Vào ngày 4/12 vừa qua tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) khi một chiếc xe tải chở bia gặp tai nạn, hơn 1 nghìn thùng bia đổ xuống đường, hàng trăm người dân đổ xô nháo nhào tranh nhau “hôi của” mặc cho người tài xế có van xin. Đó thực sự là điều đáng xấu hổ khiến dư luận bức xúc, bất bình.
Để làm rõ hơn những tác nhân xã hội gây ra những hành vi đáng xấu hổ như vậy, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP. HCM.
- Thầy có cảm thấy xấu hổ, buồn về cách hành xử của người dân Biên Hòa, Đồng Nai trong vụ “hôi bia” vừa qua?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Những lần đầu đọc tin tức về “hôi bia” tôi cảm thấy hơi xấu hổ nhưng những lần sau đó dường như tôi đã chai lì cảm xúc, tôi chỉ thấy ngao ngán vì sự việc diễn ra quá nhiều!
Sự việc “hôi của” không còn lạ, thậm chí người ta còn “hôi của” chai tương ớt đổ ra từ chiếc xe tải cách đây hơn nửa năm, “hôi của” những tờ tiền, điện thoại của những người gặp tai nạn giao thông…
- Với tư cách là một người nghiên cứu về tâm lý xã hội, thầy có thể cho biết vì đâu mà một bộ phận người dân lại có hành động đáng xấu hổ như vậy?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Chúng ta gọi là “hôi của” nhưng thực ra là hành vi cướp đoạt tài sản một cách ngang nhiên. Rõ ràng, từ sự kiện này chúng ta thấy nhiều vấn đề, cụ thể:
Thứ nhất ý thức của bộ phận người “hôi của” khá kém: Họ không nhận thức hành động mình làm là vi phạm pháp luật và lương tâm cũng không đánh thức họ.
Thứ hai xuất phát từ tâm lý đám đông: Những hành động đầu tiên sẽ kéo theo những hành động sau đó của người khác. Chỉ 1 -2 người đầu tiên bắt đầu “hôi của” và những người khác sẽ bắt chước theo.
Thứ ba là do chế tài xử lý của pháp luật chưa nghiêm: Rõ ràng trong những trường hợp đó là vi phạm pháp luật nhưng hầu như từ trước đến giờ chưa ai bị xử lý. Vì vậy người ta cho rằng đó là việc bình thường, của rơi ngoài đường là của chung thì mạnh ai người lấy, chứ không nghĩ rằng đó là hành vi cướp đoạt tài sản.
Thứ tư do biến động giá trị của xã hội: Ngày nay, giá trị cái tôi đang được tôn vinh là số 1, họ sẽ làm những việc có ích cho mình. Những vụ “hôi của” tại sao lại xảy ra ở những thành phố lớn như TP.HCM, Biên Hòa…nơi có trình độ dân trí cao? Chúng ta đã suy giảm đạo đức đáng báo động. Sự việc vừa qua chỉ là bộc lộ bên trong của sự tham lam, suy thoái đạo đức của con người.
Sâu xa hơn chính là vấn đề giáo dục con người, ở đây cả 3 lực lượng giáo dục đều đang có vấn đề.
- Tại sao thầy lại khẳng định “cả ba lực lượng giáo dục đều đang có vấn đề” trong việc giáo dục đạo đức cho đứa trẻ?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Tôi đã từng chứng kiến một bà mẹ chở cậu con trai khoảng lớp 2 đi qua cầu Thị Nghè (TP.HCM) khi nhìn thấy người đi trước rơi tiền vung vãi, ngay lập tức bà mẹ phanh xe gấp và nói với cậu con trai xuống nhặt nhanh lên không người khác nhặt hết. Tôi khá sững sờ khi người mẹ không bảo người con trai nhặt tiền giúp người bị rơi mà lại yêu cầu người con trai “cướp tiền” của người khác.
Vì vậy, gia đình, đặc biệt là cha mẹ, có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Nhưng họ rất ít nói về chuyện này và thường dạy con sống vì mình trước, khi bước ra ngoài xã hội nên hành xử ra sao để có lợi cho mình.
Rễ chắc thì cây mới khỏe. Gia đình là bộ rễ để ‘cây non’ bám rễ đầu tiên hút những bài học dinh dưỡng cho tâm hồn và nhân cách của đứa trẻ. Cách sống của ba mẹ là một phần cách sống của con cái.
Về phía nhà trường: Hiện nay nhà trường bị quá tải về mặt chương trình, kiến thức, vì vậy chương trình giáo dục đạo đức không có nhiều thời gian, đứa trẻ ít được giáo dục về mặt ý thức, đạo đức.
Về mặt xã hội: Do sự cạnh tranh trong xã hội xuất phát từ kinh tế thị trường, cái tôi được đề cao dẫn đến sự ích kỷ, lòng tham của con người nảy sinh.
- Những bài học “nhặt được của rơi trả người đánh mất”, tiết học đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường có phải nặng lý thuyết, chỉ mang tính hình thức?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Những bài học về đạo đức được dạy trong nhà trường rất hay, ít nhiều cũng tác động đến tâm hồn của học sinh. Tuy nhiên, 1 bài ta chỉ dạy 1 lần trong khi đó xã hội luôn luôn tác động. Giáo dục đạo đức mà không hình thành thói quen thì cũng giống như xây lâu đài trên cát và có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào bằng thực tế trong xã hội.
- Nếu một học sinh của thầy “hôi của”, thầy sẽ xử lý như thế nào?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nếu là người trong cuộc thì khi xảy ra một sự cố như vậy, chúng ta nên là người đầu tiên giúp đỡ người đó. Vì có thể những hành động đầu tiên sẽ kéo theo việc làm tốt sau đó.
Nếu là người trong cuộc hãy tự nhắc nhở rằng, mình lấy một két bia, nhặt một vài tờ tiền… đôi khi mình đang cướp đi hạnh phúc, thậm chí cả cuộc sống của người khác. Nếu thùng bia mà mình lấy thì người đó phải đền cho chủ thì sao? Nếu tiền chúng ta nhặt có thể là tiền chữa bệnh thì sao? Đó chẳng khác nào hành động giết người không dao, không gươm, súng.
Và cuối cùng, dù pháp luật có trừng trị hay không thì những người “hôi của” cũng nên tự xấu hổ trước pháp luật của chính bản thân mình - đó chính là lương tâm của bản thân.
Trân trọng cảm ơn thầy!