Vào ngày 5/12, một đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh người dân nháo nhào hôi của sau khi một chiếc xe chở bia gặp nạn trên đường đã khiến dư luận vô cùng bất bình. Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện hôi của và ý thức văn hóa của người dân đã trở thành chủ đề bàn tán tranh luận và có cả những chỉ trích vô cùng nặng nề.
Chúng tôi xin đăng tải bài viết này:
"Tôi biết trên đường hành trình Bắc Nam, nhất là những nơi có địa thế hiểm yếu, có những người nghe ở đâu có xe lật là đua nhau đến đó hôi của. Không thể nói họ sống nhờ những thứ lấy được, nhưng dù gì thì họ cũng không khác gì kẻ cướp.
Ở đồng bằng, vừa rồi cũng có xe bị lật, cũng có nhiều người hôi của, dư luận phẫn nộ, mọi người ê chề nhận ra đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều người phản đối mạnh mẽ mà quên rằng mình cũng là một phần của cái gọi là đạo đức xã hội.
Người trong cuộc thấy gì, một quang cảnh hỗn độn, không ai chảy máu chảy me gì cả, chả biết thằng nào tông thằng nào mà của trời cho đang đổ ra đầy đường, quan tâm chi cho mệt. Tức nhất là thằng kia nó gom được cả xe ba gác, chả lẽ mình không quơ được 2 lon… Tôi không nói tất cả chúng ta đều như vậy, có những người kiểm soát mình tốt hơn nhưng cũng có những người nhất thời không bỏ qua cơ hội được.
Có người nói nên quyên góp để ủng hộ người lái xe đó. Tôi nghĩ không mấy người chịu quyên tiền cho người lái xe, việc gì cũng phải có cái lý của nó, sao phải quyên tiền để trả cho sự tham lam của người khác. Việc quyên tiền, vốn xưa nay vẫn được làm để cứu trợ, ngày càng bị hiểu sai đi ý nghĩa của nó.
Hơn nữa, người lái xe đó không muốn mắc nợ ai, không xin ai, anh ta chỉ muốn nhận lại những gì của anh ta thôi. Và khi lấy từ thiện để khỏa lấp đi một vết nứt, chúng ta bỏ qua cơ hội để vá lại vết nứt đó.
Sao không công bố số tài khoản của anh lái xe nọ để những người lỡ hôi của gửi trả lại anh số tiền tương ứng số bia đã lấy. Ai chẳng có lương tâm, đâu phải những người không hôi của mới có. Trong một chốc lát nông nổi, tham lam, bầy đàn, họ đã phạm sai lầm, mà nói tính bầy đàn (hay từ ngữ dễ nghe hơn là tâm lý số đông) thì ai chẳng có, những người mệnh danh là dư luận, đang rào rào lên án kẻ hôi của cũng đang thể hiện tập tính này, phê phán mà không cho người khác cơ hội giải bày, ăn năn, không cho họ cơ hội chuộc lỗi. Sống trên đời không có cái đúng triệt để nên cũng đừng ép người khác phải lãnh cái sai triệt để.
Mở cửa cho người ta chuộc lỗi, cho người ta một số tài khoản, những khoản tiền vô danh sẽ lặng lẽ quay về, vừa để người làm sai sửa được cái sai, nạn nhân được đền bù thỏa đáng và quan trọng nhất là những giá trị đẹp đẽ của dân tộc được giữ gìn, nhất là một đức tính đã mai một khá lâu - lòng dũng cảm. Dũng cảm nhận ra cái sai, dũng cảm sửa sai và được người khác giữ thể diện cho để sửa sai.
Luật hấp dẫn rằng nếu ta mãi phê phán, nhìn vào cái xấu thì ta sẽ dìm cả dân tộc này trong những thói hư tật xấu. Nếu ta mở đường thoát cho người khác, thì đến lượt ta, người khác sẽ từ tâm với ta. Một dân tộc nắm tay nhau, không nghi kị chẳng đáng hơn một dân tộc ươn hèn thủ thế riêng từng cá nhân hay sao?"
Hãy gửi bài bình luận về email btv@soha.vn. Những bình luận sâu sắc và hay, độc đáo sẽ được đăng tải và trả nhuận bút. Đặc biệt, có thể sẽ có những bài bình luận được TRẢ NHUẬN BÚT TRONG NGÀY! Trân trọng cảm ơn quý độc giả!