Những “trá hình” phía sau cung đường “phượt”

Thiết Sam |

(Soha.vn) - Có không ít những cá nhân đang biến tướng hình thức đi du lịch bụi này.

“Phượt” chân chính

“Phượt” là khái niệm gần đây được giới trẻ quan tâm rất nhiều, những câu chuyện xoay quanh chủ đề này không ít và cũng không mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi “phượt” đang dần là một xu hướng, một trào lưu của giới trẻ thì chủ đề này nên được nhìn nhận một các nghiêm túc.

Xét về bản chất, “phượt” là một dạng của đi du lịch. Điểm khác biệt là khi đi “phượt” bạn được chủ động lựa chọn phương tiện, lộ trình, địa điểm và có cơ hội khám phá những địa điểm lạ và đôi khi là những nơi mà chưa có trên bản đồ du lịch. “Phượt” có thể hiểu là “thích thì nhích, thích là đi”.

Những người “đi phượt” đa phần là các bạn trẻ, có lối sống hiện đại và thích chia sẻ. Họ thích phiêu lưu mạo hiểm, thích những vùng mới lạ và thích những nét nguyên sơ của thiên nhiên. Với những người đam mê “phượt”, được di chuyển và khám phá những hành trình là một niềm hạnh phúc.

"Phượt" giúp các bạn trẻ xích lại gần nhau hơn

Ở Việt Nam hiện nay, Phượt phát triển đang dần như một xu hướng, hàng trăm nhóm phượt được lập ra, trong các nhóm phượt đó có những người “đi phượt” đích thực và có những người đi du lịch đơn thuần nhưng vẫn nghĩ mình là một “phượt thủ”.

“Phượt” chân chính trước hết mang tư tưởng tiến bộ và tác động tích cực, chính điều đó đã mang lại sức hút đặc biệt cho giới trẻ chạy theo phong trào “phượt”.

“Phượt” giúp ta trở nên kiên cường, rắn rỏi, có tính tự lập, tinh thần tập thể và đôi khi là đánh thức tiềm năng của chính bản thân người đi “phượt” khi tham gia một chuyến du lịch mạo hiểm. “Phượt” rèn cho ta nhiều kỹ năng sống trong môi trường khắc nghiệt và giúp chúng ta thoát khỏi vỏ bọc bản thân thường ngày.

"Phượt" chân chính còn kết hợp với việc làm từ thiện

Không chỉ thế, các bạn trẻ còn học được tinh thần tương thân tương ái qua những cung đường. Song song với việc đi “phượt”, các cộng đồng “phượt” còn kết hợp với việc làm từ thiện, quyên góp tiền bạc, sách vở cho những em nhỏ, những vùng đất xa xôi nghèo đói. 

Những "biến tướng" từ “phượt”

“Phượt” là hình thức đi du lịch kiểu tự phát, tuy nhiên gần đây thì việc xuất hiện những hình thức “giả phượt” để thu lợi đã làm biến tướng cách nhìn nhận của cộng đồng về hình thức đi du lịch này. Có những nhóm phượt được lập nên với mục đích kinh doanh, bằng việc các bạn sẽ tổ chức "cung", thu hút sự tham gia của các bạn trẻ sau đó thu tiền và kiếm lời từ đó.

Tuy nhiên cũng có nhiều người vì những mục đích cá nhân mà làm biến tướng ý nghĩa của
Tuy nhiên cũng có nhiều người vì những mục đích cá nhân mà làm biến tướng ý nghĩa của "phượt"

Nổi cộm nhất, gần đây là chuyến đi phượt của nhóm G.Đ.P, mỗi lần tổ chức cung các bạn Leader nhận khoảng 30 xe hoặc hơn, tính ra số lượng khoảng 60 người mà không hề có giấy phép tổ chức hay xin phép một cơ quan chức năng nào về việc tập hợp một số lượng người lớn như thế khi di chuyển xa. Chính việc tập hợp một số lượng người lớn dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo, không an toàn và những rủi ro luôn rình rập là điều dễ hiểu.

Một phần các bạn trẻ (đa số là nam) tìm đến “phượt” như một cuộc săn mồi tình ái. Các “phượt thủ” tìm tới các nhóm phượt, tham gia những cung đường để tìm các đối tượng. Lợi dụng suy nghĩ của các bạn trẻ khi tham gia “phượt” thường có tư tưởng thoải mái, tư duy tiến bộ, thích chia sẻ, thích kết bạn, thích quan tâm, chính điều này dẫn đến một vài cá nhân dùng “phượt” chỉ là công cụ để "săn gái".

Hãy nhìn nhận
Hãy nhìn nhận "phượt" một cách khách quan và đúng đắn

Có những bạn trẻ tìm đến “phượt” như một sự thách đấu với tử thần. Một “phượt thủ” tên N.Đ.T hào hứng chia sẻ: “Em chạy đường đèo lúc nào cũng 80 - 100km, khi đổ đèo 70 - 80km thì phê thôi rồi, sướng lắm!”.

Các bạn ưa mạo hiểm, đồng ý là chúng ta có thể thực hiện sở thích của mình, nhưng không phải lúc nào cũng có thể thể hiện sở thích đó. Đường không phải là của riêng bạn mà còn rất nhiều người khác, việc bạn phóng không kiểm soát tốc độ chỉ làm hại bản thân mình và những người xung quanh. Và những tai nạn thương tâm của các “phượt thủ” cũng là những bài học đáng suy ngẫm.

Có những người đi “phượt” thường hùng hồn tuyên bố mình yêu thiên nhiên, mình bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, hành động đi tới đâu xả rác tới đó là minh chứng rõ nhất cho “tình yêu” của họ dành cho thiên nhiên và môi trường. Thiết nghĩ, chúng ta nên có một cách nhìn nhận rõ ràng về trách nhiệm của mỗi cá nhân với môi trường và thiên nhiên.

“Phượt” là đam mê và những đam mê đó bạn có quyền bảo vệ, tuy nhiên hãy nhìn nhận nó một cách khách quan và đúng đắn nhất để bạn có thể tự hào mình là một “phượt thủ” văn minh đúng nghĩa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại