Cục diện Trung Đông sau những “cái bắt tay” giữa Israel và các nước Arab

Ngọc Thạch |

Năm 2020 đánh dấu thay đổi đáng kể trong cục diện chính trị Trung Đông. Hàng loạt nước Arab ký hiệp ước hòa bình với Israel tạo ra đột phá lớn trong 26 năm qua, tính từ thời điểm Israel ký hiệp định hòa bình với Jordan năm 1994...

Thủ tướng Israel Netanyahu nói chuyện với người Arab. Ảnh: Synergia.

Thủ tướng Israel Netanyahu nói chuyện với người Arab. Ảnh: Synergia.

Các thỏa thuận hòa bình này đều là những thành tựu từ vai trò trung gian hòa giải của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, là kết quả của chiến lược dài lâu của Thủ tướng Israel Netanyahu về chủ động giao lưu với các nước Arab đang ngày càng có chung lợi ích và mối quan tâm với Israel, từng bước phá vỡ tình trạng Nhà nước Do Thái bị cô lập tại khu vực trong hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, các thỏa thuận này liệu có tạo ra cục diện hòa dịu mới ở khu vực Trung Đông hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Những thay đổi đáng chú ý nào sau khi Israel ký thỏa thuận hòa bình với 5 nước Arab

Năm 2020 có thể nói là dấu mốc hòa bình lịch sử Arab - Israel. Bởi sau các cuộc xung đột Arab - Israel kết thúc năm 1967 cho tới trước năm 2020, không một quốc gia Arab nào bình thường hóa quan hệ với Israel ngoại trừ Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979 và Jordan ký năm 1994. Như vậy là trong 26 năm qua, Israel và hầu hết các nước Arab luôn căng thẳng, xung đột. Nhưng chỉ chưa đầy 4 tháng cuối năm 2020, hàng loạt các nước Arab đã ký hiệp ước hòa bình với Israel như UAE, Bahrain, Sudan, Marốc, và Oman.

Sự đồng loạt này của các nước, trước hết cho thấy xu hướng hợp tác, xây dựng hòa bình để ổn định, phát triển đang là ưu tiên của các quốc gia Arab. Thứ hai, phía sau các thỏa thuận là vai trò trung gian của Mỹ và Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có nhiều bước đi mang tính quyết định và đột phá. Động thái này vừa thể hiện vai trò của Mỹ trong các vấn đề khu vực, nhưng cũng là để bảo vệ cho đồng minh chiến lược Israel ở Trung Đông. Thứ ba, ngay sau khi các hiệp ước, thỏa thuận hòa bình được ký, Israel đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch. Điều này cho thấy rõ nhu cầu hợp tác phát triển kinh tế vì lợi ích của mỗi bên đang là lựa chọn chiến lược và thay vào đó là khép lại quá khứ, xung đột hay bất đồng. Thứ tư, việc các nước trong khối Arab đơn phương ký thỏa thuận hòa bình với Israel cũng cho thấy xu hướng tự chủ, độc lập của các nước trong các vấn đề nội bộ nhưng cũng cho thấy sự dần thiếu gắn kết của khối Arab, GCC hay Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, trước các vấn đề chung như lãnh thổ Palestine.

Vì sao Saudi Arabia ủng hộ các các nước ký thỏa thuận hòa bình với Israel nhưng để ngỏ khả năng hành động tương tự?

Có xu hướng hòa bình của khu vực nhưng mỗi nước, mỗi bên có những bước đi riêng vì lợi ích của mình và khu vực. Ngay cả 5 quốc gia vừa ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel cũng có những cách làm riêng, thận trọng và gần như chỉ tuyên bố chính thức sau khi Mỹ công bố. Israel cũng làm vậy. Những tuyên bố, công khai hình ảnh của lãnh đạo 5 nước với Israel cũng không khuếch trương hay ầm ĩ. Đó là sự khôn ngoan của các nước trong bối cảnh khu vực còn những quan điểm khác chưa đồng thuận, đó là vấn đề chưa được giải quyết của "người anh em" Palestine v.v.. Và ngay cả động thái này cũng không phải thuận buồm xuôi gió khi mà chính quyền Palestine, nhiều phong trào vũ trang, và Iran phản đối hoặc có những cảnh báo mang tính răn đe.

Song song với việc các nước ký thỏa thuận hòa bình với Israel, dư luận lại theo dõi sát phản ứng, quan điểm của "anh cả" khối Arab là Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Việc Saudi Arabia cho phép máy bay thương mại Israel bay qua không phận nước này tới UAE sau khi UAE và Israel ký thỏa thuận hòa bình có thể coi là một sự ủng hộ ngầm hoặc bật đèn xanh. Chính vì vai trò "anh cả" cả về mặt kinh tế, chính trị và tôn giáo nên Saudi Arabia thận trọng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, Saudi Arabia có cái vướng chính là Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 trong giải quyết xung đột với Israel do nước này đề xuất. Theo đề xuất này, các nước Arab chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nhà nước Palestine được thành lập và Israel rút toàn bộ quân khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng trong Chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ngoài ra, xung đột Israel và Palestine còn là những bất đồng tôn giáo liên quan đến Do Thái giáo và Hồi giáo. Do đó, dễ hiểu Saudi Arabia – cái nôi của Hồi giáo, thận trọng hoặc chưa đưa ra tuyên bố hòa bình nào với Israel.

Triển vọng giải quyết vấn đề Palestine

Theo Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002, các nước Arab vốn chỉ công nhận Israel sau khi thành lập Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới trước cuộc chiến Arab - Israel năm 1967.

Một mặt, thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các nước Arab đang tạo ra cục diện hòa dịu giữa quốc gia Do Thái và thế giới Arab, mặt khác thỏa thuận đó có thể khiến tiến trình quá trình thành lập nhà nước Palestine gặp trở ngại.

Nếu nhìn thẳng vào vấn đề Palestine hiện nay thì có thể nói là ngày càng xấu đi, nhất là dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Donald Trump có cách riêng của mình so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đó trong giải quyết xung đột Palestine và Israel. Đó là công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan (3/2019); công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem và vận động một số nước có động thái tương tự (6/2017). Mỹ cũng cho rằng việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là không trái với luật pháp quốc tế; Công bố “Thỏa thuận thế kỷ” (1/2020) với một số nội dung bị cho là “thiên vị” với Israel trong giải quyết tranh chấp về lãnh thổ với Palestine... Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, Mỹ đóng cửa Phái bộ của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại Washington; ngừng đóng góp tài chính cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Những động thái này đã gây ra phản ứng trái chiều từ người Palestine, nhiều nước Arab và cộng đồng quốc tế.

Với một loạt diễn biến của khu vực vừa qua và với động thái của Mỹ có thể thấy vấn đề Palestine đang được tách riêng và có thể gọi là "đóng băng". Trên thực tế, xung đột Israel - Palestine đã kéo dài nhiều thập kỷ qua mà chưa thể giải quyết, tiến trình hòa bình Trung Đông bị ngưng trệ. Đó cũng là lý do mà các bên trong khu vực dường chưa đặt vấn đề Palestine hay giải quyết xung đột Israel - Palestine lên hàng đầu thay vào đó là thúc đẩy vấn đề riêng như kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục và vấn đề chung của các nước với nhau và hợp tác với Mỹ để đảm bảo cả về an ninh, quân sự, chống khủng bố, ngăn chặn mối đe dọa của Iran.v.v... Hy vọng mong manh cho chính quyền và người dân Palestine trong tương lại gần là tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, người ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Tương quan lực lượng mới ở Trung Đông

Trục chính trị đang xoay theo hướng đối đầu giữa Iran với Israel, Mỹ và các nước Arab trong thời gian tới. Có sự hợp tác cùng có lợi giữa Mỹ, Israel và một số nước Arab trong mối lo ngại về sự đe dọa của Iran, cũng như chương trình hạt nhân của nước này. Các bên đang xích lại gần nhau, hợp tác với nhau vì đang thấy có lợi từ mối quan hệ này để đảm bảo an ninh, kinh tế và ngăn chặn các mối đe dọa. Nhưng cũng phải nhớ rằng Iran vẫn có ảnh hưởng và được sự ủng hộ từ một số quốc gia Arab hay các nhóm, lực lượng vũ trang ở Iraq, Lebanon, Yemen, Syria.v.v.. Trong "trò chơi" này nếu Mỹ càng gây sức ép với Iran, khu vực Trung Đông càng nóng khi các nhóm vũ trang thân Iran và ngay cả Iran cũng đáp trả bằng nhiều phản ứng từ tuyên bố tới, tấn công ủy nhiệm.v.v... Đó là chưa kể tới các tổ chức khủng bố nhóm cực đoan lợi dụng sự bất đồng, xung đột này để châm ngòi kích động. Nếu các bên không thận trọng, kiềm chế trước sự chống phá từ bên ngoài, từ các nhóm khủng bố thì hậu quả là vô cùng lớn, thậm chí là xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trung Đông vẫn sẽ là điểm nóng trên thế giới trong những năm tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại