*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Ngày 14/7, dịch COVID-19 tiếp tục có chiều hướng xấu đi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vaccine đang cho thấy hiệu quả trong việc chống lại đại dịch.
Singapore ghi nhận số ca nhiễm nCoV trong cộng đồng cao nhất trong 10 tháng, sau khi phát hiện ổ dịch giữa các nữ tiếp viên và khách hàng của các quán karaoke.
Bộ Y tế Singapore cho biết trong số 56 ca lây lan trong cộng đồng ghi nhận hôm nay, 41 ca liên quan đến ổ dịch từ các quán karaoke. Hồi đầu tuần, bộ này cho biết họ đang điều tra tình trạng lây nhiễm ở các nữ tiếp viên Việt Nam thường lui tới các quán karaoke hoặc hộp đêm. Singapore đang xét nghiệm miễn phí cho những trường hợp có khả năng bị nhiễm virus.
Truyền thông địa phương đưa tin trường hợp đầu tiên liên quan đến ổ dịch là một phụ nữ Việt Nam đi khám hôm 11/7. Singapore chưa mở lại các quán karaoke và hộp đêm. Giới chức cho biết những cơ sở để xảy ra tình trạng lây lan nCoV đã hoạt động như các cửa hàng ăn uống.
Mời độc giả đọc tin đầy đủ tại link dưới:
Tòa án Hiến pháp của Tây Ban Nha, ngày 14/7 (giờ địa phương) đã ra phán quyết rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia, bao gồm biện pháp nghiêm ngặt yêu cầu người dân ở trong nhà để hạn chế làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên vào năm 2020, là vi hiến.
Tình trạng khẩn cấp được chính quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ban hành vào tháng 3 năm ngoái, cho phép chính phủ tạm thời đình chỉ các quyền tự do dân sự và buộc gần như tất cả người dân ở trong nhà, cũng như đóng cửa các ngành nghề, trừ những ngành công nghiệp thiết yếu.
Tờ Daily Mail của Anh ngày 13/7 đưa tin một nhóm các nhà nghiên cứu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu vừa phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 đã lây lan ở Trung Quốc và ở những nơi khác rất lâu trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán của nước này hồi cuối năm 2019.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trường hợp mắc COVID-19 là một phụ nữ Italy. Tháng 11/2019, một tháng trước khi dịch COVID-19 bùng lên tại Vũ Hán, người này đã đến khám tại một bệnh viện ở thành phố Milan (Italy) do bị dau họng và tổn thương da.
Theo tạp chí Dermatology của Anh, hơn 6 tháng sau đó, người phụ nữ trên đã được xác nhận có những dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi các bác sĩ của bệnh viện này tiến hành hai xét nghiệm đối với mẫu da của bệnh nhân này.
Mời độc giả đọc tin đầy đủ tại link dưới:
Nhà Xanh ngày 14/7 thông báo một nhân viên của Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bị nhiễm Covid-19. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 vào cùng ngày khi làm việc ở nhà do vợ/chồng của người này có triệu chứng sốt.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc xác nhận một ca lây nhiễm có liên hệ trực tiếp với văn phòng của Tổng thống Moon Jae In.
Người phát ngôn Nhà Xanh nói nhân viên mắc Covid-19 là quan chức cấp trợ lý thư ký cho Tổng thống, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết hay giới tính người này. Tất cả đội ngũ Nhà Xanh làm việc chung với bệnh nhân đã được làm xét nghiệm Covid-19.
Đáng chú ý, quan chức nói trên đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 nhưng vẫn bị lây nhiễm. Người này không có tiếp xúc gần đây với Tổng thống Moon.
Đến chiều tối nay, 14/7, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 1.615 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, trong đó có đến 1.568 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Số ca mắc mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã duy trì liên tiếp 8 ngày ở mức trên 1.000 ca/ngày.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Lan đã tăng vọt lên hơn 500% trong vòng 1 tuần, cơ quan y tế công cộng của Hà Lan công bố dữ liệu mới đây. Tình trạng tăng cao số ca nhiễm xảy ra sau khi Hà Lan dỡ bỏ gần như tất cả những hạn chế phong tỏa còn lại và cho phép câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại vào cuối tháng 6.
Hà Lan đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa. Ảnh: Reuters
Dữ liệu cập nhật hàng tuần cho thấy gần 52.000 người ở Hà Lan cho kết quả dương tính với Covid-19 trong tuần qua. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên tiếng xin lỗi vì quyết định nới lỏng phong tỏa và cho rằng đó là "lỗi phán đoán".
Ông Rutte đã phải tái thiết lập một số hạn chế nhằm nỗ lực kiểm soát tình trạng nhiễm Covid-19 tăng cao. Các quán bar lại phải đóng cửa vào nửa đêm trong khi sàn nhảy và câu lạc bộ tiếp tục đóng cửa cho tới ngày 13/8.
Indonesia tiếp tục là "tâm dịch" ở Đông Nam Á khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phóng viên TTXVN tại Jakarta ngày 14/7 đưa tin, trong 24 giờ qua Indonesia đã báo cáo thêm 54.513 ca mắc Covid-19 mới và 991 ca tử vong.
Đây là ngày thứ ba liên tiếp Indonesia lập các kỷ lục mới về số ca mắc từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Trước đó 1 ngày, vào ngày 13/7 nước này báo cáo có 47.899 ca mắc mới.
Indonesia hiện ghi nhận tổng cộng 2.670.042 ca nhiễm Covid-19 và 69.210 ca tử vong, đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á.
Nhà chức trách Indonesia đang tiếp tục thiết lập các chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông ở nhiều địa phương được áp lẹnh hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM).
Chính quyền thủ đô Jakarta đã triển khai 100 chốt chặn trên các tuyến đường nội thành và cửa ngõ thành phố. Gần 1.700 binh sĩ, cảnh sát được huy động kiểm soát các điểm trong thời gian từ 6h đến 22h mỗi ngày.
Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được đưa ra nhằm hạn chế dòng người di chuyển trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha ngày 20/7 tới.
Mời độc giả theo dõi tin gốc tại đây
Cuba vẫn đang tích cực khẩn trương chiến đấu với đại dịch Covid-19. Quốc gia vùng Caribe này đã ghi nhận tới 250.527 ca mắc Covid-19 và 1.608 trường hợp tử vong.
Hãng tin Prensa Latina (thông tấn xã chính thức của Cuba) hôm 13/7 đưa tin nước này ghi nhận 5.613 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này tính từ tháng 3/2020 lên mức 250.527 trường hợp.
Người dân Cuba đeo khẩu trang ngừa Covid-19. Ảnh: EPA.
Tiến sĩ Francisco Duran, Giám đốc quốc gia về dịch tễ học của Bộ Y tế Công cộng (MINSAP) của Cuba giải thích trường hợp 29 người tử vong do Covid-19 vào hôm 12/7 là do các biến chứng liên quan đến bệnh này. Với 29 ca tử vong vào hôm 12/7, tổng số ca tử vong đến nay là 1.608 trường hợp.
Vào hôm 12/7, tất cả các phòng thí nghiệm sinh học phân tử của Cuba đã thực hiện 38.721 xét nghiệm PCR theo giờ thực để phát hiện virus SARS-CoV-2. Cho tới nay, Cuba đã thu được tổng cộng hơn 5,6 triệu mẫu xét nghiệm.
Trong cuộc họp báo thường kỳ trên truyền hình, Tiến sĩ Duran nêu rõ: Có 63.155 bệnh nhân Covid-19 nhập viện trên toàn quốc, trong đó có 62.942 người ổn định về lâm sàng, 119 ca bệnh nghiêm trọng, và 94 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Về tiến trình tiêm chủng ngừa Covid-19, nhà dịch tễ học Cuba cho biết nước này hiện đã tiêm 7.507.406 liều các vaccine Soberana 02, Soberana Plus, và Abdala./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Cuba đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ đầu dịch tới nay do sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây nhiễm. Trong tuần từ ngày 5 đến 11/7, số ca mắc mới mỗi ngày tại đây đã là hơn 3.000 người. Từ 11/7 - 14/7, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại quốc gia vùng Caribe này là gần 6.000 người.
Theo Reuters, sự tăng nhanh trong số ca nhiễm Covid-19 tại Cuba đã khiến một số bệnh viện tại khu vực này đứng trên bờ vực của sự khủng hoảng. Quốc gia này vốn luôn tự hào về hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình.
Những kỳ vọng vào vaccine
Được đánh giá là nơi có nền tảng công nghệ y sinh nhiều kinh nghiệm, Cuba đang dốc sức để phát triển cùng lúc 5 loại vaccine Covid-19.
Trung tâm Kiểm soát dược phẩm và thiết bị y tế nhà nước Cuba ngày 9/7 cấp phép khẩn cấp cho vaccine Covid-19 Abdala. Hành động này giúp đẩy nhanh quá trình tiêm phòng trong nước, tạo điều kiện đưa vaccine ra nước ngoài.
Theo tờ Granma, vaccine Abdala do Cuba tự sản xuất có hiệu quả 92,28% trong việc ngăn chặn Covid-19 sau 3 liều tiêm. Dự kiến vaccine Soberana 2 (Cuba) sẽ được cấp phép trong vài tuần nữa.
Hồi tháng 5, Cuba bắt đầu tiêm vaccine Abdala và Soberana 2 cho người dân. Đây là 2 trong số 5 vaccine đang được phát triển trong nước. Hơn 7 triệu trong số 11.2 triệu dân Cuba đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Cuba được cho là nước đầu tiên tại Mỹ Latinh và Caribean phát triển thành công vaccine Covid-19.
Hôm 13-7, Nga báo cáo thêm 780 người tử vong Covid-19, lập kỷ lục về số ca tử vong Covid-19 hằng ngày mới.
Theo Reuters, số ca tử vong hằng ngày ở Nga hôm 13-7 là cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Ngoài 780 ca tử vong, Nga cũng ghi nhận 24.702 ca mắc Covid-19 mới trên toàn quốc hôm 13-7.
Số ca tử vong Covid-19 ở Nga liên tiếp đạt kỷ lục buồn bất chấp nỗ lực của chính quyền Moscow nhằm kiềm chế làn sóng dịch Covid-19 thứ ba đang lây lan mạnh. Nga hiện là nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng thứ năm thế giới và chứng kiến biến thể Delta hoành hành trong những tuần gần đây.
Song song đó, kế hoạch tiêm phòng Covid-19 của Nga diễn ra chậm chạp vì người dân tỏ ra hoài nghi về vắc-xin. Một cuộc thăm dò độc lập hồi tuần trước cho thấy 54% người Nga không định tiêm vắc-xin Covid-19.
Nga hiện là nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng thứ năm thế giới. Ảnh: Reuters
Sau khi nhà chức trách bắt buộc hầu hết công nhân phải tiêm phòng cùng một loạt biện pháp khác, nhiều người - đặc biệt là ở thủ đô Moscow - đã được tiêm vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin chưa tiêm phòng bắt buộc cho tất cả nhóm dân số.
Trang web Gogov thống kê tính đến hôm 13-7, chỉ có 13% trong số 146 triệu người dân Nga được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ.
Tổng số ca tử vong và ca mắc Covid-19 tại Nga đang ở mức 144.492 và 5.833.175 ca, còn số trường hợp phục hồi là 5.236.214, theo trang web worldometers.info.
London yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19-7. Ảnh: AP
Tại Anh, Thị trưởng London Sadiq Khan yêu cầu những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở thủ đô vẫn phải đeo khẩu trang sau ngày 19-7 - thời điểm dỡ bỏ mọi hạn chế về Covid-19.
Ông Khan tuyên bố không muốn đặt cư dân London vào tình thế nguy hiểm vì không đeo khẩu trang.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Grant Shapps tuần trước chia sẻ rằng ông "không cảm thấy vấn đề gì" nếu các hãng hàng không, công ty tàu hoả và nhà khai thác xe buýt áp đặt những quy tắc liên quan đến Covid-19 của riêng họ, bao gồm đeo khẩu trang, sau ngày 19-7.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi công chúng tập thể dục "có trách nhiệm" và tiếp tục đeo khẩu trang trong "không gian đông người và kín".
Theo kênh CNN, các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm tìm kháng thể COVID-19 trong mẫu máu của 5.000 người tại thủ đô Jakarta từ 15 đến 31/3. Kết quả vừa được công bố vào ngày 10/7 cho thấy có đến 44,5% mẫu máu xuất hiện kháng thể. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã mắc COVID-19 trước đó.
Đây là nghiên cứu được 4 đơn vị thực hiện, bao gồm Văn phòng Y tế tỉnh tại Jakarta, Khoa sức khỏe cộng đồng của Đại học Indonesia, Viện Sinh học Phân tử Eijkman và các nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) làm việc tại Indonesia.
Dân số tại Jakarta là 10,6 triệu người. Theo các nhà nghiên cứu, tính đến 31/3, rất có thể 4,7 triệu người đã mắc COVID-19 trong khu vực.
"Qua cuộc khảo sát này, chúng tôi có thể ước tính tỷ lệ người dân tại Jakarta nhiễm virus SARS-CoV-2", hãng thông tấn Antara dẫn phát biểu của ông Widyastuti – người đứng đầu Văn phòng Y tế tỉnh tại Jakarta – trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 10/7.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến 31/3, thủ đô Jakarta ghi nhận trên 382.000 ca mắc COVID-19. Đến 13/7, con số đã nhảy vọt lên 689.243 người. Là một trong những ổ dịch COVID-19 tồi tệ nhất châu Á, Indonesia đang phải vật lộn đối phó với làn sóng đại dịch mới khi ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới và 1.000 trường hợp tử vong mỗi ngày.
Các bệnh viện trên toàn quốc, đặc biệt là trên đảo Java có thủ đô Jakata – hiện đứng trước nguy cơ sụp đổ vì thực trạng quá tải.
Thái Lan hôm 12/7 gây chú ý với quyết định sẽ tiêm kết hợp vắc xin Sinovac và AstraZeneca để tăng cường khả năng bảo vệ trước những biến chủng nguy hiểm của virus. Theo đó, những người đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên Sinovac của Trung Quốc thì sẽ tiêm liều thứ hai là loại vắc xin AstraZeneca của Anh.
Chính phủ nước này cũng có kế hoạch tiêm vắc xin mRNA (gồm Plizer và Moderna của Mỹ) tăng cường liều 3 cho các lực lượng tuyến đầu đã tiêm 2 mũi vắc xin Sinovac. Theo nguồn tin, trong khi vắc xin AstraZeneca hiện đang có sẵn trong kho tại Thái Lan (cùng với Sinovac), vắc xin Pfizer do Mỹ tài trợ sẽ sớm được nhập về.
Nói về chính sách mới này, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, mục tiêu là nhằm tăng cường khả năng chống lại biến chủng Delta và tạo kháng thể chống virus tốt hơn. Bộ trưởng Charnvirakul cũng cho biết, liều AstraZeneca thứ hai sẽ được tiêm trong khoảng thời gian 3 hoặc 4 tuần sau mũi Sinovac đầu tiên.
Đây là chiến lược tiêm kết hợp hai loại vắc xin Trung Quốc và phương Tây đầu tiên.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo không nên tiêm kết hợp vắc xin Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau vì còn ít dữ liệu về việc này.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đại học Oxford của Anh được công bố hồi cuối tháng 6, người tiêm mũi đầu tiên là AstraZeneca và mũi 2 là Pfizer sẽ sản sinh lượng kháng thể nhiều hơn người tiêm 2 liều vắc xin AstraZeneca.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, 66 tuổi, là nhà lãnh đạo mở đường cho khuyến nghị tiêm kết hợp vắc xin Covid-19 khi hồi tháng 6, bà đã tiêm mũi vắc xin thứ hai của Moderna, sau khi tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca.
Nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, đang hướng sự chú ý sang trường hợp một phụ nữ Italia bí ẩn, bị nghi là "bệnh nhân số 0".
Nữ bệnh nhân 25 tuổi đến bệnh viện Milan với các triệu chứng như đau họng và tổn thương da vào tháng 11.2019 – một tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Các mẫu da thu thập được ở thời điểm này cho thấy người phụ nữ có dấu hiệu nhiễm Covid-19. Mẫu máu thu thập vào tháng 6.2020 cũng cho thấy trong cơ thể người phụ nữ đã hình thành kháng thể virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu của WHO quan tâm đến trường hợp nữ bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 ở Italia từ tháng 11.2019.
Các nhà khoa học cho rằng, trường hợp trên là dấu hiệu cho thấy virus có thể đã xuất hiện ở Trung Quốc hoặc quốc gia khác, trước khi bùng phát tại chợ hải sản Hoa Nam vào tháng 12.2019.
Nghiên cứu sâu hơn về trường hợp nữ bệnh nhân Italia có thể giúp giải mã bí ẩn về nguồn gốc Covid-19. Vấn đề là không ai biết danh tính của người phụ nữ này.
Tờ Wall Street Journal (WJS) dẫn nguồn tin từ bệnh viện Policlinico ở thành phố Milan, cho biết bệnh viện không lưu trữ thông tin về nữ bệnh nhân này do khi đó không lường trước về một đại dịch sắp xảy ra.
Raffaele Gianotti, bác sĩ da liễu đã trực tiếp điều trị cho nữ bệnh nhân, đã qua đời vào tháng 3 năm nay, trước khi nhóm điều tra của WHO có thể thu thập thêm thông tin
Vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson có thể gây ra hội chứng Guillain-Barre, chứng rối loạn tự miễn hiếm gặp tấn công các dây thần kinh và có thể dẫn đến tê liệt.
Đây là cảnh báo do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra.
Cụ thể, khoảng 100 người tiêm vaccine COVID-19 đơn liều của Johnson & Johnson trong thời gian gần đây đã xuát hiện hội chứng Guillain-Barre (còn gọi là bệnh viêm đa dây thần kinh , chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên, gây cảm giác suy yếu hoặc tê buốt ở hai chân và lan rộng dần, cho tới khi người bệnh gần như bị liệt hoàn toàn - PV). FDA cho biết, 95 trường hợp trong số này đã phải nhập viện điều trị. Theo FDA, một người tiêm vaccine Johnson & Johnson đã tử vong vì rối loạn Guillain-Barre.
Trong số những người mắc hội chứng Guillain-Barre, có nhiều bệnh nhân là nam giới từ 50 tuổi trở lên và hầu hết các trường hợp xuất hiện và phát triển triệu chứng bệnh trong trong vòng 6 tuần sau khi họ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson, theo CDC. Được biết, khoảng 12,8 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine Johnson & Johnson.
Hãng sản xuất vaccine Johnson & Johnson đã đưa ra một tuyên bố cho biết, công ty này ủng hộ mạnh mẽ việc "nâng cao nhận thức" về "các dấu hiệu và triệu chứng của những tác dụng phụ hiếm gặp" để đảm bảo rằng, các biến chứng có thể được xác định nhanh chóng và điều trị đúng cách. Johnson & Johnson cho biết, nguy cơ mắc bệnh Guillain-Barre sau khi tiêm vaccine "vượt quá tỷ lệ nền ở một mức độ nhỏ", có nghĩa là nó cao hơn so với tỷ lệ xuất hiện rối loạn trung bình.
Khoảng 12,8 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine Johnson & Johnson. (Ảnh: AP)
Johnson & Johnson coi vaccine do hãng sản xuất như một "công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 trên toàn cầu" và nhấn mạnh về lợi thế của một loại vaccine chỉ cần tiêm một mũi này. Tuy nhiên, cảnh báo mới của FDA đã tiếp tục đánh dấu một bước lùi đối với vaccine của Johnson & Johnson, trước đó đã bị tạm ngừng sử dụng vào tháng 4 do lo ngại loại vaccine này có thể gây ra tình trạng cục máu đông nguy hiểm.
Cổ phiếu của Johnson & Johnson đã bị giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 12/7 tại Sở giao dịch chứng khoán New York sau khi FDA công bố thông tin trên.
Tuy nhiên, FDA khuyến nghị tiếp tục sử dụng sản phẩm vaccine này bởi dựa trên đánh giá của tất cả các dữ liệu có sẵn, tiềm năng và lợi ích của vaccine Johnson & Johnson vẫn lớn hơn những rủi ro đã biết và còn tiềm ẩn.
Bài viết được dẫn lại từ:
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, xét nghiệm axit nucleic của hơn 30.000 người dân Triều Tiên đến nay đều cho kết quả âm tính, Triều Tiên vẫn chưa có ca mắc Covid-19 nào.
Báo cáo công bố hôm 13/7 của WHO cho thấy, xét nghiệm axit nucleic của 718 người dân Triều Tiên mới đây đều cho kết quả âm tính, mặc dù trong số này có 127 trường hợp có các triệu chứng tương tự như bệnh cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 32.512 người Triều Tiên xét nghiệm axit nucleic và tất cả đều cho kết quả âm tính.
Công nhân ở Bình Nhưỡng sản xuất khẩu trang - Ảnh: AFP
Tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên mới đây cũng cho biết, các trường học tại thành phố Sinuiju – khu vực biên giới Triều Tiên và Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động giảng dạy trong điều kiện chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Triều Tiên là vẫn còn tuy nhiên ở mức độ không cao.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch thì đến ngày 24/4 vừa qua, Triều Tiên mới chính thức cho phép mở lại các hoạt động giảng dạy tập trung.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên nằm trong số ít quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào, tuy nhiên các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt phòng, chống dịch cũng khiến nền kinh tế Triều Tiên chịu ảnh hưởng nặng.
Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng cho biết, Triều Tiên có thể thiếu 860 nghìn tấn lương thực trong năm 2021 và nước này có thể đối mặt với khủng hoảng thiếu lương thực trong giai đoạn từ tháng 8-10 năm nay nếu không nhập khẩu hoặc nhận viện trợ từ bên ngoài./.
Bài viết được dẫn từ:
Trường Đại học Tel Aviv của Israel ngày 13/7 đã công bố một nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể đối với bệnh COVID-19 của nam giới khác biệt so với nữ giới. Ngoài ra, mức độ kháng thể cũng sẽ thay đổi tùy theo nhóm tuổi, mức độ bệnh nặng nhẹ và thời gian sau tiêm chủng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu trên do Giáo sư Noam Shomron thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia đến từ Trung tâm Y tế Shamir. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 26.000 đối tượng cả nam và nữ, thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó bao gồm cả các bệnh nhân đang điều trị COVID-19, những người đã tiêm chủng và người chưa được tiêm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số những người đã được tiêm phòng, phụ nữ tuổi từ 51 trở lên có độ kháng thể trong máu cao hơn nhóm phụ nữ trẻ tuổi và cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi. Giới nghiên cứu cho rằng hiện tượng này có thể là do hormone estrogen, thường xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi này, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Còn ở nam giới, sự gia tăng độ kháng thể với COVID-19 bắt đầu với lứa tuổi trẻ hơn, từ khoảng 35 tuổi trở đi. Nguyên nhân cũng có thể là do sự thay đổi nồng độ hormone sinh dục nam testosterone gia tăng trong độ tuổi này.
Đối với người trưởng thành ở lứa tuổi dưới 35, độ kháng thể với COVID-19 là do nhóm tuổi này có hệ miễn dịch tốt. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ có số lượng kháng thể nhiều gấp 4 lần so với người tiêm 1 mũi.
Bài viết được dẫn nguồn từ:
Ảnh minh hoạ: Reuters
Cơ quan chức năng Malaysia ngày 13/7 cho biết một trung tâm tiêm phòng COVID-19 ở nước này đã được lệnh đóng cửa để khử trùng sau khi hơn 200 tình nguyện viên và nhân viên dương tính với SARS-CoV-2.
Theo Reuters, ổ dịch COVID-19 mới được phát hiện tại một trung tâm tiêm chủng ở Selangor, sau khi 204 nhân viên và tình nguyện viên nhận kết quả dương tính.
Cơ sở này có công suất khoảng 3.000 mũi tiêm/ngày. Khoảng 88% nhân viên trung tâm đã được chủng ngừa.
Trước đó, trung tâm đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt đối với toàn bộ 453 nhân viên vào ngày 10/7.
Tất cả những người nhận kết quả dương tính đã bị cách ly, và một nhóm nhân viên mới sẽ tiếp quản công việc sau khi trung tâm tiêm chủng này đóng cửa một ngày để khử trùng.
Ngoài ra, những người đã đến tiêm phòng tại trung tâm này từ ngày 9 đến 12/7 được khuyến cáo nên tự cách ly 10 ngày.
"Do số lượng ca nhiễm cao nên chúng tôi khó xác định nguồn lây", ông Khairy Jamaluddin, một quan chức Malaysia cho biết. "Nhưng tin tốt là hầu hết những người dương tính đều có tải lượng virus thấp, do hầu hết đã được tiêm phòng. Những người này không có triệu chứng gì nghiêm trọng."
Đây là lần đầu tiên một trung tâm tiêm chủng ở Malaysia phải đóng cửa vì bùng phát COVID-19.
Cũng trong ngày 13/7, Malaysia đã báo cáo 11.079 ca mắc COVID-19 mới , cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần đầu tiên Malaysia ghi nhận mức tăng năm con số. Kỉ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 10/7, với 9.353 ca.
Từ ngày 1/6 đến nay, Malaysia đã áp dụng lệnh phong toả toàn quốc, nhưng số ca bệnh chưa có dấu hiệu giảm.
Với tổng cộng 855.949 ca bệnh, Malaysia là một trong những quốc gia có tỷ lệ số ca bệnh trên đầu người cao nhất Đông Nam Á, nhưng cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, với 25% trong số 32 triệu dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19.
Bài viết được dẫn nguồn từ:
Lô 2 triệu liều vắc-xin Moderna vừa được Mỹ chuyển cho Việt Nam. (Ảnh: ĐSQ Mỹ)
Đến nay, Việt Nam đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều và đang đàm phán mua 55 triệu liều nữa.
Theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, Việt Nam đặt mục tiêu 150 triệu liều vắc-xin để tiêm phòng cho 70% dân số.
Đến nay, Việt Nam đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều (38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam), và đang đàm phán mua 55 triệu liều (40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ).
Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã tích cực vận động chính phủ các nước và các hãng sản xuất bán vắc-xin cho Việt Nam và đẩy sớm thời gian chuyển giao vắc-xin cho ta. Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc trong và ngoài nước, lần nào các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cũng đề cập vấn đề hợp tác vắc-xin cũng như tiếp cận nguồn vắc-xin của các đối tác.
Việc vận động này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh khan hiếm vắc-xin toàn cầu hiện nay. Trên cơ sở vận động và đàm phán tích cực, quyết liệt, chỉ trong hơn một tháng qua số lượng vắc-xin ta tiếp nhận đã tăng lên đáng kể.
Tính đến ngày 12/7 vừa qua, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vắc-xin; sắp tới sẽ tiếp tục nhận thêm từ các nguồn đã đàm phán mà các nước và hãng sản xuất đồng ý chuyển giao sớm cho ta cũng như từ các nguồn hỗ trợ của các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế.
Công tác ngoại giao vắc-xin đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây:
Nước Pháp đang ghi nhận số người đăng ký đi tiêm vaccine Covid-19 cao kỷ lục sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra lệnh siết chặt các quy định liên quan đến việc áp dụng mở rộng giấy thông hành y tế sang hầu hết mọi hoạt động kinh tế-xã hội.
Nước Pháp đang chứng kiến số lượng người dân đăng ký tiêm vaccine Covid-19 cao nhất kể từ khi tiến hành chiến dịch tiêm chủng vào cuối năm 2020. Theo số liệu từ Cơ quan y tế quốc gia Pháp, được Thủ tướng Pháp Jean Castex công bố, riêng trong ngày 13/7, đã có 792.339 người dân Pháp trong các độ tuổi đi tiêm mũi vaccine đầu tiên, con số hàng ngày cao nhất từ trước đến nay.
Pháp đã thông báo một loạt các quy định mới về y tế, trong đó có việc áp dụng mở rộng “giấy thông hành y tế” trong nhiều hoạt động kinh tế-xã hội. Ảnh: Le Monde
Stanislas Niox-Chateau, người đồng sáng lập và điều hành Doctolib, ứng dụng đặt hẹn y tế lớn nhất tại Pháp, cho biết, chỉ riêng trong tối ngày 12/7, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc bài diễn văn trên truyền hình, đã có tới 926.000 lịch hẹn tiêm vaccine được đặt trên Doctolib, cao gấp đôi con số đặt hẹn của ngày cao nhất trước đó là hôm 11/5/2021. Tính trong vòng 24 giờ kể từ bài diễn văn của ông Macron, tổng cộng đã có 1,7 triệu lịch hẹn được đặt.
Việc người dân Pháp đổ xô đặt hẹn tiêm vaccine là do trong bài diễn văn tối ngày 12/7, Tổng thống Pháp Macron đã thông báo một loạt các quy định mới về y tế, trong đó có việc áp dụng mở rộng "giấy thông hành y tế" trong nhiều hoạt động kinh tế-xã hội tại Pháp. Theo quy định này, kể từ ngày 21/7, mọi người dân Pháp trên 18 tuổi bắt buộc phải xuất trình giấy thông hành y tế, trong đó ghi rõ đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, hoặc có xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ, hoặc đã mắc Covid-19 và đã hồi phục, mới được phép tham dự các sự kiện có trên 50 người hoặc đến các địa điểm văn hóa như rạp chiếu phim, bảo tàng.
Đến đầu tháng 8/2021, giấy thông hành y tế sẽ là điều kiện bắt buộc để đến nhà hàng, trung tâm thương mại hay đi siêu thị. Riêng đối tượng là nhân viên y tế hoặc trẻ em từ 12 đến 17 tuổi sẽ được hoãn đến ngày 30/08 mới phải áp dụng quy định này.
Quy định này ngay lập tức buộc nhiều người Pháp chưa tiêm vaccine phải nhanh chóng đặt hẹn đi tiêm, do theo quy định y tế, hai mũi tiêm tại Pháp cách nhau tối thiểu 3 tuần và phải ít nhất 1 tuần sau mũi tiêm thứ hai, người tiêm mới được cấp giấy thông hành y tế đủ điều kiện, tức là những người tiêm mũi đầu tiên trong tuần này sẽ phải chờ ít nhất 1 tháng nữa mới có giấy thông hành y tế hợp lệ. Trong ngày 13/7, hầu hết các trung tâm tiêm chủng lớn tại Pháp đều chứng kiến số người đến tiêm tăng vọt.
Ông Jean-Michel Fourgous, Giám đốc Trung tâm tiêm chủng tại thành phố Saint-Quentin, ngoại ô phía Tây thủ đô Paris, cho biết: "Thường thì chúng tôi chỉ có khoảng 30 người đến tiêm mỗi ngày và không cần đặt hẹn nhưng hiện nay là khoảng 300 người mỗi ngày, tức là cao gấp 10 lần".
Theo ông Stanislas Niox-Chateau, người điều hành ứng dụng Doctolib, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới: "Vào lúc cao điểm, chúng tôi có đến 20.000 cuộc đặt hẹn mỗi phút. Việc này chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới vì các trung tâm tiêm chủng đang đưa lên mạng rất nhiều suất tiêm hàng ngày, hàng giờ".
Mặc dù các quy định mới đang gây ra rất nhiều tranh cãi nhưng nhiều chuyên gia y tế tại Pháp cho rằng, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra các quy định mang tính ép buộc vào thời điểm này là cần thiết vì biến thể virus Delta đang khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Pháp tăng lên nhanh chóng.
Trong ngày 13/7, Pháp ghi nhận trên 6.900 ca mắc mới, con số cao nhất trong hơn tháng qua. Tại một số địa phương, như quanh thủ đô Paris, biến thể Delta đã chiếm đến gần 3/4 số ca nhiễm mới./.
Bài viết được dẫn nguồn từ:
Dự kiến, thời gian tới, hàng loạt các địa phương khác của Trung Quốc cũng sẽ triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng trên.
Căn cứ theo chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi theo 03 bước. Bước thứ nhất, sẽ hoàn thành tiêm mũi vaccine đầu tiên cho nhóm đối tượng từ 15-17 tuổi trong tháng 7 này; bước thứ hai sẽ hoàn thành tiêm mũi vaccine đầu tiên cho nhóm đối tượng từ 12-14 tuổi trong tháng 8, đồng thời hoàn thành tiêm mũi vaccine thứ hai cho nhóm đối tượng từ 15-17 tuổi; bước cuối cùng là đến cuối tháng 10, sẽ hoàn thành toàn bộ các mũi tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc mới đây thông báo, kể từ ngày 1/8 tới, Kinh Châu sẽ tập trung tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi và nhóm đối tượng trên 60 tuổi, đồng thời yêu cầu đến trước ngày 31/7, công dân thuộc nhóm tuổi từ 18-59 cần hoàn thành việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Bài viết được dẫn nguồn từ:
Ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đang tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm, với số ca mắc mới mỗi ngày tăng gấp đôi trong 3 tuần qua. Nguyên nhân được cho là do biến thể Delta lây lan nhanh, tỷ lệ tiêm chủng chậm lại và do nhiều người đã tụ tập ăn mừng ngày 4/7.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm mới được xác nhận đã tăng lên mức trung bình khoảng 23.600 ca một ngày trong ngày 13/7, tăng từ 11.300 vào ngày 23/6. Ngoại trừ 2 tiểu bang Maine và Nam Dakota, các tiểu bang khác đều ghi nhận số trường hợp nhiễm bệnh đã tăng trong 2 tuần qua.
Tiến sĩ Bill Powderly, giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Trường Y của Đại học Washington, cho biết số ca nhiễm tăng cao là điều họ đã dự đoán trước.
Trên toàn quốc, 55,6% tổng số người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng Dịch bệnh. 5 tiểu bang có số mắc bệnh trên đầu người tăng cao nhất trong hai tuần đều có tỷ lệ tiêm thấp hơn: Missouri, 45,9%; Arkansas, 43%; Nevada, 50,9%; Louisiana, 39,2%; và Utah, 49,5%.
Dù vậy, số ca nhiễm mới ở Mỹ vẫn không cao bằng đợt đỉnh dịch với 250.000 ca nhiễm mới một ngày hồi tháng 1. Số ca tử vong chỉ còn dưới 260 ca một ngày so với số cao nhất là 3.400 ca một ngày hồi mùa đông năm ngoái - đây là minh chứng cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh và tử vong ở các bệnh nhân COVID-19.