Cuba cảnh báo 'đảo chính mềm', truyền thông phương Tây cố tình dùng sai ảnh biểu tình

Thùy Dương |

Một số tờ báo phương Tây đã sử dụng ảnh tuần hành ủng hộ Chính phủ Cuba nhưng chú thích ảnh là biểu tình phản đối, trong khi kênh CNN lại dùng ảnh biểu tình ở Miami (Mỹ) và chú thích là biểu tình ở Cuba.

Tờ Guaridan và một số tờ báo phương Tây dùng ảnh có chú thích sai về Cuba. Ảnh chụp màn hình trang của Guardian

Tờ Guaridan và một số tờ báo phương Tây dùng ảnh có chú thích sai về Cuba. Ảnh chụp màn hình trang của Guardian

Theo kênh RT (Nga), bức ảnh trên do phóng viên ảnh AP Eliana Aponte chụp trong một cuộc tuần hành đông đảo ủng hộ chính phủ ở thủ đô La Habana ngày 11/7, song lại có chú thích là biểu tình chống chính phủ.

Bức ảnh này đã xuất hiện nhiều lần trên báo chí phương Tây trong bối cảnh biểu tình do thế lực bên ngoài kích động đang diễn ra ở Cuba.

Dùng lại bức ảnh của AP, nhiều tờ báo cũng mô tả bức ảnh là “biểu tình chống chính phủ”, như The Guardia, Fox News, Financial Times, New York Times, Washington Times và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Riêng Đài VOA còn sai cùng một lỗi trong hai trường hợp.

Cuba cảnh báo đảo chính mềm, truyền thông phương Tây cố tình dùng sai ảnh biểu tình - Ảnh 1.

Chú thích ảnh sai của New York Times.

Nhà báo Ben Norton thuộc trang web tin tức độc lập GrayZone và nhà báo Alan MacLeod của tờ MintPress News là những người đầu tiên phát hiện ra lỗi sai và đã chia sẻ ảnh chụp màn hình một số ví dụ.

MacLeod cho rằng các tờ báo có thể đã cắt dán chú thích ảnh của AP và khiến lỗi sai chú thích ảnh lặp đi lặp lại trên nhiều tờ báo.

Cả hai nhà báo nói trên chỉ rõ lá cờ hai màu đỏ và đen trong bức ảnh mà người biểu tình mang theo có chữ “26 Julio”, liên quan quan tới phong trào ngày 26/7 của lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro. Tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong Cách mạng Cuba và sau đó trở thành đảng chính trị và lá cờ hai màu trở thành biểu tượng ủng hộ Chính phủ Cuba.

Trong số 6 tờ báo dùng lại bức ảnh trên, chỉ có The Guardian đính chính vào thời điểm viết bài, nói rằng đã sửa thông tin chú thích bức ảnh. Tờ báo này đính chính: “Chú thích của hãng thông tấn chụp bức ảnh đã mô tả nhầm người biểu tình là chống chính phủ. Trong thực tế, họ là người ủng hộ chính phủ”.

Ảnh của AP không phải là bức ảnh duy nhất bị hiểu sai trên truyền thông phương Tây. Trên trang Instagram, kênh CNN cũng viết chú thích về một bức ảnh khác, nói rằng bức ảnh chụp hàng nghìn người Cuba biểu tình vì thiếu thực phẩm, thuốc men.

Cuba cảnh báo đảo chính mềm, truyền thông phương Tây cố tình dùng sai ảnh biểu tình - Ảnh 2.

Bức ảnh sai chú thích trên Fox News.

Bức ảnh CNN sử dụng do phóng viên ảnh AFP chụp. Tìm kiếm trên kho ảnh của AFP cho thấy cuộc biểu tình trong ảnh thực ra được tổ chức ở Miami, bang Florida của Mỹ. CNN đã bỏ phần đầu trong chú thích ảnh của AFP. Phần này nói rõ biểu tình diễn ra ở Mỹ.

Sai sót về chú thích ảnh trên truyền thông phương Tây diễn ra giữa lúc làn sóng tin bài đăng thông tin giả và sai lệch tràn lan trên mạng. Nhiều người đăng ảnh đám đông ở Ai Cập, Tây Ban Nha và Argentina để nói về biểu tình ở Cuba. Một số ảnh được hàng nghìn người chia sẻ.

Biểu tình ở Cuba diễn ra từ ngày 11/7, yêu cầu chính phủ giải quyết khẩn vấn đề thực phẩm, thuốc men và điện.

Trong khi đó, Chính phủ Cuba cho biết biểu tình do các thế lực chống phá từ bên ngoài kích động và chỉ thu hút được một số nhỏ những đối tượng chống cách mạng. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết chính các biện pháp trừng phạt, bao vây cấm vận của Mỹ đã gây ra thực trạng trên, nói rằng chính sách bóp nghẹt kinh tế của Mỹ là nhằm kích động bất ổn xã hội ở Cuba.

Ông Diaz-Canel cũng cáo buộc rằng một chiến dịch chống phá cách mạng Cuba đã diễn ra trên các mạng xã hội, nói rằng chiến dịch này đang lợi dụng và khoét sâu các vấn đề và thiếu thốn của Cuba.

Cuba cảnh báo đảo chính mềm, truyền thông phương Tây cố tình dùng sai ảnh biểu tình - Ảnh 3.

Ảnh biểu tình ở Miami được CNN dùng cho bài viết về biểu tình ở Cuba.

Trưởng Ban Tư tưởng của Đảng Cộng sản Cuba, ông Rogelio Polanco Fuentes, cho biết Cuba đang chứng kiến âm mưu phát động “cách mạng màu”, “đảo chính mềm” và so sánh với vụ nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn ở Venezuela năm 2019.

Trong cuộc họp báo ngày 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đã công bố những bằng chứng về chiến dịch thông tin nhằm kích động các hành vi gây bất ổn xã hội tại Cuba ngày 11/7 vừa qua. Bộ trưởng Rodríguez cho biết chiến dịch này dựa trên việc sử dụng những hệ thống công nghệ cao để phát tán tự động những khung hình mác để gắn ảnh đại diện, tạo ra hàng nghìn tài khoản giả để gửi đồng thời hàng loạt trả lời cho những dòng trạng thái mang nội dung kêu gọi “can thiệp nhân đạo” vào Cuba trên các mạng xã hội thông dụng nhất, đồng thời hàng chục lập trình viên đã thay đổi định vị không gian trên các mạng xã hội để tạo cảm giác những lời kêu gọi này xuất phát từ Cuba, khi trên thực tế tuyệt đại đa số chúng xuất phát từ Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba một lần nữa tố cáo Chính phủ Mỹ sử dụng những công nghệ tối tân để gây ra tình trạng bất ổn, phá hoại trật tự hiến pháp, sự đồng thuận xã hội và tình đoàn kết của nhân dân Cuba, đồng thời lên án mạnh mẽ mọi âm mưu lợi dụng những khó khăn và hoàn cảnh phức tạp mà đại dịch COVID-19 gây ra để gây bất ổn tình hình nội bộ của Cuba. Bộ trưởng Rodríguez nhắc lại kêu gọi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận bất công và vô lý chống Cuba.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba cảnh báo cách hành xử này đang gây ra tác hại không chỉ với Cuba mà cả khu vực Caribe. Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định rằng La Habana sẵn sàng phát triển mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, lành mạnh và bình đẳng với Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ cho biết ủng hộ người biểu tình Cuba. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ đang tìm cách hỗ trợ nhân dân Cuba mặc dù không nói chi tiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại