Đã khá lâu rồi, TTCK Việt Nam mới trải qua giai đoạn thăng hoa như 8 tháng đầu năm 2016. Trong khoảng thời gian đó, chỉ số VnIndex có thời điểm leo lên mốc 680 điểm – mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Sự sôi động của TTCK đã hấp dẫn không ít nhà đầu tư tham gia thị trường. Anh Hùng, nhân viên một ngân hàng lớn tại Hà Nội cũng tranh thủ nhịp sóng lên để tham gia đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.
Với kinh nghiệm làm việc cũng như những hiểu biết trong ngành ngân hàng, anh Hùng quyết định lựa chọn nhóm “Big 3” bao gồm Vietcombank (VCB), BIDV (BID) và Vietinbank (CTG) cho mục đích đầu tư với kỳ vọng sóng ngân hàng sẽ trở lại như trong năm 2015.
Tuy vậy, thực tế diễn ra với các cổ phiếu ngân hàng trong năm 2016 lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Với VCB, đây là sự lựa chọn khá chính xác khi cổ phiếu này đã tăng mạnh 31% trong năm 2016. Những ngày gần đây, Vietcombank dính vào cuộc tranh cãi khi khách hàng mất 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng quá nhiều tới đà tăng của cổ phiếu và VCB hiện đang ở mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết (đóng cửa phiên 29/8 đạt 57.500đ). VCB cũng là một trong những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực tới đà tăng của chỉ số VnIndex từ đầu năm tới nay.
Trong khi VCB liên tục phá đỉnh thì hình ảnh 2 “ông lớn” BID, CTG hoàn toàn đối lập khi gần như chỉ đi ngang và điều chỉnh. So với hồi đầu năm, CTG đã mất 7% giá trị. Còn với BID, cổ phiếu này cũng “bay hơi” 20% và điều này khiến những cổ đông ngân hàng không phải VCB cảm thấy hết sức thất vọng.
Thành công với VCB, tuy nhiên danh mục anh Hùng lại không tăng do ảnh hưởng bởi BID và CTG. Anh Hùng chia sẻ đầy ngao ngán: “Cùng là những cổ phiếu top đầu mà BID, CTG tệ quá!”. Đây cũng là tâm trạng chung của các cổ đông Vietinbank và BIDV.
Không những cổ phiếu giảm, cổ đông BIDV và Vietinbank còn chưa được nhận cổ tức trong hơn 1 năm qua. Trong khi đó, Vietcombank mới chia cổ tức 10% tiền mặt hồi tháng 6 và tháng 9 tới đây sẽ chia thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35%.
Giải mã hiện tượng Vietcombank
Báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm phần nào giải thích cho sự khác biệt của các cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, Vietcombank đạt lợi nhuận sau thuế 3.429 tỷ đồng – tăng mạnh 39% so với cùng kỳ năm trước và là ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Còn với Vietinbank, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 3.415 tỷ đồng – tăng 13%; BIDV đạt lợi nhuận 2.694 tỷ đồng – tăng 8%.
Xét trong nhóm “Big3” ngân hàng thì Vietcombank cũng đang có những lợi thế nhất định khi không phải “gánh” một ngân hàng nhỏ nào.
Trong khi đó, Vietinbank đã phải cử người sang hoạt động tại GP Bank và sẽ tiến hành sáp nhập PG Bank trong nay mai. Còn với BIDV, ngân hàng này cũng phải “ôm” MHB với khoản lỗ khi sáp nhập là 552 tỷ đồng.
Điều này khiến các ngân hàng như Vietinbank, BIDV có phần “nặng gánh” và kém hấp dẫn hơn so với Vietcombank trong con mắt nhà đầu tư trên thị trường.
Không chỉ có lợi thế về hoạt động kinh doanh so với BIDV và Vietinbank, những thông tin về bán cổ phần cho đối tác ngoại cũng đang khiến Vietcombank trở thành tâm điểm trong ngành ngân hàng.
Cụ thể, trong ngày 29/8, Vietcombank đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ về việc bán 305,81 triệu cổ phần (tỷ lệ 7,73%) cho GIC Special Investments. Theo Bloomberg, giá trị của thương vụ này vào khoảng 400 triệu USD.
CTCK HSC đưa ra nhận định sau thương vụ trên, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank sẽ tăng thêm khoảng 2% và điều này sẽ giúp củng cố nguồn vốn trước khi Basel 2 được áp dụng cho 10 NHTM lớn nhất tại Việt Nam kể từ năm sau.
Có thể thấy, những thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh cùng việc phát hành vốn cho đối tác ngoại đã và đang là động lực tăng trưởng của cổ phiếu VCB. Điều này giải thích cho sự vượt trội của VCB so với các cổ phiếu ngân hàng khác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của CTCK HSC, mức định giá của VCB hiện đã khá cao so với mặt bằng khu vực và giá cổ phiếu đã phản ánh hết giá trị.