LTS: Ngày 12/5 TS Trịnh Thu Tuyết đã ra đề bài ôn tập môn Ngữ văn cho lớp 12D1 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, trong đó có "Đề đọc hiểu số 5" sôi sục tinh thần yêu nước, hướng về biển Đông. Đề bài được ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây phẫn nộ cho toàn dân tộc, bức xúc trên trường quốc tế.
Đề bài, theo lời chia sẻ của cô Trịnh Thu Tuyết, đã tạo ra nguồn cảm hứng lớn, và đã xuất hiện những bài viết chân thực về cảm xúc, thể hiện tư duy rất tốt. (xem chi tiết đề bài)
Và dưới đây chúng tôi xin trích đăng bài viết của em Lê Nguyệt Ánh, với những lời lẽ vừa thiết tha khi nói đến tình yêu Tổ quốc, vừa đanh thép khi khẳng định ý chí Việt Nam. Bài viết cũng được cô Tuyết đánh giá là cập nhật rất nhanh thông tin về sự kiện được phản ánh trên báo chí.
Một đoạn văn hào sảng của em Lê Nguyệt Ánh.
"Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
.....
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
.....”
Đó chỉ là một số trong những lời thơ đầy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong chiều dài văn học Việt Nam. Và những câu thơ đó, nó dễ dàng đi vào lòng người đọc đến mức chỉ là một đứa trẻ cũng có thể thuộc, hay trong những câu hát ru ầu ơ của mẹ, trong những câu chuyện kể của ông bà… Trong thời điểm hiện tại, những câu thơ ấy cũng là một trong nhiều yếu tố cảm hứng mãnh liệt cho mỗi công dân Việt với vấn đề nóng bỏng: chủ quyền dân tộc.
Chủ quyền dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh lại trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Chủ quyền dân tộc có thể hiểu là quyền độc lập tự chủ của dân tộc ấy trên phạm vi lãnh thổ của họ, đồng nghĩa với việc họ có quyền đứng lên bảo vệ và chống lại mọi âm mưu, hành động xâm phạm lãnh thổ của họ.
Việt Nam, dải đất hình chữ S duyên dáng tọa lạc ở khu vực Đông Nam Á với nền văn hóa hơn 4000 năm, được thiên nhiên ban tặng không chỉ là dải đất màu mỡ, là vùng trời trong xanh mà còn là cả một vùng biển rộng lớn đầy tiềm năng. Là một đất nước có đường bờ biển dài hàng nghìn km, biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng với dân tộc Việt Nam (...)
Biển đảo - một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam đang bị xâm phạm một cách ngang ngược. Hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc vào thềm lục địa Việt Nam, nói theo cách ví von của một số người, như việc “mang hàng rào của nhà mình cắm vào giữa sân cửa nhà hàng xóm”... Vấn đề chủ quyền của dân tộc trên biển Đông, chủ quyền đối với Trường Sa – Hoàng Sa từ lâu luôn bị "gã hàng xóm" quấy rối, nay càng thêm căng thẳng (...)
Chúng ta phẫn uất, căm giận và lên tiếng đòi lại công bằng trước sự trơ tráo của “người láng giềng”; chúng ta xuống đường tuần hành, thế giới lên tiếng ủng hộ, không ít nước bạn góp tiếng nói trong Đại hội ASEAN, Liên hợp quốc. Chúng ta tranh thủ sự đồng tình của quốc tế, nước bạn, nhưng liệu rằng mọi việc có theo chiều hướng tích cực?
Hơn 1000 năm Bắc thuộc ta còn giữ được tiếng nói, không phai bản sắc, trải qua hai cuộc kháng chiến trước thực dân Pháp - đế quốc Mỹ, có những trận đánh “chấn động địa cầu”, “làm thế giới rung chuyển”. Bao nhiêu người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do này, vì chủ quyền dân tộc Việt Nam, vì đất nước Việt Nam tươi đẹp, Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi âm mưu và hành động chống lại sự độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… đều bị nghiêm trị theo pháp luật.
Khi Tổ quốc bị xâm phạm, giống như một vết cắt trong trái tim mỗi người Việt. Ngoài biển đảo xa kia, hằng ngày có bao nhiêu người đang gìn giữ từng mét bờ biển, từng hải lý lãnh thổ cho Tổ quốc thân yêu. Và ngồi đây là những thế hệ tương lai, đang học tập và nỗ lực hết mình để cống hiến cho Tổ quốc, để bảo vệ cho hai chữ “chủ quyền” thiêng liêng như Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
* Cùng sự kiện
> Vụ giàn khoan TQ: Bài văn dồn nén cảm xúc của nữ sinh 18 tuổi
> Đề văn lớp 12 trường Chu Văn An Hà Nội sôi sục vì biển đảo
> TS Tuyết: "Nước mắt học sinh trong vắt vẻ đẹp của lòng yêu nước"