Cuba sửa đổi hiến pháp, dọn đường cho cải cách

Anh Minh |

Quốc hội Cuba cuối tuần này dự kiến công bố dự thảo sửa đổi hiến pháp để người dân cùng bàn luận và rất có thể sẽ có trưng cầu dân ý.

AP đưa tin, các quan chức Cuba nói hiến pháp mới vẫn duy trì hệ thống lãnh đạo của đảng Cộng sản, nhưng có vẻ lãnh đạo Cuba muốn chấm dứt những xung đột giữa một nền kinh tế cởi mở hơn với hệ thống luật pháp hiện hành. Ví dụ, lệnh cấm mang hai quốc tịch hiện hành đang xung đột với những nỗ lực của chính phủ kêu gọi đầu tư từ cộng đồng người Cuba ở hải ngoại. Các điều luật, định nghĩa về hôn nhân “chỉ xảy ra giữa một người đàn ông và một người đàn bà” đang va đập với phong trào đòi bình đẳng của giới đồng tính. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ đang sử dụng lao động làm thuê cho dù hiến pháp cấm “có thu nhập từ việc bóc lột người khác”.

Hiến pháp hiện hành cũng cho phép hoạt động tổ nhóm kiểu hợp tác xã, nhưng chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Giới chức cho phép các dạng hợp tác xã khác tồn tại, nhưng trong giới hạn ngặt nghèo về tăng trưởng quy mô và hoạt động. Chính vì vậy, lực lượng này chỉ là thành tố phụ trong nền kinh tế.

Ngay cả các lãnh đạo cao cấp nhất của Cuba cũng thấy điều này cần phải thay đổi. Cựu chủ tịch Raul Castro, người mới chuyển giao quyền lực cho cấp phó là Miguel Díaz-Canel, đã đề xuất giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước ở mức 5 năm, giới hạn độ tuổi lãnh đạo. Đây là thay đổi lớn sau thời gian gần 60 năm lãnh tụ Fidel và em trai Raul Castro liên tục lãnh đạo đất nước.

Đổi mới từ từ

“Cuba cần sửa đổi hiến pháp bởi vì xã hội của chúng tôi đã có nhiều đổi thay trong những năm gần đây”, nhà khoa học chính trị người Cuba Lenier Gonzalez nói. Ông cho rằng Cuba ngày càng hòa nhập với thế giới hơn, các hình thức sở hữu đã trở nên đa dạng hơn, các phong trào, xu hướng mới của xã hội xuất hiện nhưng chưa được luật pháp ghi nhận và điều chỉnh.

Báo Granma nói hiến pháp mới có thể thúc đẩy vai trò của quốc hội, hiện chỉ nhóm họp hai ngày trong một năm để nghe các bài diễn văn và phê chuẩn những đề xuất của chính phủ. Tờ báo của đảng Cộng sản Cuba còn nói quốc hội sẽ “chuyên trách” hơn và số lượng đại biểu có thể bị thu hẹp. Hiện này Quốc hội Cuba gồm 605 đại biểu, không được trả lương. Thu nhập của đại biểu quốc hội đến từ công việc khác.

Hiến pháp hiện hành của Cuba đã được phê chuẩn bốn thập kỷ trước, khi Cuba còn là điểm nóng của giai đoạn Chiến tranh lạnh và là một trụ cột trong khối Soviet.

Bình luận về những đổi thay ở Cuba, nhà kinh tế Scott B. MacDonald thuộc công ty tư vấn Smith’s Research & Gradings (Mỹ) cho rằng, đó sẽ là những cải cách từ từ, hoặc ít nhất sẽ không dồn dập trong thời gian ngắn. “Lãnh đạo mới Miguel Díaz-Canel rất có thể sẽ duy trì tính nguyên trạng, chỉ cho phép một số thay đổi nhỏ”, MacDonald viết trên tạp chí National Interest.

Theo nhà nghiên cứu này, Cuba sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong tương lai gần. Lý do: ông Díaz-Canel là người trung thành với Fidel Castro-người theo trường phái cứng rắn. MacDonald cho rằng, điều cần thiết nhất để vực dậy nền kinh tế Cuba là cần phải xem xét lại toàn bộ hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ hầu hết các hoạt động kinh tế của quốc đảo này.

Một trong những thách thức đối với ông Díaz-Canel là sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela tính từ năm 2014, vốn là một chỗ dựa của Cuba, trong khi đó chính quyền Trump thực thi đường lối cứng rắn hơn đối với Cuba. Kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, dòng du khách từ Mỹ đến Cuba (đạt mức đỉnh 619.000 lượt vào năm 2017) sụt giảm đáng kể nếu so với thời ông Barack Obama còn nắm quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại