Nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để con có thể theo học tại những ngôi trường danh giá trên đất Mỹ nhưng lại nhẫn tâm "bỏ rơi" chúng trong sự cô đơn giữa trời Tây.
Trước khi sang Mỹ học cấp ba, Yuhan "Coco" Yang thường xuyên phải thức dậy từ lúc mặt trời mọc để kịp giờ tới trường và luôn trở về nhà khi trời đã tối mịt. Cô thầm mong có thể thoát ra khỏi cuộc sống tù túng đó một cách nhanh chóng.
Trong những ngày đầu tiên theo học tại trường dòng Pomona ở California, Yang cũng từng khóc rất nhiều. Nhưng ít nhất cô đã có một cuộc sống tự do và độc lập hơn so với ở quê nhà.
Cô có thời gian đi mua sắm, xem TV và gặp gỡ bạn bè tại các nhà hàng hay quán trà thuộc San Gabriel Valley - khu vực tập trung đông người Hoa sinh sống.
Điểm số trên lớp của Yang rất bình thường. Cô chẳng học được gì trên xứ sở cờ hoa và cứ sống lông bông cho tới khi phải tra tay vào còng rồi bị chuyển tới một nhà tù xa lạ.
Cuộc sống tăm tối của những du học sinh tại Mỹ
"Cuộc đời là một khóa học, ngay cả giáo viên và cha mẹ cũng không thể giúp đỡ cho bạn. Bạn chỉ có thể tự mình bước đi, một cách thật chậm rãi" – Yang đã viết như vậy trong một bức thư gửi từ California Institute for Women, nhà tù chuyên dành cho các nữ phạm nhân tại Mỹ.
Vào hai năm trước, Yang cùng ba du học sinh người Trung Quốc khác đã bị giam giữ vì hành vi bắt nạt dã man một nữ học sinh có cùng quốc tịch. Họ còn bị kết án với những tội danh nghiêm trọng như tra tấn, bắt cóc và hành hung công dân.
"Yang cùng đồng phạm đã ép cô tới một công viên ở Rowland Heights. Họ lột sạch đồ, đánh đập và dí những đầu thuốc lá đang cháy lên người tôi. Thậm chí, cô ta còn dùng giày cao gót để tấn công tôi", nạn nhân chia sẻ.
Nguyên nhân của sự việc trên là do tranh chấp địa bàn giữa các nhóm du học sinh người Trung Quốc.
Sang nước ngoài du học, nào ngờ Yang lại phải ngồi tù vì tội danh bẳ nạt dã man bạn học.
Hiện nay, Yang đã 19 tuổi và còn phải ngồi tù thêm chín năm nữa. Cô không muốn đưa ra bất cứ lời ngụy biện nào cho hành động của mình. Việc phải sống đơn độc trên đất Mỹ đã khiến tâm lý cô thay đổi một cách kỳ lạ.
Khi nhớ về thời gian đó, du học sinh này tự miêu tả bản thân là người bốc đồng và ngu ngốc: "Tôi sẽ không bao giờ hành động như vậy nữa".
Hơn 300.000 học sinh "bỏ trốn" khỏi Trung Quốc
Ngày càng có nhiều du học sinh như Yang đặt chân tới đất Mỹ và mơ về một tương lai mà quê nhà Trung Quốc không thể mang lại cho họ.
Nhiều người tự coi mình là những kẻ "đào ngũ" khi trốn chạy khỏi hệ thống giáo dục hà khắc của Trung Quốc, nơi mà mỗi năm có tới chín triệu học sinh cuối cấp phải tranh giành nhau bảy triệu vé vào các trường đại học công lập.
Như vậy, khoảng một triệu học sinh thi trượt sẽ lựa chọn ra nước ngoài học tập. Năm 2015, hơn 300.000 học sinh ấy đã quyết định sang Mỹ.
Học sinh Trung Quốc đang dần có xu hướng chạy trốn khỏi nền giáo dục đầy áp lực nói trên. Bằng chứng là suốt thập kỷ vừa qua, số lượng các em cấp 3 người Trung Quốc tại Mỹ đã tăng từ 1.200 lên 52.000 người.
Khoảng 25% trong số này thường đơn độc sang Mỹ mà không có cha mẹ đi kèm. Dĩ nhiên, chúng sẽ theo học tại các trường ở bang California với biệt danh "những đứa trẻ nhảy dù".
Những đứa trẻ "nhảy dù" luôn phải sống và học tập trong tình trạng "đơn thương độc mã" tại xứ người.
Quá trình toàn cầu hóa cùng sự gia tăng vật chất một cách nhanh chóng tại Trung Quốc đã và đang đe dọa tới hai giá trị truyền thống tại nước này, bao gồm gia đình và giáo dục.
Sau khi tiến hành nghiên cứu xã hội về hiện tượng "những đứa trẻ nhảy dù" đang ngày một gia tăng, cô Yuying Tsong - nữ giảng viên gốc Hoa tại trường đại học California State University cho biết:
"Nhiều gia đình tại Trung Quốc chấp nhận việc phải sống xa nhau. Họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì con cái của mình, kể cả việc không thể sống bên cạnh chúng nữa".
Ngành công nghiệp giám hộ du học sinh ở Mỹ
Đồng hồ đã điểm 7 giờ tối tại nhà ông Bill Zhou, một người Mỹ gốc Hoa sống tại khu Rowland Heights. Tuy nhiên, Hsu - du học sinh 17 tuổi sống cùng gia đình ông vẫn chưa trở về.
Ông Zhou cảm thấy lo lắng và liên tục nhắn tin cho chàng thanh niên kia. Thậm chí, ông còn gọi điện cho cậu ta những vẫn không được hồi âm.
Đa phần du học sinh ở tuổi vị thành niên tại Mỹ đều lựa chọn sống chung với một gia đình người bản địa – có thế là họ hàng, bạn bè của bố mẹ hay đơn giản chỉ là một người xa lạ mới quen biết trên mạng.
Tuy nhiên, những người xa lạ mới quen này sẵn sàng cung cấp nơi ăn ở và chăm sóc cho du học sinh này với giá 1.000 USD mỗi tháng.
Điều ấy đã tạo nên một ngành công nghiệp giám hộ khổng lồ nhưng không được kiểm soát. Vì thế, sự an toàn và sức khỏe của các em sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của những gia đình bản địa.
Giáo sư Tsong cho rằng: "Phải rời xa gia đình và nền văn hóa quen thuộc từ nhỏ, du học sinh sẽ trở nên lo lắng, trầm cảm , giận dữ và thậm chí có xu hướng tự tử cao hơn so với trẻ em bản địa.
Rất khó để nhà trường và một gia đình xa lạ cung cấp cho các em sự quan tâm và ủng hộ đầy đủ. Các em còn phải chịu áp lực từ việc học tập tốt để không phụ sự hy sinh của cha mẹ.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại chẳng quan tâm tới việc con cái mình cũng đang phải hy sinh".
Hsingfang Chang, một chuyên gia tâm lý gốc Hoa sống tại thành phố Pasadena, bang California chuyên làm việc với các gia đình Trung Quốc gửi con sang Mỹ du học chia sẻ: "Nhiều đứa trẻ đã đánh mất chính mình khi phải sống đơn độc nơi đất khách quê người.
Ngoài ra, thanh thiếu niên cần phải có sự kết nối với cộng đồng. Và khi không có gia đình ở bên thì nhu cầu này càng trở nên mạnh mẽ hơn".
Những du học sinh Trung Quốc thường phải cúi đầu cầu nguyện vào mỗi buổi sáng theo quy định của các trường dòng công lập trên đất Mỹ.
Khoảng 8 giờ hơn, cuối cùng thì chàng trai sống cùng gia đình ông Zhou cũng trở về nhà. Cậu nhanh chóng mở tập tài liệu với hàng đống bài tập về nhà cùng một bảng từ vựng tiếng Anh ra học.
Hsu là một chàng trai 17 tuổi gầy gò và rất hay ngượng ngùng. Cậu bé vẫn thường xuyên nhắn tin cho cha mẹ mỗi ngày.
"Cha cháu là quản lý cao cấp tại một công ty viễn thông ở Trung Quốc, còn mẹ làm bác sĩ nha khoa. Cả hai người đều muốn con cái đi du học tại Mỹ nên cháu đã gật đầu đồng ý", cậu bé chia sẻ.
Hsu muốn vào học tại tường đại học University of Southern California, Los Angeles vì cậu là fan hâm mộ của ngôi sao bóng rổ NBA và cựu sinh viên Russell Westbrook.
Cho tới giờ, cuộc sống tại Mỹ của Hsu bao gồm việc học tập tại trường, chơi bóng rổ và đắm chìm trong trò chơi điện tử. Cậu mới tới Mỹ được 3 tháng nhưng đã vài lần bị người khác hét vào mặt bằng giọng nói cay nghiệt: "Hãy cút về nước đi".
Nhiều học sinh trung bình tại Trung Quốc đã vươn lại xếp hạng khá khi theo học tại các trường ở Mỹ.
Trong năm 2015, gần một nửa số trẻ em "nhảy dù" người Trung Quốc được vào học tại các ngôi trường dòng công lập ở Mỹ. Mặc dù không theo tôn giáo nào nhưng Hsu vẫn phải tuân thủ theo quy định của trường.
Cứ thế, nước Mỹ đang lớn dần lên trong tiềm thức của Hsu. Mặc dù tiếng Anh còn yếu, song cậu bé đã học thuộc lòng toàn bộ lời bài hát Love the Way You Lie của Eminem và Rihanna’s Love the Way You Lie.
Điểm số của cậu cũng dần được cải thiện, gần như toàn điểm A và chỉ lác đác vào điểm B ở môn thể dục và toán học.
"Tại Trung Quốc, trình độ của cháu chỉ dưới trung bình. Nhưng ở Mỹ, cháu luôn xếp hạng khá trở lên".
Ông Zhou rất tự hào về thành tích học tập của Hsu. Thậm chí, ông còn giữ bức ảnh về bảng điểm mới nhất của cậu trong điện thoại để khoe với mọi người.
Cả gia đình ông Zhou và Hsu đều đến từ Thâm Quyến. Mỗi tối, vợ ông Zhou đều làm những món ăn truyền thống của quê hương.
Dẫu muốn Hsu cảm thấy mình được chào đón nhưng ông biết có những thứ chẳng bao giờ làm được. Trước khi nhận cậu bé, quảng cáo nhận du học sinh sống chung của ông Zhou đã được rất nhiều gia đình Trung Quốc quan tâm.
"Tôi được rất nhiều gia đình liên hệ, kể cả cha mẹ của những đứa trẻ chỉ mới 6 tuổi. Dĩ nhiên, tôi không muốn nhận chăm sóc những đứa trẻ quá nhỏ như vậy".
Theo ông Zhou, rất nhiều bậc phụ huynh đang tìm mọi cách để gửi con ra nước ngoài mà không biết tình hình sinh sống tại đây diễn ra như thế nào. Họ thường liên hệ qua những tổ chức trung gian để sắp xếp chỗ ở và trường học cho con mình.
"Họ không biết ngôi trường đó ra sao. Họ cũng chẳng quan tâm gia đình bản địa mà đứa trẻ sẽ cùng chung sống có tốt hay không. Họ chỉ biết những người khác cũng làm như vậy nên họ bắt chước thôi", ông Hsu nói.
Đi du học để thỏa mãn tham vọng của cha mẹ
Tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, điểm số của Allen Qu chỉ ở mức trung bình. Trường của cậu cũng phân chia học sinh theo từng nhóm dựa trên sức học ngay từ năm cấp 2.
Vì thế, Qu luôn nằm trong nhóm những học sinh có trình độ trung bình. Con đường dẫn tới tương lai của cậu đang hướng vào các ngôi trường đại học tầm trung cùng một tương lai không nổi bật.
Cha mẹ Qu không muốn tương lai của con mình u ám như vậy và rất muốn cho cậu sang Mỹ du học. Và thế là cả gia đình đã cùng nhau sang Mỹ để sắp xếp cho Qu vào một ngôi trường nội trú ở San Marino, bang California trước khi để cậu lại một mình rồi tới New York du lịch.
Nhiều đứa trẻ chấp nhận đi du học chỉ để thỏa mãn sự sĩ diện của cha mẹ mình.
Giống nhiều học sinh Trung Quốc khác, Qu tới Mỹ vì điểm số tại quê nhà không đủ cao để thỏa mãn tham vọng của cha mẹ.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ có việc làm và mức lương của các du học sinh trở về với bằng cấp Mỹ lại thấp hơn so với những sinh viên đang học tập tại Trung Quốc.
Theo ông Dennis Yang, một nhà nghiên cứu về vấn đề này thì nhiều gia đình đã lựa chọn nền giáo dục Mỹ chỉ vì muốn thể hiện được đẳng cấp cá nhân.
"Họ luôn muốn con em của mình phải đứng đầu. Nếu đứa trẻ không đạt được điều đó, việc sang Mỹ học tập có thể trở thành một sự đền bù xứng tầm".
Qu mới chỉ 17 tuổi và vẫn chưa chắc chắn về những gì mình muốn thực hiện trong tương lai. Nhưng ít nhất tại học viện Southwestern Academy, cậu sẽ có nhiều bạn bè hơn, đạt điểm số tốt hơn và phải làm ít bài tập về nhà hơn.
Cậu thường xuyên trò chuyện qua mạng với cha mẹ vài lần một tháng. Mặc dù bà mẹ trẻ tỏ ra rất nhớ con trai nhỏ nhưng cha của cậu - một chủ kinh doanh vật liệu xây dựng lại có vẻ dửng dưng hơn.
Nhiều phu huynh "bỏ rơi" con cái giữa trời Tây
Ông Robin Jarchow, hiệu trưởng trường nội trú nơi Qu theo học cho biết: "Hiện nay, trường đang gặp khó khăn trong việc liên lạc với những vị phụ huynh ngoại quốc.
Khoảng 86% số học sinh đang theo học tại trường đều là du học sinh nước ngoài, trong đó hơn một nửa tới từ Trung Quốc.
Những bậc phụ huynh ngoại quốc thường không bao giờ tới thăm trường và rất ít khi liên lạc với nhà trường. Vì vậy, chúng tôi phải sắp xếp một số nhân viên chăm sóc riêng cho từng nhóm học sinh đang sống tại ký túc xá và cử thêm một giáo viên túc trực tại bàn ăn".
Các vị phụ huynh lắm tiền, nhiều của chỉ biết tạo điều kiện cho con mình đi học ở trời Tây mà không hề quan tâm đến cuộc sống thực sự của chúng.
Chẳng biết đến bao giờ, họ mới lại đáp máy bay sang thăm những đứa trẻ cô đơn hay lại viện lý do bận rộn để thoái thác trách nhiệm cần phải có...