước khi vụ việc xảy ra. Vào ngày 19/11/2021, Tòa án nhân dân trung cấp Nam Ninh đã đưa ra phát quyết sơ thẩm như sau: Lương Kiến Hồng bị kết án tù chung thân và bị phạt 3,2 triệu NDT (hơn 11 tỷ đồng) vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và giả mạo giấy tờ tài chính. Trước tuyên bố hành vi phạm tội của Lương Kiến Hồng là hành vi cá nhân, những nạn nhân bị mất tiền không chấp nhận điều đó và cho rằng ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Về vấn đề này, Bậc Tường Thụy, Giám đốc ủy ban học thuật kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Luật kinh tế tài chính miền Nam Trung Quốc, cho rằng hành vi phạm tội của Lương Kiến Hồng là “trộm cắp” thay vì “tham ô”. Chuyên gia này chỉ ra rằng tội tham ô là việc nhân viên trong một công ty, xí nghiệp hoặc đơn vị khác lợi dụng chức vụ của mình để chiếm đoạt trái phép tài sản của đơn vị như là của riêng họ. Trong khi đó, tội trộm cắp là chiếm hữu tài sản công và tài sản riêng.

“Nói cách khác, nghi phạm Lương đã lấy trộm tài sản của khách hàng chứ không phải tài sản của ngân hàng. Bản án hình sự cho phép người này trả lại tiền đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Nếu số tiền bồi thường không thể bù đắp được tổn thất, nạn nhân có thể khởi kiện dân sự riêng," Bậc Tường Thụy nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng ở một khía cạnh nào đó, cả khách hàng và ngân hàng đều là nạn nhân và cần phải bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật Trung Quốc. Người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức khi đầu tư tài chính bởi lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần có biện pháp hữu hiệu để tăng cường xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ. Có như vậy, những trường hợp tương tự mới không tiếp diễn. 

 (Theo Guancha)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại