Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản thông qua việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt.
Đây là động thái tưởng chừng bất ngờ nhưng lại được nhiều người dự đoán trước, bởi lẽ trong số 3 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần thì Vietcombank và BIDV đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt xong xuôi, chỉ còn VietinBank là chậm chân hơn.
Theo thông báo phát đi ngày 2/12 của VietinBank, ngân hàng sẽ chốt ý kiến cổ đông về việc chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt vào ngày 30/12/2016. Mà chiếu theo thường lệ, hễ cứ xin ý kiến cổ đông thì kiểu gì cũng…được thông qua.
Như vậy, thay vì giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn tự có (nếu không trả cổ tức thì vốn tự có vào khoảng 61,3 nghìn tỷ đồng) để tăng thêm năng lực tài chính, VietinBank sẽ phải dành ra vài nghìn tỷ đồng để trả cho cổ đông.
Nâng vốn cấp 1 gần như là không thể trong năm 2016
VietinBank phải trả cổ tức tiền mặt là chuyện “ngoài ý muốn” của ngân hàng. Vì theo nội dung đã được cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 thì ngân hàng sẽ không chia cổ tức 2015 mà giữ lại để tăng vốn trong bối cảnh phải thực hiện theo tiêu chuẩn Basel II và tăng năng lực tài chính trước làn sóng hội nhập ồ ạt.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không đồng ý kế hoạch này mà yêu cầu cả VietinBank và BIDV (ban đầu dự định trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn) phải thanh toán cổ tức bằng tiền mặt.
Cơ quan quản lý gọi, BIDV đã trả lời bằng việc đồng ý thanh toán cổ tức trong quý 4 này với khoảng 2.700 tỷ đồng bỏ ra, đến lượt VietinBank cũng phải hành động tương tự trong thời gian còn lại của năm nay và đầu năm 2016.
VietinBank dù chưa thông báo về việc sẽ trả cổ tức bao nhiêu, nhưng nhiều khả năng cũng phải nhìn ngân hàng bạn là Vietcombank (10%) và BIDV (8,5%) để hành động. Năm 2015, riêng ngân hàng VietinBank lãi sau thuế 5.718 tỷ đồng.
Việc phải trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt gây khó cho VietinBank trong bối cảnh nhà băng này đang rất “khát” tăng vốn khi thời gian áp dụng tiêu chuẩn Basel II chẳng còn bao lâu nữa.
Theo tính toán của các chuyên gia, áp dụng cả 3 trụ cột của Basel II vào quản trị rủi ro, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt sẽ giảm ít nhất 15 – 20% so với hiện hành (phân loại rủi ro theo Thông tư 36 và 06), thậm chí tới 30% nếu ngân hàng nào không kiểm soát chặt chẽ.
Cuối năm 2015, CAR của VietinBank dừng ở mức 10,58% và hiện khoảng 11% trong khi CAR theo yêu cầu của Basel II phải trên 8%.
Kế hoạch giữ lại cổ tức lỡ dở, một trong hai kế hoạch còn lại đã đưa ra đầu năm để nâng vốn cấp 1 đó là nhận sáp nhập xong PGBank để tăng thêm vốn khoảng 3.000 tỷ đồng song kế hoạch này có vẻ như cũng bất thành trong năm nay khi thời gian còn lại của 2016 chỉ còn có 4 tuần và đến thời điểm này ngân hàng cũng chưa có bất kỳ thông tin mới nào liên quan đến thương vụ M&A vốn đã bị trì hoãn nhiều lần.
Còn một hướng các ngân hàng có thể tăng được vốn cấp 1 đó là phát hành thêm riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, hay nói cách khác là giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nhưng với VietinBank thì không áp dụng được do sở hữu Nhà nước hiện đã ở mức tối thiểu cho phép (gần 65%).
Chính vì vậy, kế hoạch nâng vốn cấp 1 của VietinBank chắc chắn là không thể trong năm nay.
Theo chân Vietcombank và ACB phát hành trái phiếu
Cửa này bít lại thì sẽ có cửa khác mở ra. Để tăng được CAR, ngân hàng đã không thể nâng vốn cấp 1 trong ngắn hạn thì hoàn toàn có thể dùng đến phương án 2 qua việc giảm tổng tài sản, giảm cho vay hoặc phát hành trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm.
Tuy nhiên, trong số các phương án để nâng vốn cấp 2, chẳng ai dại gì đi chủ động giảm cho vay hay giảm tài sản. Chính vì thế, việc phát hành trái phiếu, dù với chi phí là lãi suất huy động cao, thì ngân hàng vẫn phải thực hiện và đây là "cửa thoát hiểm" cho ngân hàng ngay lúc này. Hơn thế, “room” vốn cấp 2/vốn cấp 1 của VietinBank hiện ở mức 38% (tối đa là 50%) cũng đang ủng hộ điều đó.
Tất nhiên, phát hành trái phiếu không phải là động thái duy nhất để giúp ngân hàng cải thiện CAR. Song song đó VietinBank cũng cần đẩy nhanh lộ trình nhận sáp nhập PGBank để kịp tăng vốn trong năm sau thêm vài nghìn tỷ nữa.
Việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 gần đây cũng đã được Vietcombank và ACB – hai thành viên trong số 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II - thực hiện song song cùng gọi vốn cấp 1.
Trong đó, Vietcombank đang phát hành 2.000 tỷ đồng trái với lại suất đảm bảo luôn cao hơn 1% so với trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Trước đó, NHNN đã cho phép Vietcombank phát hành trái phiếu bằng nội tệ năm 2016 với tổng mệnh giá là 8.000 tỷ đồng.
Hay như ACB cũng vừa công bố phát hành trái phiếu đợt 2 của năm nay với tổng 1.500 tỷ đồng. Trước đó hồi tháng 7 ngân hàng đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2 với lãi suất bình quân cộng biên độ 2% với lãi suất kỳ đầu tiên 30/06/2016-30/06/2017 là 8,5%/năm.
Trở lại với VietinBank, với các điều kiện hiện tại, chắc chắn ngân hàng này sẽ phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.
Điều này được củng cố bởi dù chưa có thông báo chính thức, song mới đây ngân hàng đã tiết lộ ý định qua việc lựa chọn công ty con là công ty chứng khoán VietinBankSC là đại lý phát hành, đại lý đăng ký và đại lý thanh toán các loại trái phiếu trung dài hạn của ngân hàng, đồng thời nói rõ các trái phiếu này sẽ phát hành trong tháng 12/2016.